Thứ Năm, 03/10/2024 03:32 SA
Doanh nghiệp mía đường:
Vẫn nỗi lo thiếu nguyên liệu
Thứ Bảy, 05/12/2009 07:17 SA

Dù niên vụ 2008 - 2009, các doanh nghiệp mía đường trên địa bàn Phú Yên tăng cường đầu tư vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thế nhưng, trận bão lũ đầu tháng 11 vừa qua đã khiến cho 68% diện tích mía bị đổ ngã, giảm 30% sản lượng và đặt các doanh nghiệp vào trong tình trạng thiếu nguyên liệu.

 

mia-ve-NM.091205.jpg

Ảnh: N.TRƯỞNG

 

TĂNG ĐẦU TƯ VÙNG NGUYÊN LIỆU

 

Bài toán về nguyên liệu lại đặt ra cấp bách đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mía đường của tỉnh Phú Yên khi kết thúc niên vụ 2007- 2008, các nhà máy chỉ thu mua được 608.300 tấn nguyên liệu, giảm 24,7% so vụ trước. Trước nguy cơ thiếu nguyên liệu có thể tiếp tục diễn ra những vụ sau, các công ty mía đường đã đề ra chính sách mới để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tăng suất đầu tư hỗ trợ nông dân thực hiện thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng. 

 

Theo tính toán của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, mỗi ha mía trồng mới thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật thâm canh cần đầu tư 15 triệu đồng nên từ niên vụ 2008 - 2009 công ty tăng suất đầu tư trồng mới từ 9 triệu đồng lên 15 triệu đồng/ha, bao gồm cung ứng 10 tấn mía giống, 2 - 4 tấn phân vi sinh, 300kg phân NPK, chi phí làm đất 1,5 triệu đồng và công chăm sóc 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ không hoàn lại 1 tấn phân vi sinh bón lót/ha, chi phí vận chuyển mía giống 180.000 đồng/ha. Đối với mía lưu gốc, công ty cũng tăng mức đầu tư từ 5 triệu đồng lên 8 triệu đồng/ha bằng phân bón và công chăm sóc. Mặt khác, công ty bảo hiểm mía đạt 9 chữ đường với giá 500.000 đồng/tấn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm mía cây theo giá thị trường như Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng thông qua hợp đồng”.

 

Chính sách đầu tư này đã đem lại hiệu quả tích cực, vùng nguyên liệu chính của Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa thuộc hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa được mở rộng từ 2.745ha lên 3.250ha, trong đó diện tích trồng mới trên 1.000 ha, gồm 570ha trồng lại trên diện tích mía phá gốc và 560ha trồng trên đất mới chuyển đổi từ cây trồng khác; đồng thời còn đầu tư chăm sóc hơn 1.600 ha mía lưu gốc. Ông Lê Tấm Đàm, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết: Với vùng nguyên liệu tăng thêm gần 500ha, vụ ép 2009 - 2010, công ty sẽ có ít nhất 150.000 tấn mía cây, tăng 40.000 tấn so với vụ vừa qua, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động đạt công suất thiết kế 1.250 tấn mía/ngày.

 

Đối với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã đầu tư cho nông dân trong vùng nguyên liệu hơn 80 tỉ đồng, gồm 31 tỉ đồng phân bón, 22 tỉ đồng cung cấp  mía giống và ứng trước tiền mặt hơn 27 tỉ đồng. Bình quân mỗi ha mía, công ty này đầu tư 6 triệu đồng, trong đó trồng mới được đầu tư trên 10 triệu đồng. Ngoài ra áp dụng chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu thông qua việc hỗ trợ không hoàn lại 1,5 triệu đồng/ha để bà con nông dân chuyển đổi diện tích lúa bấp bênh sang trồng mía, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha trồng mía rải vụ vào tháng 5 và tháng 6; hỗ trợ 500.000 đồng/ha thay giống mía địa phương năng suất thấp bằng giống mía cao sản… Ông R. Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết: Trong vùng nguyên liệu mía hơn 13.000ha thì có 11.475ha được công ty đầu tư. Trong đó có 3.391ha mía gốc lâu năm được bà con phá bỏ trồng lại bằng các giống mới do công ty cung cấp. Với sự đầu tư đó, công ty dự tính sẽ có 600.000 tấn mía nguyên liệu cho vụ ép 2009 - 2010.

 

VẪN LO THIẾU NGUYÊN LIỆU

 

Liên tục những năm gần đây, các nhà máy đường trên địa bàn Phú Yên luôn thiếu nguyên liệu do diện tích bị thu hẹp và chất lượng mía suy giảm. Niên vụ 2007- 2008, các nhà máy đường sản xuất được 67.056 tấn đường, chỉ bằng 90,2% so với niên vụ trước; đến niên vụ 2008 - 2009, lượng đường sản xuất chỉ còn 54.250 tấn, mặc dù các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho nông dân, nhưng vùng nguyên liệu chẳng những không tăng mà giảm từ 18.128ha xuống còn 17.957ha. Song với việc thay giống mới và đầu tư phân bón nên năng suất mía tăng đáng kể, dự ước đạt xấp xỉ 55 tấn/ha, tăng gần 4 tấn/ha so vụ trước nên dự kiến sản lượng mía nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy khoảng 760.000 tấn, tăng 165.000 tấn (21,7%) so với niên vụ vừa qua.

 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão, nhất là đợt lũ lịch sử đầu tháng 11 vừa qua, khiến hàng ngàn ha mía ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An bị vùi lấp, giảm trên 50% năng suất. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Trong số 3.100ha mía của huyện thì có đến 2.250ha bị đổ ngã, trong đó có 550ha bị vùi lấp, gãy ngọn giảm năng suất trên 70%, số còn lại giảm từ 30 - 70% năng suất. Còn theo Ban điều hành chương trình mía đường Phú Yên, toàn tỉnh có đến 12.208ha bị đổ ngã do bão lũ, chiếm đến 68% diện tích mía nên sản lượng mía sẽ giảm khoảng 30%. Do vậy, mục tiêu thu mua 760.000 tấn mía nguyên liệu để sản xuất 76.000 tấn đường của các doanh nghiệp mía đường của tỉnh đặt ra cho niên vụ ép 2009- 2010 sẽ khó trở thành hiện thực.

 

Hiện tại, Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa đã ra quân vụ ép năm 2009 - 2010 với mục tiêu đặt ra thu mua 160.000 tấn mía cây để sản xuất 16.000 tấn đường. Tuy nhiên, trong vùng nguyên liệu của công ty hiện chỉ có hơn 3.200ha mía, sản lượng giảm hơn 20% do ảnh hưởng bão lũ số 11 nên dự ước chỉ có thể thu mua được khoảng 130.000- 140.000 tấn mía nguyên liệu. Những ngày đầu vụ, công ty ưu tiên phát lệnh thu hoạch cho những chân ruộng mía bị đổ ngã, nhất là đối với những diện tích mía bị gãy ngọn không còn khả năng phục hồi để giảm thiệt hại cho nông dân với giá 620.000 đồng/tấn tại ruộng và không tính chữ đường, tăng 130.000đồng/tấn so với đầu vụ trước, song nguyên liệu về nhà máy chỉ đạt 850 tấn/ngày.

 

Đối với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, với 2 nhà máy có công suất 6.250 tấn mía/ngày càng thêm khó khăn khi vùng nguyên liệu mía có sự tranh giành của một số công ty khác. Công ty dự định sẽ ra quân vụ ép mới vào giữa tháng 12/2009, song gần đây một số nông dân ở huyện Sơn Hòa “tranh thủ” thu hoạch sớm bán cho Công ty TNHH Rượu Vạn Phát, mặc dù diện tích mía này nhận đầu tư ứng trước của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam.

 

Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp mía đường đang gặp là khó khăn trong việc vận chuyển mía về nhà máy do hệ thống giao thông trong vùng nguyên liệu bị hư hỏng nặng qua bão lũ chưa được khắc phục kịp thời. Xe chở mía về nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa qua cầu Đồng Bò đang sửa chữa nên phải xuống tải. Thêm vào đó, phí vận chuyển tăng do xăng dầu tăng giá và thiếu lao động thu hoạch đang ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch mía và lợi nhuận của doanh nghiệp lẫn người trồng mía.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek