Mỗi doanh nghiệp một website (ekip) là một trong những chương trình hỗ trợ cộng đồng Bộ Công thương phát động nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng website miễn phí phục vụ phát triển thương mại điện tử và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin - Bộ Công thương) xung quanh vấn đề này.
Tư vấn đầu tư thiết bị máy tính phục vụ thương mại điện tử tại doanh nghiệp tin học Minh Khánh (TP Tuy Hòa) - Ảnh: MINH NGUYỆT |
* Mục tiêu, đối tượng nào tham gia chương trình này, thưa ông?
- Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website bán hàng trực tuyến miễn phí, giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh. Giúp doanh nghiệp sử dụng tốt hơn công cụ website, phục vụ cho việc phát triển thị trường, tăng doanh thu cũng như quảng bá thương hiệu. Chương trình được triển khai từ tháng 4/2009 trên cả nước, tập trung hỗ trợ các địa phương. Mọi loại hình, quy mô doanh nghiệp cho dù có hay chưa có website đều có thể tham gia ekip, nhưng thích hợp nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các cá nhân có nhu cầu xây dựng website để cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng có thể tham gia chương trình này.
Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin giao cho Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ekip. Website chính thức của chương trình: www.ekip.vn. Những doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu xây dựng website miễn phí có thể đăng ký trực tiếp tại website của chương trình www.ekip.vn hoặc liên hệ với EcomViet.
* Vậy lợi ích của ekip là gì?
- Doanh nghiệp sẽ có ngay một website quy chuẩn với đầy đủ chức năng: giới thiệu thông tin, sản phẩm, tích hợp công cụ bán hàng, đặt hàng trực tuyến; quản lý đơn hàng, quản lý danh mục sản phẩm thông minh, quản lý nhà cung cấp, theo dõi đơn hàng thư điện tử dung lượng lớn, công cụ tìm kiếm… Ekip tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến hiện đại, an toàn: Khách hàng có thể sử dụng các hình thức như thẻ tín dụng quốc tế, thẻ thanh toán nội địa, ví điện tử… để thanh toán cho hàng hóa dịch vụ trên website. Hình ảnh của doanh nghiệp được đưa lên trên môi trường trực tuyến, mở rộng kênh bán hàng. Website sẽ được duy trì trên hệ thống máy chủ mạnh, ổn định, an toàn, tốc độ cao; được hỗ trợ quảng bá thông tin về website qua các kênh của Bộ Công thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hỗ trợ tham gia chương trình gắn nhãn website thương mại điện tử uy tín TrustVn.
* Theo ông, việc xây dựng website ở các doanh nghiệp hiện nay như thế nào?
- Dù nhận thức được tầm quan trọng của website đối với hoạt động của mình, tuy nhiên, khi xây dựng website doanh nghiệp cũng còn gặp một số khó khăn. Ở các thành phố lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thường xuyên giao dịch với khách hàng nước ngoài nên nhận thức của họ về việc phải có trang web là rất cao. Còn lại, các doanh nghiệp hoạt động ở thị trường nội địa, nhận thức của họ về trang web chưa thực sự tốt. Bên cạnh đó, để một doanh nghiệp xây dựng website đòi hỏi rất nhiều thứ. Ở các thành phố lớn, các công ty tin học nhiều nên họ có thể tư vấn cho các doanh nghiệp xây dựng website, ngược lại ở các tỉnh việc tư vấn còn hạn chế. Hơn nữa, để website của doanh nghiệp thực sự có ích thì cần phải có một kế hoạch bài bản, động chạm đến vấn đề kỹ thuật như làm như thế nào, dùng công nghệ gì?. Điều quan trọng khác, website giống như đứa con của mình, đẻ ra thì dễ nhưng để duy trì thì không đơn giản, cần có người cập nhật, duy trì, quảng bá, thiết kế, đặt nó ở đâu, như thế nào…
Tỉ lệ doanh nghiệp Việt
* Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU (thực hiện)