Một số hiện tượng kinh tế xã hội thường biến động có tính chất mùa vụ, thể hiện rõ nhất trong nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thu hoạch phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, quy luật sinh sản, sinh trưởng của các đối tượng nuôi trồng.
Thu hoạch tôm đất ở đầm Ô Loan, huyện Tuy An
Ở Phú Yên, hàng năm từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau tôm đất (rảo) xuất hiện nhiều, tập trung vùng ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An), đầm Cù Mông (TX Sông Cầu), vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), hạ lưu sông Đà Rằng (TP Tuy Hòa). Các công ty xuất nhập khẩu thủy sản thường tổ chức mua tôm đất để chế biến, xuất khẩu dưới dạng tôm bóc nõn, tôm luộc, tôm sống.
Sản lượng tôm đất trong tự nhiên cao nhất vào các tháng 11, 12 năm trước đến tháng 1, 2, 3 năm sau (chỉ số mùa vụ 202,16%, 194,93%, 169,69%, 122,54%, 148,79 %...). Do đó nếu thị trường tiêu thụ ổn định, nuôi luân canh tôm đất vào vụ hai là một trong những giải pháp tốt nhất để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản, vì tôm đất là đối tượng nuôi có sức đề kháng cao, rộng nhiệt, sống và phát triển trong điều kiện nhiệt độ từ 100 - 400 C (tối ưu ở 200 - 300C), trong môi trường có độ mặn 0‰ - 45‰ (tối ưu ở 2‰ - 35‰), chất đáy bùn, bùn cát, thức ăn là mùn hữu cơ, xác sinh vật, mầm non một số loài rong, các động vật phù du, động vật đáy, có tác dụng làm sạch môi trường ao nuôi.
Trước tình hình dịch bệnh tôm lây lan trên diện rộng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, tổ chức nuôi luân canh các đối tượng có đặc điểm sinh học phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết của vùng nuôi, vụ nuôi, tiêu biểu như hộ ông Ngô Trọng Chí (ở phường 6, TP Tuy Hòa). Từ năm 2004, trên diện tích ao nuôi 3.000 m2, vụ thứ nhất nuôi tôm sú thất bại, vì tôm bệnh đốm trắng. Vụ hai (khí hậu, thời tiết lạnh) chuyển sang nuôi 10 vạn con tôm đất, lãi được 12 triệu đồng sau 2 tháng 20 ngày nuôi. Ông Chí cho biết: Nuôi luân canh tôm đất vào vụ hai phù hợp với quy luật tự nhiên, đặc điểm sinh học của tôm đất. Đây là cách tốt nhất để nuôi tôm hiệu quả, tuy lãi thấp nhưng thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay, do giá xuất bán tôm đất không ổn định, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản không mua mặt hàng này như các năm trước nên các hộ dân không nuôi, chỉ thu hoạch từ tự nhiên, xuất bán trong tỉnh, phục vụ cho tiêu dùng nội địa, giá bán trung bình 40.000 - 50.000 đồng/kg (cỡ tôm 120 - 140 con/kg).
Qua theo dõi chương trình nhận thấy, áp dụng các hình thức nuôi luân canh, xen canh, đa dạng hóa đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết của từng vùng nuôi, vụ nuôi, giữ gìn cân bằng môi trường sinh thái để phát triển bền vững cần được tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: thị trường xuất khẩu, công tác tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật nghề nghiệp cho bà con, quản lý cộng đồng vùng nuôi… thì mới có thể thực hiện thành công chương trình.
KS. HUỲNH VĂN VŨ