Sản xuất công nghiệp của Phú Yên gặp nhiều khó khăn sau bão lũ do cơ sở hạ tầng, thiết bị, nhà xưởng đều bị hư hỏng. Dù bước đầu đã đi vào hoạt động sản xuất trở lại song các doanh nghiệp đang rất cần chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
Công ty TNHH Tiến Đạt tập trung sản xuất trụ điện đáp ứng nhu cầu khắc phục lưới điện sau bão, lũ trên địa bàn Phú Yên – Ảnh: T.Q
Hơn mười ngày sau trận bão lũ lịch sử, các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Phú Yên đều khẩn trương khắc phục sự cố để ổn định sản xuất. Tại khu công nghiệp Hòa Hiệp có 17 nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động thì có đến 16 nhà máy bị thiệt hại do bão. Phần lớn nhà xưởng, kho đều bị tốc mái làm ướt, hư hỏng khối lượng lớn nguyên, vật liệu và sản phẩm thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp con số thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng như chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Trai Sài Gòn, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Hoàng Long ViNa, Xí nghiệp chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp (Rapexco)… Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Giám đốc RAPEXCO, cho biết: Cơn bão số 11 đã làm cho mọi hoạt động của xí nghiệp bị tê liệt do nhà xưởng bị tốc mái, nguyên vật liệu bị ướt, mất điện kéo dài… Tổng thiệt hại ước khoảng 3 tỉ đồng. Hiện tại, hoạt động sản xuất của xí nghiệp trở lại bình thường với hơn 1.000 công nhân làm việc.
Thống kê của Sở Công thương Phú Yên, thiệt hại do bão lụt ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Phú Yên khoảng 85 tỉ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động tại ba khu công nghiệp Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu thiệt hại trên 38 tỉ đồng; các cụm điểm công nghiệp gần 1,5 tỉ đồng; các doanh nghiệp ngoài cụm điểm, khu công nghiệp 46 tỉ đồng. |
Tương tự như RAPEXCO, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp Hòa Hiệp đã cơ bản hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục sự cố do bão gây ra và đưa hoạt động sản xuất trở lại từ ngày 9/11. Tại các khu công nghiệp An Phú, Đông Bắc Sông Cầu, các doanh nghiệp cũng trở lại guồng máy hoạt động với tinh thần vừa sản xuất vừa khắc phục. Ông Lê Tấn Quang, Giám đốc xí nghiệp bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH Tiến Đạt, cho biết: Bão số 11 đã gây thiệt hại khá nặng đối với xí nghiệp. Nguyên nhà xưởng sản xuất chính bị sập hoàn toàn, tốc mái xưởng đúc ly tâm, tốc mái xưởng mạ kẽm. Vì thế việc sản xuất sản phẩm bị đình trệ. May mà xưởng đúc trụ điện còn hoạt động đáp ứng nhu cầu khắc phục lưới điện của Điện lực Phú Yên. Hiện duy nhất chỉ còn Công ty TNHH Đúc Minh Hòa chưa thể hoạt động vị bị sập hoàn toàn nhà xưởng chính. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đúc Minh Hòa, cho biết: “Chỉ riêng thiệt hại nhà xưởng, tài sản đã lên tới 300 triệu đồng. Khó khăn nhất hiện nay là công việc sản xuất bị ngưng trệ, đơn đặt hàng phải hủy, hoãn. Phải hơn một tháng nữa công ty mới có thể hoạt động bình thường”.
Sau bão lũ, các doanh nghiệp đã nỗ lực tự khắc phục để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, trước thiệt hại quá lớn, các doanh nghiệp đều mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi về việc vay vốn, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm thuế để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn. Ông Huỳnh Xuân Minh, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, cho biết: Mong muốn trên của các doanh nghiệp là chính đáng, Ban quản lý Khu kinh tế đã thống kê thiệt hại báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có chính sách tiếp tục cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do bão, lũ; khoanh, giãn nợ để doanh nghiệp có điều kiện khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, ngành thuế cũng nên xem xét miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng.
TRẦN QUỚI