Thứ Sáu, 04/10/2024 14:30 CH
Để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên đất
Thứ Năm, 12/11/2009 11:00 SA

Ban quản lý chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về tăng cường năng lực quản lý đất đai và môi trường (SEMLA) vừa hoàn thành xây dựng bản đồ đất tỉnh Phú Yên tỉ lệ 1/100.000. Thực trạng tài nguyên đất của tỉnh thế nào và đâu là biện pháp khai thác, sử dụng hợp lý?

 

dat.091112.jpg

Lập bản đồ sử dụng tài nguyên đất tại Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên - Ảnh: N.T

 

ĐA DẠNG TÀI NGUYÊN ĐẤT

 

Nghiên cứu địa chất trên phạm vi toàn vùng cho thấy Phú Yên nằm vào vết gãy giữa khối nâng Kon Tum và đới Lâm Đồng, từ đó hình thành mặt trượt theo hướng tây bắc xuống đông nam. Với 5.060,6 km2, Phú Yên có diện tích tự nhiên tuy không lớn nhưng hình thành rất nhiều loại đất với những đặc điểm, tính chất khác nhau. Đất đồi núi dốc chiếm 85,87%, đất có địa hình bằng thoai thoải 14,13%. Diện tích đất có tầng mỏng hơn 50cm chiếm 54,4%. Dưới tác động tổng hợp của tự nhiên và quá trình sử dụng đất, ở Phú Yên đã hình thành 10 nhóm với 26 đơn vị phân loại.

 

Nhóm đất cát có diện tích 14.237,5 ha chiếm 2,8% diện tích tự nhiên (DTTN) của tỉnh, phân bố chủ yếu ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa. Nhóm đất mặn có diện tích 9.824,3 ha, chiếm 1,9% DTTN; phân bố chủ yếu các vùng ven biển, tập trung ở các huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và một phần diện tích nhỏ ở TP Tuy Hòa. Đất hình thành do trầm tích biển hoặc hỗn hợp sông biển, ảnh hưởng của nước mặn ngập tràn, hoặc mạch mặn ven biển cửa sông. Nhóm đất phèn có diện tích 1.068,2 ha, chiếm 0,2% DTTN và được phân bố ở huyện Đông Hòa. Đất phèn hình thành do sản phẩm bôi tụ phù sa với vật liệu sinh phèn (xác thực vật chứa lưu huỳnh) phát triển mạnh ở môi trường đầm mặn, khó thoát nước. Nhóm đất phù sa có diện tích 54.482,4 ha, chiếm 10,7% DTTN; phân bố tập trung ở hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh. Nhóm đất xám và bạc màu có 43.461,9 ha, chiếm 8,6% DTTN; phân bố ở tất cả các huyện trên nhiều dạng địa hình khác nhau, tập trung ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và Tây Hòa. Nhóm đất đen có 28.643,8 ha, chiếm 5,6% DTTN; phân bố chủ yếu ở huyện Sông Hinh, Tuy An, Sơn Hoà, Tây Hòa, TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu. Đất hình thành từ đá mẹ Bazan giàu kiềm; có biểu hiện của quá trình rửa trôi, tích tụ sét. Nhóm đất đỏ vàng có diện tích lớn nhất với 314.125,1 ha, chiếm gần 62,1% DTTN. Đất phân bố ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, trong đó huyện Đồng Xuân có diện tích lớn nhất, tiếp đến là Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, TX Sông Cầu, Tuy An... Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi có 11.279,9 ha, chiếm 2,2% DTTN; phân bố trên đỉnh núi các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa. Nhóm đất thung lũng 1.842 ha, chiếm 0,3% DTTN; phân bố ở các thung lũng thuộc huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, TX Sông Cầu. Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá có 2.101,9 ha, chiếm 0,4% DTTN, phân bố ở hầu hết các huyện và thành phố. Đất hình thành là kết quả của quá trình xói mòn rửa trôi trong nhiều năm trên các loại đất dốc có độ che phủ thấp, tầng mịn hầu như không còn, độ phì nhiêu tự nhiên rất thấp.

 

ĐỂ SỬ DỤNG ĐẤT BỀN VỮNG

 

Qua điều tra, đánh giá chất lượng đất, các nhà khoa học thuộc Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp miền Trung (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra khuyến cáo về biện pháp khai thác sử dụng đất phù hợp với đối tượng cây trồng, vật nuôi và biện pháp cải tạo đất để phát triển bền vững tài nguyên đất của Phú Yên.

 

Đất cát biển được tạo thành từ các trầm tích sông, trầm tích biển, các sản phẩm dốc tụ, lũ tích từ sự phá hủy các đá giàu thạch anh như granit, quartzit, cát kết... Các loại đất có thành phần cơ giới thô hay bằng cát pha thịt trong suốt độ sâu 0-100 cm. Do vậy, nhóm đất cát có đặc điểm chung là nghèo dinh dưỡng, độ phì thấp, thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, thuận lợi cho làm đất. Đất cát có tỉ lệ cát rất cao, chất mùn, đạm và các chất dinh dưỡng thấp, khả năng giữ nước kém nhưng tơi xốp, dễ thoát nước, thuận lợi cho làm đất và thích nghi với các cây trồng cạn.

 

Đất nhiễm mặn nhiều sử dụng cho mục đích sản xuất muối hoặc nuôi trồng thủy sản; đất nhiễm mặn ít chủ động nước tưới sử dụng chủ yếu cho trồng lúa. Nhóm đất này có độ phì tiềm tàng từ trung bình đến khá. Loại đất này có lợi thế đối với nuôi trồng thủy sản, có vùng có thể trồng lúa 1-2 vụ. Hạn chế chủ yếu của đất này là yếu tố mặn, nhưng khi có nước tưới khả năng ngọt hóa nhanh.

 

Đất phèn có độ phì nhiêu tiềm tàng từ trung bình đến khá. Tuy đất có độ phì nhiêu tự nhiên cao nhưng hạn chế sử dụng đối với sản xuất nông nghiệp do có nhiều độc tố. Trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đều có thể bố trí trên các loại đất phèn nếu các biện pháp thủy lợi được đầu tư.

 

Đất xám thích hợp với các loại cây trồng cạn. Trong khi sử dụng phải chú ý biện pháp chống xói mòn và rửa trôi, tăng cường bón phân bổ sung dinh dưỡng nhất là các loại phân hữu cơ. Đất đen có ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất lương thực, thực phẩm tại chỗ, có thể trồng lúa nước, rau màu và nhiều loại cây ngắn ngày khác. Đất đen trên đá bọt bazan ở địa hình thấp trũng, mạch nước ngầm nông, thường sử dụng trồng lúa nước. Đất thung lũng ở các huyện miền núi cũng là loại đất nông nghiệp có thể khai thác đưa vào trồng lúa, rau màu. Hạn chế đối với đất thung lũng là hiện tượng lũ lụt, lũ quét, cần có công thức mùa vụ hợp lý.

 

Đất đỏ vàng có nhiều hạn chế đối với sản xuất như: tầng đất mỏng, hàm lượng các chất dinh dưỡng thấp, dung dịch đất có phản ứng chua, đất cần được cải tạo và bảo vệ chống xói mòn rửa trôi tầng đất mặt. Đất mùn vàng trên núi cao chủ yếu sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Đối với đất đỏ vàng cần được bón tăng cường nhiều loại phân, nhất là phân hữu cơ và bón vôi cải tạo chua. Hạn chế lớn nhất của loại đất này là độ dốc rất lớn, không thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển, nên vẫn chưa được khai khác vào sản xuất nông nghiệp. Đất xói mòn trơ sỏi đá ít có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp; chủ yếu sử dụng để khai thác vật liệu xây dựng, đồng thời có thể trồng rừng nhằm khôi phục hệ sinh thái tự nhiên.

 

Th.s VÕ VĂN DŨNG

Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek