Trong khi các doanh nghiệp chế biến điều trong tỉnh phải nhập khẩu điều thô, thì hàng trăm hécta điều hiện có của Phú Yên lại bỏ hoang hoặc bị người dân phá bỏ. Dự án Đầu tư phát triển cây điều Phú Yên giai đoạn 2006-2010 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 3/2009 với quy mô cải tạo 3.000 ha điều, tổng kinh phí 26 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay toàn tỉnh mới chỉ cải tạo được khoảng 500 ha điều với kinh phí 1,7 tỉ đồng. Làm thế nào để “kéo” nông dân trở lại với cây điều?
Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng hướng dẫn kỹ thuật trồng điều cho nông dân - Ảnh: Q.ĐẠT
VÒNG LẨN QUẨN TRỒNG - CHẶT
Phú Yên hiện có khoảng 4.050 ha điều. Hầu hết các vườn điều được trồng bằng hạt, năng suất thấp. Từ khi dự án Đầu tư phát triển cây điều tỉnh Phú Yên được triển khai đến nay, diện tích điều được trồng mới khoảng 400 ha trong khi đó diện tích điều cũ bị nông dân phá bỏ do không hiệu quả đã trên 400 ha. Số còn lại nằm trong tình trạng thoái hóa vì không được đầu tư chăm sóc. Đây là sự lãng phí rất lớn. Nghịch lý này xuất phát từ hiệu quả cây điều mang lại quá thấp.
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, thừa nhận việc trồng rồi phá, tạo thành một vòng lẩn quẩn đối với cây điều là có thật! Cây điều là loại cây chịu hạn tốt nên có thể nhiều người dân trồng với mục đích phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vì thế họ không thực sự quan tâm trong đầu tư. Một nguyên nhân khác là hiểu biết của nông dân về các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây điều còn hạn chế, nên loại cây trồng này không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là vấn đề mà các cơ quan chuyên môn lưu ý. Một khi nông dân thu được lợi từ cây điều thì khi đó mới mong chấm dứt được tình trạng phá bỏ các vườn điều cũ hiện có.
CHUYỂN HƯỚNG ĐẦU TƯ - CÁCH NÀO?
Chỉ cần một sự đầu tư không quá tốn kém, nông dân vẫn có thể có được thu nhập cao từ những vườn điều đang bị hoang hóa. Đây là kết quả có được sau khi một số địa phương ở Phú Yên triển khai hỗ trợ nông dân cải tạo vườn điều cũ dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên và đầu tư từ dự án Đầu tư phát triển cây điều Phú Yên. Sự lãng phí từ việc phá bỏ các vườn điều cũ đã phần nào được ngăn chặn kể từ khi dự án cải tạo vườn điều bắt đầu thực hiện trên diện tích 200 ha tại một số địa phương trong tỉnh. Năng suất điều sau khi cải tạo có thể cho trên 1 tấn hạt/ ha, nông dân có thể tích lũy vốn hơn 10 triệu đồng/ ha mỗi năm.
Tân Đạo, Suối Phèn... nằm phía bên kia hạ lưu sông Bàn Thạch thuộc xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) là một trong những nơi có diện tích điều tập trung khá lớn với gần 500 ha. Trong khi nhiều vườn điều khác hoặc bị chặt bỏ hoặc bị bỏ hoang thì ông Lê Văn Thủ, một nông dân ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa vẫn giữ nguyên vườn điều. Vụ điều vừa rồi, mỗi cây điều cho từ 7-10 kg hạt, không phải là thấp. Bình quân mỗi ha thu trên 5 triệu đồng. Ông Lê Văn Thủ cho biết: “Khi trồng, nhiều người cứ sợ thưa nên cuối cùng là trồng dày quá. Nhờ có cán bộ hướng dẫn, tôi chặt bớt và tỉa cành. Mỗi năm, ngoài phát chồi, mỗi gốc điều bổ sung chừng 3kg phân NPK 20-20-15 là đủ”.
Thói quen lâu nay của nông dân là trồng dày từ 200 đến 250 cây điều/ha. Trong khi đó, theo khuyến cáo của các nhà khoa học, mật độ hợp lý là 150 cây/ ha. Ông Lâm Văn Thứng, một trong những nông dân trồng điều ở Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa tham gia chương trình cải tạo vườn điều cho biết: “Trước đây, hơn 4 ha điều của gia đình tôi mỗi mùa chỉ thu được vài triệu đồng bán hạt. Từ khi cải tạo theo hướng dẫn của trung tâm, mỗi năm thu ít cũng được 10-15 triệu đồng”. Còn ông Huỳnh Xuân Hiên, nông dân ở thôn Phú Đa, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa, người đang sản xuất 5 ha điều tại khu vực này cho biết: “Trước đây, bình quân một năm tôi chỉ thu được từ 10-15 triệu đồng. Lần này có Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng hướng dẫn, tôi tin là trong mùa tới sẽ đạt hiệu quả cao hơn.”
Việc đầu tư cải tạo các vườn điều cũ trên địa bàn tỉnh Phú Yên được triển khai đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ của bà con đối với cây điều. Ông Trần Hưng Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thụât cây trồng tỉnh Phú Yên, cho biết: “Hiện nay trung tâm đang chuyển hướng đầu tư dự án, chuyển từ trồng mới qua cải tạo là chính. Nếu trồng mới thì phải đợi 2-3 năm sau điều mới cho quả và đến 5 năm vườn điều mới định hình. Trong khi đó, hiện tại Phú Yên đã có hơn 4.000 ha điều cũ. Chúng tôi tập trung đầu tư cải tạo các vườn điều đã có sẵn, làm tăng hiệu quả từ cây điều tốt hơn là trồng mới. Hiện tại, ngoài triển khai các mô hình tại các địa phương, chúng tôi đang triển khai các chương trình vận động người dân cải tạo vườn điều và dự án sẽ hỗ trợ một phần phân bón cho nông dân theo định mức của dự án trồng mới”. Còn ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, cho rằng: “Ngoài việc hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật từ phía các cơ quan nhà nước, đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân làm theo thì các doanh nghiệp chế biến hạt điều cũng nên vào cuộc, có những đầu tư như hỗ trợ vốn hay vật tư thiết yếu cho nhân dân trồng điều và thu lại sản phẩm. Cách làm này góp phần giải quyết được nghịch lý nhập điều thô khi chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu điều ổn định. Đây cũng là cách giúp ngành điều phát triển bền vững”.
LÊ BIẾT