Được mùa, mất giá” và ngược lại – điệp khúc này lặp đi lặp lại vào mỗi mùa thu hoạch nông, thủy sản và trở thành câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhưng không nói sao được, khi mà sản phẩm làm ra không bán được hoặc bán giá rẻ, lỗ vốn nặng. Và nông dân “bỗng dưng muốn khóc” khi từng đống sắn, bí, dưa, cà phê và thịt gà, thịt heo… bị các chủ buôn ép giá, nếu không bán giá đó thì cứ việc đổ đi! Việc nông dân Phú Yên trồng, bán nhỏ lẻ, manh mún và các chủ buôn ép giá khi được mùa là có thật. Chính quyền địa phương biết, ngành chức năng biết, nhưng đành... bó tay. Cách đây mấy tháng, các loại rau bán ra giá quá rẻ. Ví dụ như khổ qua bán chỉ 800 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cho 1kg khổ qua tiêu tốn khoảng 2.500 đồng. Hiện nay, giá khổ qua tăng lên 6.000 - 7.000 đồng/kg thì nông dân không còn trái để bán.
Giá sắn củ tươi năm nay hạ thấp làm cho người trồng sắn thu lãi ít - Ảnh: Q.ĐẠT |
Năm trước, lúa vụ hè thu giá rẻ, nông dân bán không được nên nợ nần càng thêm chồng chất. Mấy tháng nay, nông dân cũng âu lo, đứng ngồi không yên, khi giá thịt gà, thịt heo hơi giảm xuống còn 30.000 – 40.000 đồng/kg!. Không chỉ thịt già, thị heo, giá tôm sú cũng giảm so với vụ trước hơn 30.000 đồng/kg!...
Thực tế cho thấy, nông dân sản xuất còn chạy theo giá ảo, dẫn đến hiện tượng mất cân đối giữa cung và cầu. Chẳng hạn, năm trước, giá sắn, dưa, thịt gà… trên thị trường “sốt” cao, bà con ồ ạt chuyển sang sản xuất các loại cây, con này, thì năm nay giá lại hạ, trong khi các loại cây trồng khác giá lại tăng cao! Làm sao để giúp nông dân thoát khỏi cảnh “được mùa, rớt giá”? Đây là vấn đề nan giải hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, trước tiên, cần khảo sát và thăm dò lưu lượng sản phẩm thực tế để kịp thời giải quyết đầu ra sản phẩm, tránh tình trạng tồn dư trong dân; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi về dự báo chính xác thị trường, thông tin định hướng thị trường, tổ chức cung cấp thông tin thị trường cho người nông dân. Đồng thời định hướng nông dân sản xuất cây trồng và nuôi trồng thủy sản theo mùa vụ, khu vực; có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; thường xuyên phổ biến và tuyên truyền, tập huấn cho nông dân hiểu rõ tác dụng lâu dài của việc sản xuất sản phẩm an toàn và sạch theo chương trình GAP. Bên cạnh sự giúp đỡ của Nhà nước, nông dân hãy tự chủ “vượt qua chính mình” bằng sự sáng tạo, nhạy bén trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chủ động tìm thị trường và đầu ra cho sản phẩm…
LƯU PHONG