Thứ Ba, 08/10/2024 01:23 SA
Dấu ấn “Cùng nông dân ra đồng”
Thứ Ba, 08/09/2009 14:13 CH

“Cùng nông dân ra đồng” là cầu nối giữa nông dân với các nhà khoa học trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, được thực hiện thành công, mang đậm dấu ấn liên kết “bốn nhà” để sản xuất lúa hiệu quả, an toàn, bền vững tại các hợp tác xã Hòa Thành Tây (huyện Đông Hòa), Hòa Trị 2, Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa).

 

mo-hinh-lua090908.jpg

Nông dân đang tham quan, học tập kinh nghiệm tại ruộng lúa mô hình “Cùng nông dân ra đồng” ở HTX Hòa Trị 2, xã Hòa Trị (Phú Hòa) - Ảnh: N.LƯU

 

HIỆU QUẢ TỪ LIÊN KẾT “BỐN NHÀ”

 

Trước đây, đa số nông dân trồng lúa đơn độc khi vào vụ mùa gieo trồng. Phần lớn nông dân tự chọn giống, tự mày mò học hỏi kỹ thuật canh tác, tự đi mua thuốc phòng trừ sâu bệnh, tự thu hoạch, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm… Điều này không những gây khó khăn cho nông dân trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để năng suất, chất lượng lúa đạt cao, mà còn gây cản trở cộng đồng cùng nhau đầu tư phát triển sản xuất đại trà giống lúa hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong những vụ lúa gần đây, nhiều dự án, chương trình, mô hình đã “tiếp sức” cho nông dân cùng nhau ra đồng thực hiện các giải pháp quản lý đồng ruộng, áp dụng các quy trình tiên tiến trong sản xuất lúa “ba giảm, ba tăng”. Cụ thể, thiết thực nhất là chương trình liên kết “bốn nhà” đã tạo ra một phong trào lớn trong sản xuất lúa hiệu quả, an toàn và bền vững.

 

Kỹ sư Ngô Văn Dũng, Viện Bảo vệ thực vật, cho biết: Chương trình liên kết “bốn nhà” đã thực hiện được ba vụ lúa trên các cánh đồng ở Phú Yên. Trong đó: nhà khoa học - Viện Bảo vệ thực vật trực tiếp xây dựng các quy trình, đưa ra các giải pháp quản lý đồng ruộng; nhà quản lý – Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên triển khai thực hiện mô hình “cùng nông dân ra đồng”; nhà doanh nghiệp – Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang hỗ trợ về nhân vật lực giúp bà con nông dân có điều kiện thực hiện mô hình; nhà nông là những người tham gia mô hình, trực tiếp thực hiện các quy trình canh tác, các giải pháp quản lý đồng ruộng thông qua sự hỗ trợ, tư vấn, đồng hành của cán bộ kỹ thuật. Trong vụ lúa hè thu năm 2009, mô hình “cùng nông dân ra đồng” được triển khai tại các hợp tác xã Hòa Trị 2, Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa) với 95 hộ nông dân tham gia sản xuất 20 ha lúa chất lượng cao. Mô hình được chia ra 2 – 3 tổ do các đội trưởng, thôn trưởng, các tổ thủy lợi, tổ khuyến nông quản lý. Các đội có vai trò trong việc triển khai thực hiện quy trình, đồng thời vận động, tuyên truyền và giúp đỡ nông dân.

 

Theo kỹ sư Trần Văn Thảo, cán bộ Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, trong suốt vụ lúa các nhà khoa học, kỹ sư cùng ăn, cùng ở, cùng nông dân ra đồng để thực hiện các giải pháp kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, ngâm ủ giống, gieo sạ, quản lý dịch hại; đồng thời thường xuyên bám sát đồng ruộng kiểm tra sâu bệnh, cùng nhau bàn bạc các phương pháp bảo vệ cây lúa khi có dịch bệnh xảy ra… Chương trình này thật sự tạo được sự gắn kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà nông, góp phần xây dựng, phát huy tốt tình làng, nghĩa xóm giữa nông dân với nhau trên cơ sở cùng cộng đồng hợp tác sản xuất.

 

THAY ĐỔI TẬP QUÁN CANH TÁC CỦA NÔNG DÂN

 

Tại Hợp tác xã Hòa Trị 2, những vụ trước cơ cấu giống ML68 chiếm trên 80% diện tích lúa của hợp tác xã. Với thói quen sử dụng lúa thịt làm giống nên giống ML68 qua thời gian dài sử dụng đã bị thoái hóa, nhiễm bệnh dẫn đến năng suất thấp, chất lượng không cao. Ông  Lê Văn Tự, xã viên Hợp tác xã Hòa Trị 2, cho hay: “Tập quán lâu nay của nông dân là sạ lan (vãi giống gieo sạ bằng tay) và sạ dày với lượng giống 10 – 12kg/sào (200-240kg/ha), nên cây lúa phát triển kém, đẻ nhánh rất ít, tạo điều kiện cho dịch hại phát sinh làm giảm năng suất. Thêm vào đó, bà con bón phân không hợp lý, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến chi phí tăng cao, trong khi năng suất lúa không cao, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Thông qua chương trình liên kết “bốn nhà” để thực hiện mô hình “cùng nông dân ra đồng”, bà con nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa; đồng thời chủ động thăm đồng, phòng trừ dịch hại, tích cực trao đổi với cán bộ kỹ thuật, nông dân khác về sản xuất lúa chất lượng. Từ đó, bà con bỏ dần thói quen canh tác lúa theo phương pháp truyền thống”.

 

Theo ông Phạm Hồng Sum, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Trị 2, trước tiên, nông dân phải thay đổi cơ cấu giống phù hợp, đưa vào sản xuất một số giống cấp xác nhận cho năng suất, chất lượng cao, hạn chế được sâu bệnh hại như các giống ML4-2, ML213… Được các nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, hơn 90% nông dân tham gia mô hình đã bỏ hẳn sạ dày, áp dụng phương pháp sạ theo hàng, sạ thưa với lượng giống chỉ 6kg/sào. Nhờ sạ thưa (tiết kiệm được lượng giống 80 – 120kg/ha) đã giúp cho cây lúa đẻ nhiều nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Nhiều nông dân chưa tham gia mô hình “cùng nông dân ra đồng” cũng áp dụng sạ hàng, sạ thưa, góp phần đưa tỉ lệ sạ hàng, sạ thưa tăng lên 30% trong tổng số hơn 600 ha lúa của Hợp tác xã Hòa Trị 2.

 

Từ sạ thưa, nông dân thay đổi quy trình sử dụng phân bón bằng cách sử dụng phân đơn, lượng phân bón được dùng cân đối, phù hợp với nhu cầu cây lúa theo từng giai đoạn (theo bảng so màu lá). Nông dân biết cách phun phân bón lá Boom Flower kết hợp với Tilt Super phun vào giai đoạn trổ giúp lúa trổ đồng loạt, hạt sáng chắc. Ngoài ra, còn thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa không hiệu quả, vừa gây tác hại xấu đến môi trường bằng cách áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Nông dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi diễn biến dịch hại trên ruộng, đặt bẫy đèn, bẫy dính để dự báo trước các đối tượng sâu rầy có thể xuất hiện trên ruộng để chủ động phòng trừ…

 

Ông Nguyễn Tây ở thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, cho biết: “Tôi tham gia mô hình sản xuất 5,4 sào lúa giống cấp xác nhận ML213, dự kiến năng suất đạt 78 tạ/ha, tăng hơn 10 tạ/ha so với ruộng lúa không thực hiện mô hình. Nhờ áp dụng mô hình đã giảm chi phí sản xuất từ việc giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm cấy dặm, công gặt… trong khi lại tăng năng suất lúa, tăng hiệu quả kinh tế hơn 4 triệu đồng/ha”. Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Phú Hòa, cho biết:  “Có thể khẳng định mô hình “cùng nông dân ra đồng” ở các hợp tác xã Hòa Trị 2, Hòa Thắng 2 đã làm thay đổi hẳn tập quán canh tác lâu nay của người nông dân. Điều này tạo động lực cho nông dân đầu tư phát triển phong trào sản xuất lúa hiệu quả, an toàn, bền vững”

 

Từ thực tế trên, nhiều nông dân kiến nghị ngành nông nghiệp địa phương có biện pháp nhân rộng mô hình “cùng nông dân ra đồng” trên các cánh đồng trên địa bàn Phú Yên; đồng thời tổ chức cho nhiều nông dân cùng tham quan học tập mô hình; hỗ trợ triển khai đặt bẫy đèn rộng rãi trên nhiều xứ đồng nhằm giúp cho nông dân chủ động hơn trong việc dự báo, quản lý dịch hại. Nhà khoa học, nhà doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hỗ trợ giống, vật tư… để nông dân có điều kiện đầu tư phát triển mô hình đạt hiệu quả cao hơn.

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek