Thứ Ba, 08/10/2024 03:28 SA
Đầm Ô Loan suy giảm nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm môi trường nước:
Hệ quả của sự thiếu ý thức
Thứ Hai, 07/09/2009 07:07 SA

Nguồn nước đầm Ô Loan (huyện Tuy An) đang ô nhiễm nặng, nguồn lợi thủy sản trong đầm bị hủy diệt. Đây là hệ quả của việc khai thác tận diệt và xả rác thải bừa bãi của người dân sống quanh vùng trong nhiều năm qua. Dù chính quyền địa phương quyết định tạm ngưng khai thác ngao giống tại khu vực đầm kể từ ngày 1/9, thế nhưng người dân tìm cách “lách” quy định, tiếp tục khai thác thủy sản kiểu tận diệt. ‘

 

diep090907.jpg

Điệp – một loại hải sản ở đầm Ô Loan, năm nay vắng bóng  – Ảnh: H.NAM

 

KHAI THÁC TẬN DIỆT

 

Lợi dụng con nước ròng (nước cạn), từ 1 giờ sáng, bà N.T.T ở thôn 7, xã An Ninh Đông mang các loại vật dụng như bàn cào, rổ, thau ra đầm Ô Loan cào dắt. Cái rổ tre chỉ có thể lọt những con dắt có kích cỡ nhỏ hơn đầu chiếc đũa, còn lại những con có kích cỡ lớn hơn đều nằm gọn trong rổ sau khi sàng lọc lớp bùn. Kết thúc công việc cào dắt lúc 14 giờ, bà T chở về một bao tải dắt. Trong bao tải đựng dắt có nhiều con ngao to bằng ngón tay trỏ. Với giá bán 3.000 - 5.000 đồng/kg, bà thu được trên 150.000 đồng. Bà T cho biết: “Mấy hôm nay chính quyền xã cấm bắt ngao giống (ngao có kích cỡ nhỏ), nhưng trong khi cào dắt, ngao giống sa vào cũng bắt luôn”. Cũng theo bà T, từ tháng 7 đến cuối tháng 8 vừa qua, các khu vực nước cạn của đầm Ô Loan ngày nào cũng có người đi bắt ngao giống, người có sức thì ra vùng nước sâu lặn bắt, tuy mệt nhưng số lượng ngao nhiều hơn. Bà T không đếm được có bao nhiêu người đi bắt ngao, tuy nhiên khoảng chừng hai ba ngày thì xe tải của thương lái đến chở một chuyến.

 

 Nguyên nhân của việc khai thác dắt ồ ạt là do sau khi có thông báo cấm khai thác ngao giống, tổ quản lý đầm Ô Loan và các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra thu giữ ngao giống. Nhiều người chuyển sang cào dắt để kiếm sống. Mấy ngày qua, từ sáng đến chiều lúc nào trong đầm cũng có đông người dàn hàng ngang cào xới đầm để bắt dắt. Bà P.T. L, ở xã An Ninh Đông kể: Có trường hợp nhà có năm người thì có đến bốn người đi cào dắt, mỗi tháng thu được hàng triệu đồng.

 

Ông Võ Ngọc Trận, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam An Ninh Đông xót xa nói, ngày trước đầm Ô Loan nổi tiếng về sò huyết, nhưng vì người ta khai thác tận diệt nên có thể nói trong đầm giờ không còn sò huyết nữa.

 

Gần đây, một loại hải sản khác ở đầm Ô Loan cũng đứng trước nguy cơ bị hủy diệt là con điệp. Ông Nguyễn Dư, một người dân ở xã An Ninh Đông nói: “Hàng năm đến mùa điệp, dạo quanh thôn 8, xác điệp chất từng đống từ con đường lớn đến các ngõ ngách. Còn năm nay, hầu như rất khó tìm thấy điệp ở trong đầm”. Lý do là mấy năm trước, vì hám lợi, nhiều người đã bắt điệp bất kể lớn nhỏ. Những người còn tâm huyết với đầm Ô Loan cho rằng, với kiểu bắt dắt, bắt ngao như hiện nay, không khéo vài năm nữa, đầm Ô Loan sẽ chẳng còn con gì để bắt!

 

Khai-thac090907.jpg

Khai thác hàu ở đầm Ô Loan  – Ảnh: M.CHÂU

 

Theo người dân quanh đầm Ô Loan, người ta dùng đủ loại dụng cụ hủy diệt để bắt thủy sản. Trước đây xung điện là “sát thủ” tận diệt các loại hải sản trong đầm Ô Loan. Sau đó tôm cá thưa dần, các thợ điện cơ lại “sáng chế” một loại biến thế cực mạnh theo yêu cầu của những người đánh bắt. Một dây nguội (điện âm) nối trực tiếp vào mạn thuyền, dây nóng nối vào biến thế ra cây vợt, cò đạp dưới bàn chân. Chiếc sào dài bốn mét vừa là cây sào vừa là cái vợt châm cá. Với cách mắc dòng điện như thế, tầm sát thương gấp ba bốn lần trước đây. Khi bị châm, dù cá ở độ sâu 4-6m cũng trồi lên mặt nước chết.

 

Ông Tám Thảo ở xã An Cư nói khá quả quyết: “Bây giờ mà đem tấm lưới ra thả xuống đầm ngâm cả đêm vớt lên cũng chỉ gỡ rong rêu mà thôi, ai bắt được con cá nào đem bỏ trên lưng tôi nướng!”. Không biết ông có nói quá lên để tả việc cạn kiệt thủy sản trong đầm Ô Loan hay không, nhưng tôi nhìn thấy trong lời nói của người đàn ông này đầy xót xa, chua chát…

 

NUÔI TRỒNG THẤT BẠI VÌ MÔI TRƯỜNG Ô NHIỄM NẶNG

 

Đánh bắt tận diệt, nuôi trồng hủy hoại môi trường nước, đây là thực tế đang diễn ra tại đầm Ô Loan. Theo khảo sát của Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên, vụ tôm thứ ba năm 2009, người dân thả nuôi mật độ thả dày, thức ăn thừa gây thối đáy ao dẫn đến nguồn nước đầm bị ô nhiễm nặng. Ông Tám Thảo ở xã An Cư cho biết: “Người nuôi tôm sử dụng quá nhiều chất diệt tạp nên cá trong đầm lở loét chết dần. Trước đây một đêm đi soi tôi kiếm được vài chục ngàn đồng, nay thì có đêm không đủ tiền dầu”.

 

Ông Ngô Văn Yêm ở xã An Hải thả nuôi 600 kg vẹm xanh, nhưng chỉ sau một tuần nuôi, vẹm chết sạch. Còn ông Võ Ngọc Thi ở thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông thả 250.000 con tôm giống, khi lớn bằng đầu đũa thì chết. Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, toàn huyện Tuy An thả nuôi 109 ha tôm thẻ chân trắng, riêng tại đầm Ô Loan có trên 50 ha đang thả nuôi vụ ba và hiện tôm mắc bệnh, chậm lớn. Thêm vào đó, địa phương này đang thu hoạch vụ lúa hè thu, nông dân tháo nước xuống đầm gây nguy cơ ngọt hóa, trong khi tôm thẻ chân trắng chưa đến kỳ thu hoạch nên ảnh hướng lớn đến khả năng sinh trưởng. Ông Võ Văn Thống, ở thôn 8, xã An Ninh Đông, tâm sự: “Đầu vụ, tôi thả hơn một vạn con tôm thẻ chân trắng, nhưng sau một tháng tôm chết gần hết, trắng tay. Sang vụ hai mới thả nuôi được hai tháng cũng phải “khẩn trương” thu hoạch sớm, lỗ gần 80 triệu đồng”. Theo người dân sống ven đầm, thời gian gần đây hiện tượng rong giẻ phát triển mạnh, đu bám các lồng nuôi thủy sản, bám vào bờ đá chứng tỏ môi trường nước ở đầm Ô Loan đang ô nhiễm nặng.

 

O-Loan090907.jpg
Bơi xuồng đi bắt hầu ở đầm Ô Loan – Ảnh: H.NAM

 

Bà Trịnh Thị Ái Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, qua các đợt kiểm tra thực tế và lấy mẫu phân tích cho thấy nguồn nước ở đầm Ô Loan đang bị ô nhiễm. Nguyên nhân trước hết là do người dân quanh đầm nuôi heo, gà xả chất thải trực tiếp xuống đầm làm cho mặt đáy của đầm thiếu oxy. Người nuôi thủy sản thì không theo quy trình kỹ thuật, thức ăn thừa với số lượng lớn làm nguồn nước ô nhiễm nặng. Còn theo nhận định của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên, nguyên nhân dẫn đến đầm Ô Loan bị ô nhiễm là do nhiệt độ môi trường cao, rong phát triển mạnh, sự phân hủy các chất hữu cơ diễn ra nhanh làm cho nguồn nước trở nên đậm đặc, thiếu oxy cục bộ vào sáng sớm.

 

Đi dọc đầm Ô Loan, chúng tôi không chịu nổi mùi hôi nồng nặc bốc lên từ xác vẹm, tôm chết và các loại chất thải khác của người dân 5 xã sống xung quanh đầm. Các vùng bãi cạn trong đầm rong nhớt, rong giẻ phát triển mạnh. Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tuy An, sản lượng các loại thủy hải sản nuôi và đánh bắt trong đầm năm 2009 thấp hơn mọi năm.

 

Trước thực trạng này, huyện Tuy An đề nghị chính quyền các xã ven đầm vận động người dân thu gom và xử lý rác thải, không xả rác thải xuống đầm; chỉ nuôi thủy sản một vụ và thực hiện đúng quy trình nuôi khép kín, hạn chế xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

 

Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An:

 

Từ cuối tháng 7 đến nay, ngư dân khai thác nhiều ngao giống có kích thước nhỏ từ 0,5-2 cm bán cho các thương lái ở Bình Định. Đây là nguồn lợi lớn cần được bảo vệ để chính người dân địa phương khai thác hưởng lợi. UBND huyện Tuy An đã yêu cầu các địa phương và các ngành chức năng tuyên truyền người dân ngừng khai thác đến tháng 11/2009, để có thời gian ngao giống phát triển thành cá thể trưởng thành. Đồng thời nghiêm cấm các thương lái buôn bán, vận chuyển ngao giống ra khỏi địa phương.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek