Thứ Ba, 08/10/2024 07:28 SA
Để khai thác tài nguyên biển, đảo bền vững:
Cần có sự quản lý tổng hợp, thống nhất
Thứ Năm, 03/09/2009 15:00 CH

Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển - Hải đảo Việt Nam, Việt Nam là quốc gia có biển lớn nhưng chưa là “quốc gia hàng hải”, chưa được công nhận là “cường quốc biển”. Giải thích điều này, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nói:

 

Vung-Ro090903.jpg

Vịnh Vũng Rô có thể xây dựng thành cảng biển phục vụ khu vực Tây Nguyên, hiện tại tiếp nhận tàu 3000 tấn   – Ảnh: N.T

 

- Việt Nam có vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế trên biển Đông gấp bốn lần diện tích đất liền. Khai thác biển trong thời gian qua đã có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế quốc dân với quy mô kinh tế biển đạt khoảng 12 tỉ USD, nhưng thấp hơn 100 lần sản lượng kinh tế biển của thế giới. Hiệu quả kinh tế chung trên một đơn vị biển cả Việt Nam không cao, chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản. Phải thẳng thắn thừa nhận, về tổng thể, khai thác tiềm năng biển để phát triển kinh tế biển ở Việt Nam đến nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tụt hậu. Cơ cấu ngành nghề kinh tế biển chưa hợp lý, mới phát triển một phần ở vùng biển quốc gia, chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế; mới tập trung khai thác các dạng tài nguyên vật chất “nhìn thấy”, chưa chú ý đến các dạng tài nguyên phi vật thể, giá trị không gian và giá trị dịch vụ của biển. Có nhiều nguyên nhân giải thích tình trạng nêu trên, trong đó có những nguyên nhân về kinh tế, gắn với sự nghèo nàn, manh mún của một nền kinh tế kém phát triển; có những nguyên nhân về khoa học công nghệ, gắn với sự lạc hậu, tụt hậu về trình độ phát triển, nhưng bao trùm và mang tính tiền đề là nguyên nhân gắn với tư duy và tầm nhìn phát triển.

 

* Thưa Phó giáo sư - tiến sĩ, vì sao chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặt vấn đề cần phải có sự quản lý tổng hợp và thống nhất?

 

- Trong một thời gian dài, quản lý biển đã thuộc về nhiều ngành, cơ quan và chủ yếu quan tâm đến vấn đề chủ quyền, an ninh trên biển… còn quản lý tài nguyên, môi trường biển xem như bỏ trống. Tài nguyên biển thuộc dạng tài nguyên chia sẻ, chứa đựng “yếu tố không gian” là tiền đề phát triển đa ngành, song việc quản lý biển đảo đến nay vẫn tiếp cận theo kiểu “điền tư, ngư chung”, chủ yếu quản lý theo ngành. Điều này đã dẫn đến tình hình sử dụng biển, hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích ngay trong một khu vực địa lý nhỏ. Điều đó còn làm cho môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút.

 

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác lập một hướng đi đúng thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển, quản lý 3/4 Tổ quốc Việt Nam “trên biển”. Trong đó quản lý tổng hợp biển là một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển, giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau; trong đó giữa các mảng không gian cho phát triển kinh tế biển, tổ chức không gian biển hợp lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần đi trước một bước. Đó cũng là nội hàm của công tác quy hoạch sử dụng biển và hải đảo Việt Nam trong thời gian tới. Nghị định số 25/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 6/3/2009 nhấn mạnh nguyên tắc này nhằm bảo đảm sự thống nhất, liên ngành, liên vùng, đồng thời hài hòa lợi ích chung giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn trên biển, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

 

* Những vấn đề nào đặt ra trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo?

 

- Vấn đề quản lý biển, hải đảo của Việt Nam vừa chứa đựng yếu tố quốc gia, vừa chứa đựng yếu tố khu vực và quốc tế. Do đó, công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo, một mặt phải tập trung vào việc điều chỉnh hành vi phát triển của các ngành kinh tế biển, tạo ra một trật tự pháp lý ổn định trên vùng biển quốc gia, mặt khác phải hỗ trợ khả năng hội nhập quốc tế, trước hết phải phù hợp với Công ước Luật biển của Liên Hiệp quốc 1982. Trong phát triển chú trọng cả yếu tố truyền thống, hiện đại, nội lực, ngoại lực, chú trọng phát triển các nghề biển xa, chuẩn bị điều kiện để vươn khơi, từng bước vươn ra khai thác đại dương nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Việt Nam phải trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển vào năm 2020”.

 

Gần đây, Chính phủ đã có quyết định thành lập Ủy ban Biên giới quốc gia và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có chức năng quản lý nhà nước thống nhất và tổng hợp về biển, hải đảo là một vấn đề còn rất mới mẻ đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách của nước ta. Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp và bảo vệ tài nguyên biển có hiệu lực từ ngày 1/5/2009 chỉ rõ: Việc quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, hệ thống và phù hợp đặc điểm, vị trí địa lý, quy luật tự nhiên của các vùng biển, vùng ven biển, hải đảo; hạn chế tác động có hại, đồng thời bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên biển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển, hải đảo. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, khả năng khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật; việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; quy hoạch chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

Thành lập ban chỉ đạo liên ngành để thực hiện chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo đối với các chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương mà Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực. Kiện toàn hệ thống quản lý biển đảo các cấp đủ năng lực thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất đối với biển, hải đảo. Áp dụng công cụ mới của quốc tế về quy hoạch, quản lý không gian biển, phục vụ cho việc quy hoạch khai thác, sử dụng biển, hải đảo bền vững. Xây dựng khuôn khổ quản lý tổng hợp vùng bờ bao gồm cơ chế chính sách phối hợp liên ngành, phối hợp giữa trung ương, địa phương, các hướng dẫn kỹ thuật, phân vùng chức năng…

 

*Xin cảm ơn Phó giáo sư - tiến sĩ!

 

NGUYÊN TRƯỜNG (thực hiện)  

 

Tài nguyên biển Việt Nam rất phong phú       

 

Tài nguyên biển Việt Nam gồm các mỏ dầu và khí, các loại khoáng sản, thủy sản, ruộng muối, các bãi biển, vùng rừng ngập mặn, khu bảo tồn biển để phát triển du lịch, các vùng nước sâu để xây dựng cảng, phát triển kinh tế hàng hải… Trữ lượng dầu khí được đánh giá khoảng 3-4 tỉ m3 dầu quy đổi. Dọc bờ biển và các hải đảo nhiều nơi có tiềm năng bảo tồn thiên nhiên và có hơn 120 bãi biển có thể phát triển du lịch, trong đó có trên 20 bãi biển đạt quy mô và tiêu chuẩn quốc tế.

 

Vùng biển Việt Nam có 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện, riêng cá biển có hơn 2.000 loài, trong đó trên 100 loài có giá trị kinh tế với tổng trữ lượng hải sản gần 5 triệu tấn, ngưỡng khai thác bền vững cho phép là 2,5 triệu tấn/năm. Đó là chưa kể đến các đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển và cá đại dương… Đến nay đã xác định được 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá ven bờ và ba bãi cá ngoài khơi. Ven bờ biển có trên 37 vạn hec ta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn-lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu… Theo đánh giá sơ bộ, tiềm năng diện tích để phát triển đồng muối vùng ven biển nước ta từ 50.000 đến 60.000 ha. Các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn ở vùng ven biển là than, sắt, titan, cát thủy tinh và các loại vật liệu xây dựng khác.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chỉ là “sốt” ảo
Thứ Năm, 03/09/2009 19:00 CH
Khai trương Nhà hàng Sài Gòn
Thứ Năm, 03/09/2009 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek