Thứ Ba, 08/10/2024 09:59 SA
Nhịp sống mới ở miền Tây Phú Yên
Thứ Ba, 01/09/2009 14:30 CH

Trong hai thời kỳ kháng chiến, miền Tây Phú Yên là vùng căn cứ cách mạng vững chắc, góp nhiều công sức cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Ngày nay, miền Tây là vùng đất của cây công nghiệp, của thủy điện mang sức sống mới, vững nhịp cùng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

truc-mien-tay090901.jpg
Tuyến giao thông huyết mạch Trục miền Tây Phú Yên đang khẩn trương thi công mặt đường bêtông nhựa trên toàn tuyến.       

 

ĐIỂM SÁNG MỘT VÙNG CAO

 

Miền Tây Phú Yên- vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hiện có 45 xã với dân số khoảng 203.000 người, trong đó có 22,3% là người dân tộc thiểu số. Cuộc sống của gần 1/4 dân số của tỉnh Phú Yên đổi thay từng ngày. Trước năm 2000, khu vực miền núi Phú Yên có 20 xã thuộc loại đặc biệt khó khăn, đến năm 2005 còn 12 xã và năm 2008 chỉ còn 10 xã.

Chuyến xe buýt ngược ĐT 645 vượt qua quãng đường dài gần 80 km đưa chúng tôi về trung tâm xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), vùng đất xa nhất về phía tây Phú Yên, nơi tiếp giáp với xứ sở cà phê Đắk Lắk. Trải rộng ven đường, trên những sườn đồi bát úp ngút ngàn màu xanh của vườn cà phê trĩu hạt đang vào mùa thu hoạch, hoặc ruộng mía, nương sắn xanh tươi như hòa lẫn vào núi rừng. Điểm kinh tế mới Tân Lập ngày nào, nay là trung tâm xã Ea Ly hiện ra dáng dấp của một đô thị với những dãy nhà san sát, nhiều nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại. Đoạn đường qua Tân Lập nhộn nhịp với những cửa hàng thương mại, dịch vụ khá đa dạng hoạt động nhộn nhịp ngày đêm. Qua chặng đường dài từ Ban Mê Thuột xuống hay từ Tuy Hòa lên, các phương tiện giao thông thường chọn nơi đây dừng chân.

 

Ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, nối tiếp với Tây Nguyên nên mùa này khí hậu ở xã vùng cao này khá mát mẻ. Đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu thuận lợi, phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp nên Ea Ly trở thành vùng “đất hứa” của những người di cư. Từ một vùng đất hoang sơ với khoảng vài trăm hộ đồng bào Ê đê bản địa sinh sống, đến nay Ea Ly đã quy tụ hơn 5.000 dân thuộc 11 dân tộc anh em, chung tay đánh thức tiềm năng đất đai. Không đâu có cây trồng đa dạng như Ea Ly. Cùng với 88 ha lúa nước được tưới chắc bởi 2 công trình thủy lợi, người dân còn sở hữu 278 ha cao su, 160 ha cà phê, 620 ha mía, 300 ha sắn cùng hàng trăm ha cây thực phẩm tạo sản phẩm hàng hóa như bắp lai, mè, đậu các loại, dưa lấy hạt. Có lẽ, chính vì thế mà Ea Ly được chọn làm nơi xây dựng chợ đầu mối nông sản của miền Tây Phú Yên.

 

Theo con đường láng nhựa dài 11 km qua các thôn Tân Yên, Tân Bình, Tân Sơn, nơi tập trung dân di cư từ miền núi phía Bắc vào định cư, chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà mới xinh xắn ẩn mình bình yên dưới vườn cây ăn trái đặc trưng của đất đỏ bazan như mít, sầu riêng, mà nhiều nhất là bơ. Chân đất này rất phù hợp với loại cây đặc sản đó, nhiều cây cho đến 3 tạ quả. Không ít gia đình từ miền núi phía bắc vào đây với hai bàn tay trắng giờ đã thành triệu phú, làm chủ cơ ngơi hàng chục ha đất xanh tươi vườn cà phê, cao su, mía, sắn như Lương Văn Pếu (Tày), Hứa Văn Sláy (Nùng), Bàn Nguyên Thành (Dao), Triệu Văn Lá (Nùng)… Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Ea Ly Đinh Ngọc Dạn cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xã Ea Ly đã huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào hành động cách mạng, trở thành một trong những điển hình tiêu biểu của Sông Hinh. Qua phong trào thi đua sản xuất, toàn xã hiện có 531 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm 42,7% số hộ của xã, trong đó có 15 hộ đạt danh hiệu nông dân giỏi cấp trung ương với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Ca-phe090901.jpg
Thu hoạch cà phê ở Ea Bá (Sông Hinh). - Ảnh:  N.TRƯỜNG

 

DIỆN MẠO MỚI

 

Mừng Quốc khánh năm nay, người dân miền núi Phú Yên có thêm niềm vui, chứng kiến sự kiện thông tuyến Trục giao thông miền Tây Phú Yên. Toàn bộ 11 chiếc cầu trên tuyến đã hoàn thành, những đoạn xung yếu đã được trải thảm bê tông nhựa phẳng lì, mát mắt. Các phương tiện giao thông có thể đi liền một mạch 115,5 km từ Vân Canh (Bình Định) qua ba huyện miền núi Phú Yên để đến Ma Đ’rắk (Đắk Lắk) mà không sợ gặp cảnh sình lún, gây ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ. Tuy đến đầu năm 2011, toàn bộ tuyến giao thông chiến lược này mới hoàn thành song khát vọng về một con đường thông thương giữa ba huyện miền núi với nhau từ bao đời nay đã thành hiện thực.

 

 Diện mạo mới của miền Tây Phú Yên càng dễ dàng nhận ra khi đến với những buôn làng vùng sâu, vùng xa. Ấn tượng nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tăng cường đáng kể làm thay đổi sâu sắc bộ mặt buôn làng. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được kiên cố hóa, hầu hết các xã có đường bê tông xi măng đến thôn, buôn. Điện lưới quốc gia đã về 100% xã với trên 90% hộ được sử dụng điện trong sản xuất, sinh hoạt. 100% xã có trạm y tế, bưu điện văn hóa xã, trường tiểu học, trường THCS. Phòng học dành cho học sinh mẫu giáo, tiểu học, nhà sinh hoạt văn hóa, công trình cấp nước sinh hoạt đã hiện diện đều khắp buôn làng. Đúng như già làng Ma Nghĩa, người dân tộc Ba Na ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, từng nói: “Nhờ sự đầu tư của Chính phủ và các cấp mà các xã đặc biệt khó khăn nay đã có những công trình hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”, chẳng kém các xã đồng bằng, cái bụng của dân làng ưng lắm. Chỉ có Đảng, Nhà nước mới làm được vậy. Nhờ đó, mà đồng bào thoát khỏi cái đói, cái nghèo, có được ánh sáng điện, con em được học cái chữ, trạm xá có bác sĩ khám chữa bệnh cho bà con…”

 

Nói đến miền Tây Phú Yên không thể không nhắc đến những công trình thủy điện bề thế đang làm thay đổi diên mạo một vùng đất. Từ nhà máy thủy điện Sông Hinh có công suất 70 MW đã đưa vào khai thác từ năm 2004 còn có những nhà máy khác đang tiếp nhau xây dựng. Thủy điện Sông Ba Hạ với công suất 220 MW đã phát điện tổ máy số 1, sẽ hoàn thành vào cuối năm cung cấp cho điện lưới quốc gia trung bình mỗi năm 825 triệu KWh; thủy điện Krông H’năng có công suất 64 MW đang chuẩn bị tích nước; các nhà máy thủy điện nhỏ Đá Đen, La Hiêng 1, La Hiêng 2… cũng khẩn trương thi công.

 

NHỊP SỐNG MỚI

 

Ở những xã vùng sâu, vùng xa thuộc miền Tây Phú Yên, nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế tiếp sức cho đồng bào vươn lên, thoát nghèo nàn lạc hậu. Ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn đã có nhiều công trình thủy lợi nhỏ giúp đồng bào dân tộc thiểu số trồng lúa nước để giải quyết lương thực tại chỗ. Nhiều cánh đồng lúa nước được thâm canh đạt trên 5tấn/ha như buôn Thứ, buôn Ken, buôn Kít, xã Ea Trol (Sông Hinh), các thôn Phú Giang, Phú Tiến xã Phú Mỡ (Đồng Xuân), Phước Tân, Sơn Hội (Sơn Hòa)... Từ giải quyết được cái ăn, sản xuất nông nghiệp của miền núi xóa dần tính tự cung tự cấp, hướng đến sản xuất hàng hóa. Nương rẫy trồng màu, trồng lúa cạn bấp bênh ngày nào giờ đây nhường chỗ cho cây công nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn với hơn 15.200 ha mía, 12.000 ha sắn, cùng hàng ngàn hécta cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu… Gắn với vùng nguyên liệu đó, trên địa bàn các huyện miền núi có ba nhà máy đường, hai nhà máy tinh bột sắn, một nhà máy chế biến cà phê… Kinh tế phát triển, nhịp sống của người dân miền Tây Phú Yên đang đi lên cùng đất nước. Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên Ksô Liễng nhận xét: “Lúc giải phóng, mùa xuân 1975, bà con về làng chỉ có cái gùi trên lưng, cái rựa trên tay, bữa đói bữa no, giờ đã biết lo cho con em đi học đại học. Ngày trước bà con nuôi bò chỉ để cúng Giàng, giờ biết bán bò xây nhà, mua xe máy, làm giàu. Sự thay đổi đó lớn lắm”.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek