Thứ Ba, 08/10/2024 09:55 SA
Làng nghề đan bóng cá bằng cây mò o:
Cần đầu tư đúng mức để phát triển
Thứ Hai, 31/08/2009 18:19 CH

Ngoài nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, người dân thôn Hòa Thạnh (xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu) còn có thêm nghề đan bóng cá bằng cây mò o. Làng nghề truyền thống này tuy thu nhập không cao, nhưng cũng giúp cho người dân nơi đây cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, làng nghề này đang đứng trước nhiều khó khăn, rất cần được đầu tư để phát triển.

 

mo-o1090831.jpg

Đan bóng cá bằng cây mò o tại gia đình ông Lê Hồng Phiên – Ảnh: N.CHUNG

 

Thôn Hòa Thạnh có hơn 125 hộ dân, nhà nào cũng làm nghề đan bóng cá bằng cây mò o. Từ khâu vót nan, đan đát đến thả bóng bắt cá, người dân nơi đây đều biết. Không hề có một tài liệu nào viết về nghề đan bóng cá bằng cây mò o và cũng chưa hề mở một lớp dạy nghề nào, nhưng kỹ thuật đan bóng cá vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Không chỉ những người lớn tuổi, lớp trẻ Hòa Thạnh bây giờ không những duy trì được nghề truyền thống mà độ khéo tay, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Ông Lê Hồng Phiên, 79 tuổi, cho biết: “Từ nhỏ tôi đã thấy ông bà mình đan bóng để bắt cá. Ông bà tôi chỉ nói nghề này do tổ tiên truyền lại, không biết nó có từ bao giờ. Chắc có lẽ từ một loại cây mọc nhiều ở vùng núi này mà tổ tiên ở đây đã sáng chế ra một vật để bắt cá gọi là bóng”.

 

Gia đình ông Lê Hồng Phiên cả con, cháu, chắt với 15 người, có đến 11 người biết đan bóng cá từ cây mò o. Vì đây là nghề tận dụng lúc rảnh rỗi, mỗi ngày bình quân một lao động chính vừa vót nan, vừa đan khoảng 15 cái bóng cá loại lớn. Bóng cá được phân làm sáu loại: bóng lớn, bóng lỡ, bóng chai, bóng nhỏ thưa, bóng nhỏ dày và bóng cá sơn. Cách đan thì giống nhau, chỉ có kích cỡ khác nhau nhưng giá chênh lệch không nhiều. Điều đặc biệt là bóng cá ở đây chỉ đan từ cây mò o mà không có loại vật liệu nào khác thay thế được. Ông Lê Hồng Phiên giải thích, nan của cây mò o khi xuống nước mềm nên cá “chịu” và chui vào…

 

Bà Đặng Thị Dưa, chuyên mua gom bóng cá ở Hòa Thạnh cho biết: “Mỗi ngày, tôi mua gom khoảng 500 cái, có thời điểm 700 – 800 cái. Bình quân mỗi cái có giá 7.000 đồng. Sản phẩm được tiêu thụ từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa là thị trường tiêu thụ mạnh nhất”.

 

Hiện nay, nguồn nguyên liệu cây mò o ở Hòa Thạnh đã cạn kiệt nên phụ thuộc từ bên ngoài. Ông Huỳnh Thiên Vũ, Bí thư chi bộ thôn Hòa Thạnh cho biết: “Trước đây cây mò o mọc nhiều ở các núi xung quanh thôn nên bà con có thể chặt hai bó/ngày. Còn hiện nay do nhiều người chặt nên cây mọc không kịp. Để có đủ nguyên liệu làm, bà con phải mua mò o từ các nơi khác với giá 100.000 đồng/bó, nhưng một bó cũng chỉ đan được khoảng 50 cái bóng”. Không chỉ vậy, người dân làm nghề này còn gặp khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa ra thị trường. Chỉ cách quốc lộ 1A chừng hai cây số, song muốn đến được Hòa Thạnh phải đi qua cây cầu gỗ duy nhất do tư nhân xây dựng và phải trả phí qua cầu. Vậy mà, cũng chỉ có người và xe hai bánh đi được, còn xe bốn bánh thì chịu thua nên hàng hóa không thể vận chuyển số lượng lớn. Ngoài ra, đa phần người dân nơi đây quen với cách làm nhỏ lẻ, vốn ít; nên từ khi có quyết định công nhận làng nghề thì rơi vào tình trạng thiếu vốn.

 

Ông Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh, cho biết: “UBND tỉnh vừa có Quyết định 282/2009 công nhận làng nghề đan bóng cá bằng cây mò o thôn Hòa Thạnh. Từ khi có quyết định công nhận làng nghề, huyện Sông Cầu đã lập kế hoạch đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhưng cái khó ở đây là người dân không có vốn đối ứng, nên đã chuyển nguồn vốn này sang đầu tư cho làng nghề chế biến nước mắm Gành Đỏ. Chính quyền địa phương đang xin ý kiến cấp trên cho quy hoạch hoặc khoanh vùng cây mò o nhằm phát triển vùng nguyên liệu lâu dài. Ngoài ra, làng nghề còn gặp khó khăn về sân phơi, kho chứa và những điểm để giới thiệu sản phẩm…”.

 

NGỌC CHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek