Thứ Năm, 10/10/2024 01:23 SA
Làm gì để “nâng chất” cá ngừ đại dương?
Chủ Nhật, 09/08/2009 07:00 SA

Nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên- nơi khởi phát nghề này- ngày càng phát triển với năng lực tàu thuyền, sản lượng khai thác tăng nhanh. Thế nhưng, sức cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ Phú Yên còn thấp, ngư dân chưa làm chủ được sản phẩm do mình làm ra. Tiến sĩ Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục Khai thác- bảo vệ nguồn lợi thủy sản Việt Nam đưa ra nhiều ý kiến trong việc giải quyết vấn đề này.

 

           

Ca-ngu090808.jpg

Sơ chế cá ngừ đại dương tại bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa) – Ảnh: D.T.X

 

*Ông đánh giá thế nào về sức cạnh tranh cũng như kỹ thuật bảo quản cá ngừ Phú Yên hiện nay?

           

-Tồn tại lớn nhất hiện nay của cá ngừ Phú Yên là chất lượng thấp, tỉ lệ cá xuất máy bay thường chỉ đạt 40-50%, có lô chỉ xuất được từ 20-30%, chất lượng cơ thịt không đảm bảo độ tươi, chưa đáp ứng tiêu chuẩn ăn sống do cá bị chết quá lâu dưới nước, màu cá bị vàng do chất lượng nước đá bị nhiễm phèn, không đảm bảo đủ độ lạnh. Vì vậy, giá cá ngừ của Phú Yên thường thấp hơn của Bình Định, Khánh Hòa trong cùng thời điểm. Do việc ràng buột trong chi phí chuyến biển nên nhiều ngư dân không có quyền lựa chọn, quyết định trong việc bán sản phẩm của mình. Năng lực của các chủ tàu còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ cho khai thác, bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế. Nhiều tàu hầm lạnh chỉ có một lớp, trong khi đó nhiệt độ nước biển bao giờ cũng dao động 25-27o C. Với chất lượng đá xay của Phú Yên nhưng hiện nay rõ rang không đủ độ lạnh để bảo quản và giữ được chất lượng cá ngừ sau đánh bắt trong thời gian hơn 20 ngày. Trong khi đó tại các bến bãi, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nghề câu cá ngừ. Đây là những vấn đề mà Phú Yên cần phải giải quyết.

 

*Cục Khai thác- bảo vệ nguồn lợi thủy sản vừa phối hợp với Trung tâm nghề cá Đông Nam Á tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật bảo quản cá ngừ đại dương tại Phú Yên. Ông có thể cho biết những kỹ thuật mới sẽ được áp dụng trong thới gian tới?

           

-Lâu nay, ngư dân đã biết đến kỹ thuật bảo quản bằng nước biển lạnh, cách thức làm cá chết nhanh, sơ chế ban đầu trên tàu để đảm bảo chất lượng cá. Tuy nhiên, hầu hết các lớp tập huấn cũng như chương trình chuyển giao chưa làm đến nơi đến chốn. Ngoài ra, nhà nước cũng chưa có những hỗ trợ trang thiết bị cần thiết cho ngư dân nên chưa có điều kiện áp dụng. Đợt tập huấn này các chuyên gia của Thái Lan thuộc Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á, Cục Khai thác- bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã hướng dẫn một cách cặn kẽ về các kỹ thuật bảo quản cá ngừ bằng nước biển lạnh và các kỹ thuật bảo quản tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, trên cơ sở những công thức tính tỉ lệ nước biển lạnh, nước đá, cá đưa vào bảo quản sau khai thác ở các mức nhiệt độ khác nhau để đảm bảo giữ được chất lượng cá ngừ tốt nhất.  

 

*Theo ông, làm thế nào để Việt Nam đưa sản phẩm cá ngừ ra thị trường thế giới mà không gặp phải những rào cản thương mại theo quy định của WTO?

 

-Đây là vấn đề lớn của ngành thủy sản Việt Nam, nhất là với con cá ngừ tại ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định. Hiện nay chúng ta chưa phải là thành viên của Ủy ban quản lý nguồn lợi thuỷ sản nghề cá Đông và Tây Thái Bình Dương. Chính vì chưa là thành viên nên tổ chức này chưa cấp côta cho Việt Nam hoạt động ở vùng viễn dương, và việc xuất khẩu cá ngừ đại dương từ năm 2010 Ủy ban châu Âu yêu cầu phải có chứng thư tham gia đánh cá vùng nào và thành viên của tổ chức nào. Nếu chúng ta không có đủ điều kiện sẽ không có côta để xuất khẩu. Hiện nay chúng tôi đã tham mưu lên Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và trình lên Chính phủ có đơn gởi Ủy ban quản lý nguồn lợi thuỷ sản nghề cá Đông và Tây Thái Bình Dương để xin gia nhập tổ chức này và đã được chấp thuận. Dự kiến trong tháng 9 sẽ có một cuộc họp tại Bỉ để xem xét vấn đề này.

 

*Trong điều kiện hiện nay, nhà nước sẽ hỗ trợ ngư dân như thế nào trong khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương?

 

-Về phía Trung ương đang có dự thảo chính sách hỗ trợ cho nghề câu cá ngừ đại dương. Về các giải pháp kỹ thuật, song song với chuyển giao sẽ có những hỗ trợ về thiết bị hiện đại để ngư dân tiếp nhận được kỹ thuật mới trong bảo quản, chế biến cá. Ngoài ra, để khuyến khích ngư dân bám biển, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đang chủ trương xây dựng một số điểm dịch vụ hậu cần nghề cá ở một số đảo. Qua đó, hỗ trợ ngư dân có điều kiện bán cá ngay trên biển và mua dầu cũng như nhu yếu phẩm; nâng cao hiệu quả của nghề cá ngừ đại dương. Về phía địa phương trước mắt cần vận động thành lập nghiệp đoàn để ngư dân đánh cá theo đoàn nhằm giảm chi phí và chia sẻ rủi ro. Những ngư dân có điều kiện nên đầu tư cải tiến hầm lạnh trên tàu. Tỉnh Phú Yên có những quy định trong sản xuất nước đá phục vụ nghề đánh bắt cá ngừ và về lâu dài nên tiến hành tổ chức các phiên bán đấu giá cá ngừ…

 

*Xin cảm ơn ông!

 

LÊ BIẾT (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek