Thứ Sáu, 11/10/2024 17:18 CH
Khó khăn làm ruộng cuối nguồn tưới tiêu
Thứ Ba, 14/07/2009 06:58 SA

Có những xứ đồng vừa nắng đã hạn, vừa mưa đã úng, khoa học kỹ thuật không đưa được xuống đồng ruộng... Đó là thực tế đang diễn ra tại vùng đồng ruộng cuối nguồn tưới tiêu thuộc huyện Đông Hòa. Vậy nhưng đã nhiều năm nay, khó khăn này vẫn chưa được giải quyết.

 

dap.090714.jpg

Đập Bến Cát - một trong những đập điều tiết nước nhưng lại thường gây ngập úng lúa ở đồng ruộng Hòa Hiệp Bắc - Ảnh: LÊ BIẾT

 

CHI PHÍ CAO

 

Ông Võ Hồng Tâm có hơn 70 năm gắn bó với đồng ruộng Hòa Hiệp Bắc. Cũng như những người dân ở đây, ông quá quen thuộc với chiếc gàu dây và gàu cần vọt. Ông Tâm cho biết, những năm 1970, 1980, hệ thống kênh mương chưa được đầu tư mở rộng và kiên cố hóa như bây giờ. Trên mỗi mảnh ruộng, người ta thường đào một cái ao nhỏ hay vét một cái giếng đất ở góc ruộng để chủ động nước vào mùa khô, chuyện tát gàu tay là chuyện thường. Sau này, hàng tỉ đồng được nhà nước đầu tư cho chương trình kiên cố hóa kênh mương, thế nhưng cho đến lúc này, nông dân làm ruộng các vùng cuối nguồn ở các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung vẫn phải tát nước bằng gàu. Những chiếc cần vọt bằng thân cây tre vút lên trời vẫn đang hiện diện ở nhiều xứ đồng. Dọc theo những con mương vẫn dày đặc những sòng nước. Mùa này lúa sạ đến hơn 20 ngày vẫn chưa có được lứa nước sánh. Vậy là nông dân lại dùng gàu tát nước để cứu lúa. Chuyện này lặp đi lặp lại mỗi năm khi trời bắt đầu nắng, nước từ đập Đồng Cam không kịp về.

 

Ông Nguyễn Đình Tới, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Hòa Hiệp Bắc cho biết: Toàn xã hiện sản xuất 285 ha đất lúa hai vụ và 15 ha lúa một vụ. Thế nhưng đến nay, vẫn chỉ có 75 ha tưới nước tự chảy, chủ yếu là nước cuối nguồn được chi phối bởi các mương cấp ở Hòa Vinh nối dài. Khi nào nước Đồng Cam đủ thì các vùng dưới này mới hưởng được “nước rớt”. Năm hạn thì đành chịu. Phần lớn diện tích còn lại chủ yếu là tưới bằng máy bơm dầu và dùng gàu tát nước. Dù nhà nước đã có chủ trương miễn thủy lợi phí, nhưng nông dân các xã Hòa Hiệp đến nay vẫn phải đóng thủy lợi phí 90.000 đồng/sào/năm cho hợp tác xã để duy trì hệ thống bơm tưới bằng dầu.

 

Nếu làm hai sào ruộng, trung bình một mùa nông dân thu hoạch khoảng 600kg lúa. Trừ chi phí giống, phân bón, tiền cày, công thu hoạch, máy tuốt… nông dân còn khoảng 200kg lúa. Thế nhưng để có được 200kg lúa này, hai công lao động phải tát nước trong gần hai tháng trời. Nếu tính chi phí cho công tát nước thì rõ ràng người làm ruộng bị lỗ. Nông dân vất vả quanh năm nhưng năng suất lúa lại rất thấp, thấp hơn so với những cánh đồng ở các xã Hòa Vinh, Hòa Bình… từ 10-20 tạ/ha. Một hạt lúa làm ra “cõng” thêm rất nhiều chi phí.

 

VỪA MƯA ĐÃ NGẬP ÚNG

 

Tình trạng ngập úng cũng gây khó khăn không ít cho sản xuất lúa ở các xứ đồng cuối nguồn. Đồng Sâu, Bầu Bèo, Ổ Vạc (Hòa Hiệp Bắc), Sống Trâu, Xóm Lẫm, Cầu Bi (Hòa Hiệp Trung), Phú Khê, Hiệp Đồng (Hòa Xuân Đông)… là những xứ đồng thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập úng mỗi năm.

 

Ông Bùi Văn Hoan làm hai sào ruộng tại đồng Ổ Vạc, cho biết: Vụ đông xuân, sau khi xuống giống, chỉ một cơn mưa vừa là nước từ Hòa Vinh, Phú Lâm đổ về, đồng Ổ Vạc ngập trắng băng. Vụ nào bà con cũng mất đến vài ba lần giống, nếu không mất giống thì cũng tốn gấp đôi, gấp ba công cấy dặm vì cây lúa bị hư hại phần lớn. Vụ hè thu, cây lúa vừa chắc hạt mà nghe mưa là bà con đứng ngồi không yên. Cứ vài năm lại phải cắt lúa chạy lụt một lần. Cắt, vận chuyển được một sào lúa về nhà khổ lắm. Trong khi đó, mương Đạo là tuyến kênh tiêu úng cho khu vực này, xây dựng trước ngày giải phóng đến nay chưa một lần được đầu tư nạo vét. Kênh tiêu giờ đã biến thành mặt ruộng, lát mọc um tùm đến nay vẫn chưa được nạo vét.

 

Còn các xứ đồng sâu dọc theo kênh tiêu Rộc Đăng từ xóm Đồng của phường Phú Thạnh đến hết xã Hòa Hiệp Nam, tình trạng ngập úng cũng nghiêm trọng không kém. Ông Võ Hồng Tâm cho biết, ngày trước nước từ các xã phía tây như Hòa Bình, Hòa Thành và một phần phường Phú Lâm được dẫn ra con sông Cạn và thoát ra sông Ba. Từ sau khi kiên cố hóa kênh mương đến nay, kênh Rộc Đăng trở thành kênh tiêu thoát nước cho các xã phía tây và cả ba phường Phú Lâm, Phú Thạnh và Phú Đông. Tuy nhiên, điều bất hợp lý là trong khi chiều rộng của kênh tiêu Rộc Đăng từ 7-9m, nhưng các đập điều tiết nước trên hệ thống kênh này chỉ rộng 3m và được xây dựng từ năm 1962, đến nay không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Chỉ riêng hơn 2.700m kênh tiêu Rộc Đăng chảy qua địa phận xã Hòa Hiệp Bắc đã có 3 đập điều tiết nước xuống cấp là các đập Bến Cát, Đồng Giữa và Lạch Thuyền. Những đập điều tiết nước này đang tạo thành những nút cổ chai ngăn dòng nước từ phía tây đổ về kênh Rộc Đăng, gây ngập úng trên diện rộng và nhiều ngày liền trên địa bàn các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung. Ông Lương Văn Rảnh ở thôn Phú Hòa (xã Hòa Hiệp Trung) cho biết: Vụ 8 cũng như vụ 3, năm nào ruộng chúng tôi cũng sạ hai, ba lần giống mà cứ ba năm là một năm mất trắng!

 

KHOA HỌC CŨNG KHÓ XUỐNG ĐỒNG

 

Chính những bất cập trong khâu tiêu úng đã cản trở việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật xuống đồng ruộng. Ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên lý giải: Trong các tiến bộ khoa học được đưa xuống đồng ruộng thì sạ hàng sạ thưa được đánh giá là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, hiện nay diện tích áp dụng mô hình này chỉ dừng lại từ 4.500 - 5.000 ha, tức là khoảng 20% diện tích lúa toàn tỉnh, mà cũng chỉ tập trung ở những xã có điều kiện tưới tiêu thuận lợi như Hòa Bình, Hòa Mỹ Tây… Những xã như Hòa Thành, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Xuân Đông thì đành chịu.

 

Ông Nguyễn Đình Tới, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Hòa Hiệp Bắc cho biết: Trong gần 300 ha lúa của xã, chỉ có vụ đông xuân là bà con áp dụng sạ thưa sạ hàng khoảng 5-10% diện tích. Riêng vụ hè thu, dù xã cố gắng vận động cũng không thể thực hiện được. Tâm lý lo ngại bị khô hạn đầu vụ và ngập úng cuối vụ là nỗi lo thường trực của nông dân. Ông Bùi Văn Hoan giải thích: Nếu sạ dày, không có nước, lúa chết hai phần thì cũng còn có cái mà cắt. Sạ theo kiểu 5-6kg /sào thì không ai có gan, vì nếu không may thì mất trắng.

 

Khó khăn trong tưới tiêu cũng gây trở ngại không ít đến việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nếu như máy gặt đập liên hợp được đưa vào thu hoạch đại trà ở nhiều địa phương, thì ở các xứ đồng cuối nguồn, dân có muốn cũng đành chịu. Ruộng thường xuyên bị ngập úng, cây lúa bị đổ ngã, máy gặt đập không thể đưa xuống đồng…

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek