Thứ Bảy, 12/10/2024 03:25 SA
Ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn Phú Yên:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt kế hoạch năm 2009
Thứ Ba, 07/07/2009 14:29 CH

Để sản xuất nông - lâm - thủy sản ở Phú Yên đạt kế hoạch cả năm 2009 với giá trị 2.258 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2008, ngành Nông nghiệp Phú Yên đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực.

 

Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Phú Yên trong 6 tháng đầu năm nay chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi vì thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi; giá cả một số nông sản chính như lúa, sắn giảm so với cùng kỳ. Để sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt kế hoạch cả năm 2009 với giá trị 2.258 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2008, trong đó cơ cấu giá trị trồng trọt chiếm 48,1%, chăn nuôi 14%, lâm nghiệp 2,3%, thủy sản 32,6%; sản lượng lương thực có hạt đạt 320.000 tấn, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2009.

 

tau-ca.090707.jpg
Ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) phát triển thuyền nghề công suất lớn khai thác xa bờ đạt hiệu quả. - Ảnh: Q.ĐẠT

 

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NÔNG -  LÂM NGHIỆP

 

Vận động nông dân tập trung sản xuất vụ hè thu trên diện tích khoảng 23.500ha đạt hiệu quả, đạt năng suất cao để bù phần thiếu hụt sản lượng vụ đông xuân. Các đơn vị chức năng hướng dẫn bà con chăm sóc lúa đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hợp lý, đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ; áp dụng nguyên tắc “nặng đầu, nhẹ cuối”, bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa. Vận động nông dân trồng bắp lai gắn với hỗ trợ giống, đầu tư thâm canh để đạt năng suất cao.

 

Ngành Bảo vệ thực vật dự báo kịp thời về tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng để thông báo và hướng dẫn cho nông dân chủ động phòng trừ, trong đó lưu ý các đối tượng gây hại chính thường xảy ra trong vụ lúa hè thu như: rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ trĩ, bệnh khô vằn, bệnh thối bẹ, thối thân, chuột và ốc bươu vàng… Đối với cây công nghiệp: đẩy mạnh sản xuất và thu hoạch các cây trồng chủ lực như mía, sắn, bông vải, đậu phụng, thuốc lá, mè, đậu đỗ các loại… Tiếp tục vận động nông dân thâm canh cây trồng theo chương trình ba giảm - ba tăng, chương trình BUCAP, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến đạt hiệu quả kinh tế cao; tiếp tục gieo trồng và thu hoạch các cây trồng cạn, các loại rau màu thực phẩm, hoa cây cảnh theo thời vụ hợp lý; chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất các loại cây công nghiệp như mía, sắn, cao su, hồ tiêu, cà phê...

 

Về chăn nuôi, cần duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, khuyến cáo người chăn nuôi đầu tư chăm sóc nâng cao trọng lượng và chất lượng vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế, chủ động dự trữ thức ăn gia súc trong mùa khô hạn, lụt bão; khôi phục, phát triển đàn gia súc, gia cầm (trong đó phấn đấu đến cuối năm 2009, tỉ lệ đàn bò lai đạt khoảng 47%), phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng 28.500 tấn. Đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vận động người chăn nuôi tham gia tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh định kỳ hàng năm; theo dõi, kiểm soát diễn biến dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là bệnh cúm gia cầm, bệnh LMLM ở gia súc và bệnh tai xanh ở heo, góp phần đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ngành phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, chú trọng về chất lượng con giống để phát triển đàn gia súc (bò thịt, heo hướng nạc).

 

Về lâm nghiệp, tiếp tục triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô; đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ rừng, truy quét tại những tụ điểm khai thác, vận chuyển, tàng trữ, mua bán lâm sản và động vật hoang dã trái phép; tập trung thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (DA661), dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH), dự án khôi phục và phát triển rừng bền vững (KfW6); hướng dẫn và khuyến khích việc khai thác rừng trồng gắn với phát triển trồng rừng sản xuất của các ban quản lý dự án lâm nghiệp và các thành phần kinh tế.

 

ĐỔI MỚI KHAI THÁC, ỔN ĐỊNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

 

Đối với nghề khai thác thủy sản, cần chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển: Quy hoạch, bố trí lại thuyền nghề phù hợp với tiềm năng, lợi thế ngư trường nguồn lợi theo hướng tăng thuyền nghề lớn đánh bắt xa bờ, tập trung vào các nghề như câu cá ngừ đại dương, câu mực khơi, vây rút khơi, rê khơi; giảm thuyền nghề công suất nhỏ (dưới 33CV) nhằm giảm cường độ khai thác ven bờ. Khuyến khích các hộ khai thác ven bờ kém hiệu quả chuyển sang nuôi tôm hùm, cá bằng lồng bè trên biển tại những vùng đã quy hoạch. Quản lý, kiểm soát việc tăng - giảm số lượng thuyền nghề cũng như việc phân bổ lực lượng khai thác phù hợp với mùa vụ và từng vùng biển. Ngành hướng dẫn, phổ biến các kết quả dự báo ngư trường của Viện Nghiên cứu Thủy sản cho ngư dân áp dụng vào sản xuất, tăng cường nhân lực và nâng cao chất lượng công tác thống kê nghề cá; tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép cho tàu cá; nâng cao hiệu quả công tác khuyến ngư, nhất là thông qua các mô hình khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật khai thác tiên tiến, kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho ngư dân, kịp thời phát hiện các mô hình sản xuất giỏi trong ngư dân để nhân rộng; vận động ngư dân khai thác trên biển không vi phạm lãnh hải nước ngoài, sản xuất theo mô hình tổ, đội sản xuất để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

 

Về nuôi trồng thủy sản, nên ổn định diện tích nuôi tôm sú, phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng vùng cát, vùng tập trung không nuôi xen với tôm sú; lựa chọn, nhân rộng các mô hình nuôi ghép, luân canh, xen canh, nuôi hữu cơ, đa dạng đối tượng nuôi cua, cá, nhuyễn thể nhằm đảm bảo đời sống cho các hộ nuôi, tạo sinh kế cho các hộ khai thác thủy sản ven bờ. Ngành khuyến khích phát triển nuôi tôm hùm, cá bóp, cá mú… tại những vùng đã quy hoạch; tiếp tục triển khai công tác phòng dịch và điều trị tôm hùm theo phác đồ điều trị của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã hướng dẫn; phối hợp kiểm tra, hướng dẫn ngư dân tuân thủ điều kiện nuôi tôm hùm, quy hoạch vùng nuôi và hướng dẫn kỹ thuật nuôi có kiểm soát dịch bệnh; quản lý và hướng dẫn kỹ thuật khai thác giống tôm hùm trong tỉnh; kiểm dịch, quản lý chất lượng giống tôm hùm nhập khẩu, nhập từ các tỉnh khác. Tăng cường công tác khuyến ngư, công tác kiểm dịch, quản lý chất lượng giống; quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi để ngư dân chủ động phòng ngừa bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi; theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của ngành Nông nghiệp

 

Đối với đầu tư phát triển, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các dự án quy hoạch, thúc đẩy hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư các công trình thuộc Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… Đặc biệt, ngành tổ chức thực hiện tốt các dự án đầu tư phát triển cây điều (1,2 tỉ đồng), dự án trồng rừng JBIC (1,2 tỉ đồng), dự án nâng cao năng lực PCCC rừng (2 tỉ đồng), dự án trồng rừng KfW6 (5,6 tỉ đồng), dự án trồng rừng FLITCH (15,5 tỉ đồng), dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung (11,2 tỉ đồng), dự án hồ chứa nước La Bách (11 tỉ đồng), dự án chống ngập lụt TP Tuy Hòa (7 tỉ đồng), dự án đầu tư hạ tầng và chỉnh trang vùng nuôi trồng thủy sản đầm Ô Loan (2,6 tỉ đồng), dự án cảng cá Phú Lạc (1,2 tỉ đồng), dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gần 21,8 tỉ đồng)...

 

BIỆN MINH TÂM

Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek