Thứ Năm, 03/10/2024 16:14 CH
Tìm lời giải cho bài toán nguyên liệu mía đường
Thứ Sáu, 04/11/2005 18:35 CH

Cũng như nhiều tỉnh trong cả nước, ngành công nghiệp mía đường ở Phú Yên đang gặp khó khăn về nguyên liệu. Trong niên vụ 2004 – 2005, các công ty mía đường trong tỉnh tiếp tục thiếu nguyên liệu trầm trọng, chỉ thu mua được 382.323 tấn, bằng 79,44% so với niên vụ trước. Trong khi đó, chế biến đường thủ công đạt 54.482 tấn đường trầm, gấp 2,27 lần so với vụ trước (sản lượng mía ước tính chế biến thủ công gần 500.000 tấn). Làm thế nào để điều này không còn xảy ra trong niên vụ đến?

 

ÉP MÍA THỦ CÔNG GÂY THẤT THOÁT 150 TỶ ĐỒNG

 

Các che ép mía thủ công đã làm thất thoát một lượng lớn mía nguyên liệu - Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Niên vụ vừa qua, Công ty Mía đường Tuy Hòa chỉ thu mua được hơn 79.000 tấn; chế biến được 7.275 tấn đường RS, Công ty KCP thu mua được hơn 303.300 tấn, chế biến được 28.215 tấn đường RE; trong khi đó, lượng mía qua chế biến thủ công của cả tỉnh gần 500.000 tấn. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, hoạt động chế biến thủ công đã để thất thoát khoảng 20.000 tấn đường RS. Một tấn mía khi ép thủ công, nấu đường trầm thu được khoảng 110 kg, nếu chế biến thành đường kết tinh chỉ thu được 60 kg, trong khi đó, các nhà máy công nghiệp thu được 95-100 kg đường RS. Với giá đường RS bình quân năm nay 7.500 đồng/kg, hoạt động ép mía thủ công đã gây lãng phí 150 tỷ đồng.

 

CÁC NHÀ MÁY SẼ KHÔNG THIẾU NGUYÊN LIỆU NẾU BẢO ĐẢM HÀI HÒA LỢI ÍCH CHO NÔNG DÂN

 

Thu mua mía nguyên liệu ở Công ty Mía đường Tuy Hòa - Ảnh: Dương Thanh Xuân

Đặc điểm nổi bật nhất trong vụ mía đường vừa qua là giá đường tăng cao kỷ lục. Đầu vụ đường RS giá 5.600 đồng/kg, đường RE 6.000 đồng/kg, các nhà máy mua mía tại bàn cân là 280.000 đồng/tấn. Đến cuối vụ giá đường tăng cao (đường RS: 8.100 đồng/kg, đường RE: 8.500 đồng/kg). Tuy nhiên giá thu mua của các nhà máy đường không theo kịp với giá thị trường nên không thu hút được nguồn nguyên liệu, không đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Từ đó, các cơ sở ép mía, nấu đường thủ công hoạt động rầm rộ trở lại, nông dân thu được lợi nhuận cao hơn khi bán sản phẩm đường trầm ra thị trường.

Hiện nay, một số nhà máy đường ở miền Nam đã vào vụ, giá mía các nhà máy đường thu mua từ 280.000 – 300.000 đồng/tấn tại ruộng. Riêng nhà máy đường Thới Bình mua với giá 360.000 đồng/tấn tại bàn cân cho mía 7 chữ đường và mỗi chữ đường tăng lên được tính thêm 20.000 đồng/tấn. Theo dự báo giá đường còn tiếp tục tăng cao. Dù vậy các công ty mía đường vẫn có điều kiện để hoạt động có lãi nếu đảm bảo hoạt động trên 70% công suất và nếu tính toán được giá mua mía hợp lý, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các công ty và nông dân.

Phú Yên hiện có 19.000 ha mía, dự báo năng suất vụ tới đạt 42 tấn/ha, sản lượng mía gần 800.000 tấn. Nguồn nguyên liệu này đủ để cung cấp cho hai nhà máy đường trong tỉnh hoạt động niên vụ 2005 – 2006 nếu các công ty mua mía với giá cả hợp lý và địa phương quản lý được vùng nguyên liệu.

 

SẼ QUẢN LÝ NGUỒN NGUYÊN LIỆU MÍA CHẶT HƠN

 

Dự kiến sản lượng đường chế biến được trong cả nước trong niên vụ 2005 – 2006 là 1,13 triệu tấn, trong đó công nghiệp 950.000 tấn, thủ công 180.000 tấn. Dự báo nhu cầu tiêu thụ đường trong 2006 là 1,35 triệu tấn, như vậy sản lượng đường bị thiếu so với nhu cầu là 200.000 tấn.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết: Chế độ trợ giá cho ngành mía đường của Liên minh Châu Âu (EU) là trái với nguyên tắc thương mại công bằng và bình đẳng của WTO và buộc khối này phải cắt giảm trợ giá xuất khẩu đường; phán quyết này sẽ làm cho một số nước EU đang sản xuất đường củ cải phải từ bỏ sản xuất vì không thể cạnh tranh nổi. Điều này sẽ là cơ hội tốt cho các nước ngoài EU sản xuất và xuất khẩu đường. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá đường sẽ tăng cao trên thị trường.

Từ những dự báo về nhu cầu tiêu thụ đường, về giá mía, giá đường, Ban điều hành chương trình mía đường của Phú Yên vừa đề ra một số định hướng cho niên vụ 2005 – 2006. Theo đó các công ty mía đường phấn đấu mua đạt 490.000 tấn mía, đưa vào chế biến 47.000 tấn đường, giá sàn thu mua mía là 370.000 – 380.000 đồng/tấn (mía 10 CCS) tại bàn cân nhà máy. Đồng thời yêu cầu các công ty mía đường phải điều hành tốt công tác thu mua nguyên liệu, hạn chế thời gian mía đã chặt lưu trên ruộng, trên xe, xác định thời gian mía chín từng vùng để có lịch đốn chặt vào thời điểm có chữ đường cao nhất. Các huyện có diện tích mía lớn cần có biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền vận động nông dân thấy được lợi ích chung và lâu dài trong việc bán mía cho các công ty mía đường trong tỉnh, kết hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ xe vận chuyển mía, không cho mía ra ngoài tỉnh; Chỉ đạo các xã không được ký xác nhận trên hợp đồng đầu tư nguyên liệu mía hoặc hợp đồng mua bán nguyên liệu mía giữa nông dân trong địa phương với các công ty khác ngoài tỉnh.  Đối với che ép thủ công, trên cơ sở quy hoạch và phân vùng nguyên liệu, huyện quản lý chặt chẽ che ép thủ công, theo hướng chỉ cho ép vùng nguyên liệu ngoài quy hoạch cho nhà máy, vùng trong quy hoạch nhà máy thì kiên quyết không cho che ép thủ công hoạt động.

PHI CÔNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek