Ông “Mười Của” trong trang trại mía - Ảnh: TRUNG HIẾU
Ông “Mười Của” nói: “Tôi có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự kiên trì, chịu khó mà tôi học được trong quân đội. Mãn ngũ năm 1981, về nhà tài sản của tôi chỉ có cái ba lô, bộ đồ lính và đôi giày. Thời ấy tôi sống với bố mẹ, hằng ngày đi làm thuê để giúp gia đình. Sau một thời gian, tôi nghĩ rằng muốn làm giàu thì không thể đi làm thuê mãi mà phải làm cho chính mình”. Vì vậy, tôi đi tìm hiểu đất đai, thấy nhiều vùng đất rộng, xung quanh có suối nước nhưng chỉ có ba, bốn hộ dân khai hoang làm rẫy. Từ đấy tôi quyết định bám trụ khai hoang tại vùng đất này”.
Ban đầu vợ chồng ông Mười khai hoang chỉ để trồng bắp, mè, đậu phụng làm lương thực nuôi gia đình, nhiều lúc ông phải gùi mè, đậu phụng đi đổi gạo về ghé với bắp, gia đình mới đủ no. Có lương thực, vợ chồng ông Mười khai hoang thêm đất rồi đi vay mượn tiền mua mía giống về trồng. Vụ mía đầu tiên, vợ chồng ông Mười có được chút vốn, ông vừa sang lại đất của người khác với giá rẻ, vừa bỏ công sức khai hoang nên diện tích đất của gia đình ông mỗi năm đều tăng lên, ông đều đầu tư trồng hết mía. Năm 2001, khi Nhà máy đường KCP đi vào hoạt động, vợ chồng ông Mười bán hết mía cho nhà máy đường. Sau khi trừ chi phí, ông thu được hơn 100 triệu đồng. Có được số vốn kha khá, ông Mười thuê thêm nhân công khai hoang, tiếp tục sang lại đất của người khác. Cứ thế, đến nay vợ chồng ông Mười có gần 10 ha đất trồng mía, mỗi năm thu nhập hơn 250 triệu đồng. Năm 2003, ông Mười xây lại căn nhà hơn 200 triệu đồng. Ông Mười cho biết: “Ngoài diện tích đất trồng mía, vợ chồng tôi còn trồng hơn 1 ha keo lá tràm nay gần 4 năm tuổi; năm nay tôi đầu tư trồng thêm vài ha keo lá tràm nữa để phủ trống đồi đất trọc”. Nhìn rừng keo nhà ông Mười, chúng tôi thấy cây nào cũng to hơn cổ chân, phủ một màu xanh ngút ngàn.
Ông “Mười Của” cho biết: “Nhờ có thu nhập như vậy, vợ chồng tôi có tiền cho bốn đứa con ăn học. Hai đứa lớn đang học đại học năm thứ ba, một đứa khác đang học hệ cao đẳng tại Trường Đại học Quy Nhơn, đứa út đang học phổ thông”. Vợ chồng ông Mười thường hay giúp đỡ những người nghèo, người già neo đơn ở địa phương. Ông Mười còn giúp nhiều cặp vợ chồng ở địa phương từ không có đất giờ có được vài ha đất canh tác, như vợ chồng anh Phạm Hồng Phú. Ngày trước, vợ chồng anh Phú không có tấc đất để sản xuất, nhờ ông Mười giúp vốn đã sang lại đất, mượn mía giống để trồng. Nhờ vậy, đến nay vợ chồng anh Phú có 2 ha đất trồng mía, không những trả hết nợ mà đã thoát nghèo, xây căn nhà mới. Anh Phú nói: “Gia đình tôi có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng ông Mười”.
Ông Nguyễn Gia Chính, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Nguyên, nói: “Gia đình ông Đoàn Thanh Mười sống rất hòa đồng với bà con lối xóm, mọi phong trào của thôn, xã ông đều tham gia tích cực. Ông đã giúp đỡ được rất nhiều người ở địa phương và đồng đội của mình”.
TRUNG HIẾU