Cuối tuần qua, Hiệp hội cá ngừ đại dương Phú Yên đã được thành lập, sau rất nhiều mong đợi của những người quan tâm; bởi, so với Hiệp hội cá ngừ đại dương Khánh Hòa (thành lập tháng 6/2008) và Hiệp hội cá ngừ đại dương Bình Định (thành lập tháng 7/2008), thì hiệp hội ở Phú Yên ra đời chậm hơn nhiều.
Ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) trở về sau chuyến khai thác cá ngừ đại dương - Ảnh: D.T.XUÂN
Và đây không phải là lần đầu, Phú Yên nơi khởi phát nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam, nơi có sản lượng đánh bắt cá ngừ hàng năm lớn nhất nước, nhưng lại “đi sau” như vậy.
Mấy năm qua, những ai có dịp vào cảng Hòn Rớ (Khánh Hòa), chứng kiến các phiên bán đấu giá cá ngừ đại dương vừa về bến, nhìn thấy dịch vụ hậu cần nghề cá được tổ chức khá tốt ở đây, biết được nơi này đã hình thành các tập đoàn khai thác có phương tiện hiện đại… mới thấy buồn và thương cho người câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên.
Ở tỉnh ta, giá bán cá ngừ đại dương về bến thường thấp hơn 20-40% so với ở Bình Định và Khánh Hòa. Giá trị của con cá ngừ mà ngư dân phải cơ cực giữa trùng khơi mới đánh bắt được, lại không do họ quyết định mà bị người mua cùng “bắt tay” nhau ép giá. Những bất cập trong thu mua, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá… đã làm cho ngư dân rất khó khăn, nhất là ở những thời điểm giá xăng dầu lên cao. Tình trạng trúng mùa nhưng ngư dân lại lỗ so với chi phí sắm chuyến biển, vì phải mua dầu nợ chịu lãi suất cao, rồi phải bán cá với giá thấp vẫn thường xuyên xảy ra. Ngư dân thiếu thông tin về thị trường, thiếu kiến thức về sơ chế bảo quản cá, nhưng rất ít được sự hỗ trợ từ các đơn vị chức năng của nhà nước. Nếu vừa qua, không có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, thì rất nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở tỉnh ta phải nằm bờ trong mùa biển này.
Rất cần phải nhớ rằng, tỉnh ta sớm xác định phát triển kinh tế biển là mũi nhọn. Tháng 11/2001, Tỉnh ủy Phú Yên Khóa XIII đã có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 về chương trình phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2010. Tháng 6/2007, vấn đề này được tiếp tục thể hiện cụ thể và toàn diện hơn trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTƯ (Khóa X) về chiến lược biển đến năm 2020. Trong đó, đánh bắt thủy sản xa bờ, mà câu cá ngừ đại dương là mũi nhọn, là một ngành đánh bắt được hết sức chú trọng.
Từ năm 2000 trở lại đây, cá ngừ đại dương đã mang lại nguồn thu bình quân từ 200 đến 300 tỉ đồng mỗi năm cho tỉnh ta với sản lượng đánh bắt hàng năm gần đây trên dưới 4.000 tấn. Vậy nhưng, qua 15 năm phát triển, nghề câu cá ngừ đại dương vẫn cứ đứng trước những khó khăn kéo dài.
Vì thế, Hiệp hội cá ngừ đại dương Phú Yên mới thành lập vẫn phải trả lời cho những câu hỏi cũ: Làm gì để chấm dứt tình trạng ngư dân bị thiệt khi bán cá ngừ trên địa bàn tỉnh? Làm gì để trợ giúp ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, từng bước hình thành các tập đoàn đánh bắt khơi xa hiệu quả? Làm gì để góp phần nâng cao trình độ khai thác, bảo quản, chế biến cá ngừ đại dương cho ngư dân? Làm sao cá ngừ đại dương Phú Yên có thương hiệu để chấm dứt làm thất thoát giá trị hàng hóa khi tham gia thị trường xuất khẩu?...
Những ai quan tâm đến cá ngừ đại dương đang rất mong đợi sự giải đáp những câu hỏi trên, bằng những việc làm cụ thể hiệu quả của Hiệp hội vừa mới thành lập, để ngành khai thác cá ngừ đại dương Phú Yên không phải chịu cảnh đi đầu nhưng lại... về sau.
HUỲNH HIẾU