Hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Các công trình xây dựng ở các buôn, xã tại Sông Hinh đã được người dân tham gia giám sát. Trong ảnh: Làm giếng nước sạch ở buôn Bầu, xã Ea Bá. - Ảnh: K.CHI
PHÁT HUY TỐT HƠN DÂN CHỦ CƠ SỞ
Tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong đầu tư xây dựng là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Một trong những giải pháp ngăn chặn vấn nạn này là thực hiện việc giám sát của cộng đồng, nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội. Theo ông Nguyễn Như Đông, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sông Hinh, hoạt động giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Mặt trận. GSĐTCĐ tuy là việc làm mới, song các ban thanh tra nhân dân (TTND) trên địa bàn huyện Sông Hinh thời gian qua đã phát huy khá tốt vai trò của mình và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Ban TTND là tổ chức của Mặt trận, đồng thời các thành viên tham gia hoạt động GSĐTCĐ đều mang tính chất tự nguyện. Vì thế, chúng tôi quyết định giao cho ban TTND phụ trách hoạt động GSĐTCĐ. Mỗi ban TTND bảo đảm thực hiện đúng các quy định trong thông tư liên tịch của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính đối với hoạt động GSĐTCĐ” - ông Đông cho biết.
Đến nay, 11/11 xã, thị trấn ở huyện Sông Hinh đã thành lập được ban GSĐTCĐ với 81 thành viên, chủ yếu là thực hiện giám sát hoạt động của đại biểu dân cử, cán bộ công chức và đảng viên ở khu dân cư; các công trình công cộng xây dựng trên địa bàn, tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. GSĐTCĐ nhằm góp phần bảo đảm hoạt động đầu tư đúng với quy hoạch đã được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt khác, GSĐTCĐ cũng sẽ góp phần phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định, xâm hại lợi ích của cộng đồng.
Ông Nguyễn Như Đông cho biết: Trong hoạt động GSĐTCĐ, ban TTND đóng vai trò chủ đạo, nhưng quần chúng nhân dân và ban công tác Mặt trận của mỗi khu dân cư là nhân tố rất quan trọng. Chính những thông tin, kiến nghị của quần chúng nhân dân và ban công tác Mặt trận đã giúp cho ban TTND kịp thời phát hiện các vụ việc, các dự án đầu tư có dấu hiệu tiêu cực. Bên cạnh đó, quy chế dân chủ ở cơ sở đã được nâng lên thành Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động vì lợi ích chung
ĐỂ GSĐTCĐ TẠI ĐỊA PHƯƠNG HIỆU QUẢ HƠN
Ở nhiều xã của Sông Hinh, quy chế GSĐTCĐ đang được phát huy tích cực với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp chính quyền, chủ đầu tư, đơn vị thi công… Có nơi còn thành lập các tổ đại diện giám sát, theo dõi việc thi công các công trình xây dựng đường nông thôn, trường học, trạm xá như các xã Đức Bình Đông, Ea Bá, Ea Trol… Nhờ thế, những sai sót về kỹ thuật, an toàn cũng như vệ sinh môi trường đã được ban giám sát kịp thời phát hiện. Điều đó không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống lãng phí, mà còn tạo lòng tin của người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ông Ma Rưng, Chủ tịch UBND xã Ea Trol, cho biết: Chúng tôi rất hoan nghênh việc triển khai hoạt động GSĐTCĐ tại xã. Vì làm như vậy người dân có quyền kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư và nhà thầu. Đồng thời, chúng tôi cũng có cơ hội kiểm tra hiệu quả đầu tư, những việc làm gây thất thoát, lãng phí, có quyền theo dõi kết quả nghiệm thu công trình và yên tâm khi nhận bàn giao để sử dụng sau này.
Tuy nhiên, vấn đề GSĐTCĐ thiếu đồng bộ, mang tính hình thức đang là điều băn khoăn. Tại một số xã của Sông Hinh, thành phần tham gia trong ban GSĐTCĐ phần lớn là người cao tuổi, cán bộ về hưu, gặp khó khăn về sức khỏe và chuyên môn, ảnh hưởng không tốt hoạt động giám sát. Việc giám sát chủ yếu mới tập trung vào các dự án nhỏ lẻ, các tuyến giao thông nông thôn… Đối với các công trình lớn hơn thì việc tiếp xúc, triển khai giám sát với các chủ dự án, chủ đầu tư còn gặp khó khăn. Do vậy, việc giải quyết các kiến nghị có lúc chưa được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, còn gây bức xúc trong nhân dân.
Để thực hiện hoạt động GSĐTCĐ có chất lượng, góp phần mạnh mẽ giảm thất thoát, lãng phí, tiêu cực, nâng cao hiệu quả đầu tư, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện để tổ chức thực hiện có bài bản hoạt động này. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ và quy định rõ hơn về nguồn kinh phí hỗ trợ cho GSĐTCĐ. Bên cạnh đó, có chế độ bảo hiểm khi bị tai nạn rủi ro trong khi thực hiện nhiệm vụ của thành viên ban giám sát, nhất là những người không có chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế...
KIM CHI