Hàng trăm tàu thuyền ở Phú Yên đang trở về với cá nặng đầy khoang. Niềm vui càng nhân lên khi gần một tuần nay, ngư dân các làng ven biển huyện Tuy An trúng đậm cá cơm. Không khí ngày đầu năm mới ở các làng biển đang vui như hội.
Cá cơm về bãi biển xã An Chấn (Tuy An) - Ảnh: LÊ BIẾT |
ĐÊM ÍT CŨNG KIẾM ĐƯỢC... 5-7 TRIỆU
Khi mặt trời chưa vượt lên khỏi mặt biển, bãi biển Mỹ Quang, xã An Chấn (huyện Tuy An) đã tấp nập tàu thuyền. Những chiếc thuyền ra khơi trong đêm đã kịp về bến, mang theo hàng trăm giỏ cá cơm- loại cá dùng làm nguyên liệu để chế biến nước mắm, làm cá khô xuất khẩu. Những tàu thuyền lớn hơn, có trang bị hầm đá thì sử dụng phuy nhựa để chứa cá tươi. Những phuy nhựa đầy cá tươi đậy kín được kéo vào bờ bằng những sợi dây thừng. Cả làng biển nhộn nhịp, người khiêng cá, người đẩy thuyền. Những chiếc cộ bò đã chờ sẵn để vận chuyển cá về các cơ sở chế biến mắm hay những cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu. Ông Nguyễn Biển, Trưởng ban lạch Mỹ Quang, cười tươi cho biết: “Năm nay trời thương, bà con làm ăn rất được. Nếu con nước này kéo dài chừng đến tháng 3, ngư dân An Chấn sẽ thắng lớn”. Bà Trần Thị Hạnh, chủ một chiếc thuyền ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, cho biết: “Thuyền của gia đình tôi trúng được năm bữa nay, đêm nào làm được nhiều thu hơn 20 triệu đồng, đêm ít cũng 5-7 triệu. Ai cũng được cá cả nên cả làng đều vui”.
Mấy ngày nay, ngư dân các làng biển Nhơn Hội, Hội Sơn, Phú Thường của xã An Hòa (huyện Tuy An) như mở cờ trong bụng nhờ trúng cá cơm và mực. Ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Tuy An, cho biết năm nay bà con mở biển sớm. Bù lại trước tết biển động kéo dài, sau tết cá xuất hiện dày nên hầu hết các phương tiện lưới trủ đêm, pha xúc đều đánh bắt sản lượng khá. Hơn 70% trong gần 300 tàu thuyền ở xã An Hòa có thu nhập cao sau những chuyến biển từ đầu năm đến nay. Sản lượng đánh bắt hải sản của An Hòa từ sau tết đến nay hơn 200 tấn. Gần 200 hộ chuyên làm nghề chế biến nước mắm ở địa phương đã mua cá vào, phục vụ chế biến nước mắm.
Cá xuất hiện dày, gần bờ nên hầu hết tàu thuyền ở Tuy An đi cả ngày lẫn đêm, bình quân trong một ngày đêm, ngư dân đi hai chuyến, chuyến đầu từ 3-4 giờ chiều đến 9-10 giờ đêm cập bến; chuyến sau đi ngay trong đêm, đến 6-7 giờ sáng hôm sau trở về. Hầu như không có tàu thuyền nào trở về thuyền không.
Theo nhiều ngư dân ở Tuy An, sau những đợt trời trở gió nồm, cá cơm ốp vào sát bãi, mật độ khá dày. Ngư trường chỉ cách bờ 500- 600m, xa nhất cũng chỉ hơn 1 km. Một phương tiện pha xúc nếu gặp được luồng cá có thể khai thác được từ 200 đến 400 giỏ. Với giá bán trung bình tại bến 150.000 đồng/giỏ (loại 25 kg), mỗi phương tiện sau một đêm ra khơi có thể có thu nhập 10- 20 triệu đồng.
NHỘN NHỊP LÀM MẮM, CHẾ BIẾN CÁ XUẤT KHẨU
Niềm vui được mùa cá - Ảnh: N.LƯU
Ngư dân trúng đậm cá cơm đã tạo điều kiện cho hàng ngàn lao động ở Tuy An có việc làm bằng việc tham gia chế biến cá cơm xuất khẩu. Các cơ sở chế biến mắm cũng được dịp mua cá vào để chế biến. Bà Huỳnh Thị Tâm, chủ một cơ sở chế biến mắm ở Mỹ Quang, cho biết: “Mấy hôm nay, gia đình tôi đã mua vào mấy chục tấn cá cơm. Làm mắm mà mua được cá cơm ở biển mình, từ Sông Cầu đến giáp An Phú là nhất, bởi nước mắm làm ra có màu đỏ rất đẹp, thơm ngon, ít nơi sánh bằng. Cá được mùa nên giá cả cũng tương đối mềm”. Các cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu cũng nhộn nhịp không kém. Cá cơm xuất khẩu do các cơ sở mua với giá cao hơn, bình quân 200.000 đồng/giỏ loại 25kg. Tuy nhiên, quy trình bảo quản cá cơm xuất khẩu nghiêm ngặt hơn nên chỉ những thuyền lớn có hầm đá, có phuy mới làm được. Tại nhiều cơ sở chế biến cá cơm ở Tuy An, hàng trăm nhân công tất bật lựa cá, phơi cá. Bà Phan Thị Lộc, chủ một cơ sở chế biến cá cơm ở An Chấn, cho biết cơ sở này sản xuất nhộn nhịp năm ngày nay, những hôm rộ có đến cả trăm nhân công, mỗi công làm cả ngày và tối cũng được 100.000 đồng. Cả Mỹ Quang có 15 cơ sở chế biến cá xuất khẩu, mỗi ngày thu hút hơn 1.000 lao động tham gia chế biến.
Ông Nguyễn Thái Lâm, Trưởng thôn Mỹ Quang Nam, nói: “Năm nay trời thương, từ mùng 6 tháng giêng bà con ra khơi đã trúng cá và cá xuất hiện ngày càng dày, nhất là cá cơm xuất khẩu; trong khi thời điểm này năm ngoái biển đói, ngư dân rất khó khăn. Hiện mỗi cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu đã chế biến hơn 30 tấn cá. Ngoài ra, những chủ vựa tại xã An Chấn còn làm đầu mối mua gom cá cơm xuất khẩu từ Bình Định để xuất sang Đài Loan. Ngư dân trúng cá còn kéo theo những dịch vụ khác ở địa phương phát triển. Bà con chỉ mong niềm vui này được kéo dài, đời sống nhân dân thêm phần khấm khá”.
LÊ BIẾT