Thứ Sáu, 29/11/2024 00:35 SA
Ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh du lịch:
Nhịp cầu thân thiện với khách hàng
Thứ Tư, 11/02/2009 14:30 CH

Sàn giao dịch thương mại điện tử phục vụ du lịch không những chiếm được ưu thế trong việc mở rộng kênh tiếp xúc khách hàng và quảng bá sản phẩm cho du lịch, mà còn chứng tỏ trình độ kinh doanh, thương mại đã sẵn sàng hội nhập với thế giới.

 

Anh-Don-3.jpg

Khách hàng đăng ký tour du lịch tại Thuận Thảo Travel – Ảnh: M.NGUYỆT

 

CHƯA MẶN MÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

 

Thực tế cho thấy hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực du lịch của cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng chưa đồng đều, chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh du lịch còn khá khiêm tốn, chỉ mới ở việc gửi email, hoặc giới thiệu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp còn sử dụng rất hạn chế các công cụ tiện ích như e-mail, Internet… chưa xem trang web là công cụ hữu ích để tiếp thị hình ảnh của doanh nghiệp; nếu đã có trang web thì chưa sử dụng để làm công cụ đặt phòng, đặt tour nên số lượng đơn hàng qua mạng rất ít. Các nhà quản lý doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ thường hài lòng với hệ thống ghi chép, sổ sách thủ công, chưa có sự đầu tư, ứng dụng CNTT trong quản lý. Nhiều doanh nghiệp cho rằng trở ngại trong ứng dụng CNTT là vấn đề tài chính. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài xem CNTT là một công cụ không thể thiếu trong quản lý kinh doanh du lịch. Trong khi sự ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, kinh doanh của các tập đoàn du lịch nước ngoài đã đạt đến một chuẩn mực nhất định, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ mới bước đầu...

 

Các nhà kinh doanh du lịch chưa mặn mà với ứng dụng CNTT với nhiều lý do. Trước hết, đối với các doanh nghiệp lữ hành, khách hàng chủ yếu là khách nội địa, phần lớn ở độ tuổi 40 trở lên vẫn quen với cách giao dịch truyền thống tại chỗ hoặc qua điện thoại. Số khách giao dịch qua mạng hiện nay ở thế hệ trẻ chưa nhiều. Vì vậy, nếu mức đầu tư ban đầu cho việc xây dựng, vận hành một hệ thống thương mại điện tử ở các doanh nghiệp lớn khoảng 40 triệu - 50 triệu đồng được cho là rẻ, thì nhiều doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ lại đắn đo khi phải đầu tư 10 triệu - 20 triệu đồng cho một trang web.

 

GÂY ẤN TƯỢNG VỚI KHÁCH HÀNG

 

Khi ứng dụng CNTT, doanh nghiệp có thể nắm bắt nhiều thông tin về du khách. Khi du khách đặt phòng, nhân viên khách sạn chỉ cần vài thao tác là có thể biết rõ các thông tin này để gợi ý khách. Trong khi đó, nếu sử dụng phương pháp thủ công, như ghi sổ chẳng hạn, nhân viên, quản lý khách sạn khó có thể làm được như vậy. Du khách sẽ có ấn tượng rất tốt vì khách sạn vẫn nhớ đến các sở thích rất riêng tư của mình.

 

Việc thúc đẩy kinh doanh lữ hành qua mạng sẽ giúp dịch vụ lữ hành đi vào chiều sâu. Khách đặt tour qua mạng là đối tượng khách hàng tiềm năng, nhất là khách nước ngoài. Họ thường đặt tour cho nhóm hoặc gia đình với những yêu cầu tour tuyến, dịch vụ khác nhau tùy theo túi tiền, nhu cầu hưởng thụ riêng biệt chứ không theo chương trình thiết kế sẵn. Đây là cơ hội để các hãng lữ hành thực hiện những sản phẩm, dịch vụ linh hoạt, chuyên nghiệp hơn để thỏa mãn yêu cầu cao nhất của khách hàng.

 

Thương mại điện tử đang trở thành một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức mua sắm của con người và là “chìa khóa vàng” để tạo ra sự bứt phá cho du lịch. So với các kênh phân phối truyền thống, điểm đặc biệt của thương mại điện tử là tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng, giảm thiểu phí tổn vận tải với các đối tác kinh doanh, phí điện thoại, đi lại để thu thập thông tin khách hàng, phí trình bày giới thiệu…  Nhiều địa phương xây dựng trang thông tin chỉ dẫn về du lịch, đăng ký tour, liên hệ khách sạn, đặt phòng… xây dựng mô hình doanh nghiệp điển hình về ứng dụng CNTT, để doanh nghiệp có thể rút ra kinh nghiệm ứng dụng cho mình. Ngoài ra, hợp tác địa phương, trung ương trong việc hỗ trợ đào tạo lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng CNTT chuyên ngành du lịch.

 

Để thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng, các cơ sở du lịch ở Phú Yên nên xây dựng đội ngũ cán bộ ứng dụng CNTT bước đầu tốt nhất cho khai thác sử dụng các ứng dụng, tiến đến tự chủ việc phát triển ứng dụng cho cơ sở. Bên cạnh đó, Phú Yên nên phát triển các ứng dụng hợp tác các cơ sở làm du lịch như chung về hạ tầng du lịch (khai thác phòng nghỉ để nâng cao hiệu suất sử dụng), hợp tác khai thác tour được thiết kế tốt nhất, thúc đẩy phát triển du lịch lữ hành. Về phía cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, đề xuất ứng dụng, phát triển CNTT chủ yếu gồm hỗ trợ việc đào tạo đội ngũ cán bộ trong ngành du lịch ứng dụng CNTT một cách tốt nhất phục vụ trong ngành; xây dựng mô hình ứng dụng hiệu quả ở một số doanh nghiệp để phổ biến, nhân rộng; xây dựng cơ chế phối hợp hành động liên kết tạo ra thế mạnh của địa phương.

 

LÊ THANH PHƯƠNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek