Trong những ngày giáp tết, các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay trước hạn đối với các hợp đồng tín dụng lãi suất cao trước đây. Theo các chuyên gia ngân hàng, thị trường đang diễn ra cạnh tranh giảm lãi suất cho vay, đồng thời giữ mặt bằng lãi suất huy động hợp lý để tiếp tục gia tăng huy động vốn, đảm bảo thanh khoản ở mức cao đáp ứng nhu cầu chi trả cho khách hàng.
Khách hàng giao dịch tại Sacombank Phú Yên - Ảnh: N.Q |
Nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trước hạn đối với các hợp đồng tín dụng có lãi suất cao trước đây. Theo nhận định của một số lãnh đạo ngân hàng thương mại, nếu vì mục tiêu lợi nhuận mà cố giữ nguyên mức lãi suất cho vay cao, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp khó. “Phải điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với những khách hàng làm ăn có hiệu quả”- lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết.
Chỉ thị số 06 của Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng “xem xét điều chỉnh áp dụng lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành; không phạt do quá hạn trả nợ vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới”. Từ “xem xét” đưa ra trong chỉ thị này mang hàm ý: các ngân hàng tùy theo tình hình của mình để xem xét giảm, có lộ trình chứ không thể giảm mạnh ngay một lúc; bởi chính sách này liên quan đến hàng nghìn hợp đồng tín dụng, khó khăn do phải huy động lãi suất cao trước đó. Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp- phát triển nông thôn (Agribank) tại Phú Yên, cho biết hộ nông dân vay vốn trước 31/12/2008 đều được ngân hàng tự động giảm lãi suất xuống 12,72%/năm từ ngày 1/1/2009. Những hộ nông dân chưa nhận được thông báo khi đến đóng lãi cũng được ngân hàng tính lãi suất mới là 12,72%/năm từ tháng 1/2009.
Lần thứ hai trong hơn một tháng qua, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) quyết định giảm lãi suất cho vay VND trước hạn cho các hợp đồng lãi suất cao từ giữa năm 2008. Qua lần điều chỉnh mới nhất, lãi suất vay vốn của các hợp đồng cũ tại DongA Bank cao nhất từ 21%/năm lần lượt giảm xuống còn 18%/năm và hiện còn 16,5%/năm. Thông tin từ DongA Bank cho biết, từ ngày 1/2 tới, mức 16,5%/năm sẽ tiếp tục giảm xuống 15%/năm; từ ngày 1/3, lãi suất cho vay đối với các hợp đồng cũ sẽ tiếp tục được giảm xuống. Riêng các đối tượng thuộc diện ưu đãi sẽ được hưởng các mức lãi suất thấp hơn. Nhiều ngân hàng khác trên địa bàn Phú Yên như Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Đầu tư – Phát triển (BIDV)… cũng đã chủ động giảm lãi suất cho vay trước hạn đối với các hợp đồng cũ.
Do lãi suất giảm liên tục trong thời gian ngắn nên nhiều ngân hàng, nhất là khối ngân hàng thương mại cổ phần, khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn. Đại diện Sacombank cho rằng một số ngân hàng giảm lãi suất để “định hướng” thị trường, nhưng giảm quá sâu. Do đó, các ngân hàng khác nếu “chạy đua” theo sẽ gặp không ít khó khăn vì đang “gánh” một lượng vốn lớn huy động ở lãi suất cao. Theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng, lãi suất giảm quá nhanh nên rủi ro lãi suất là khó tránh khỏi. Việc các ngân hàng phải ứng phó vào lúc này là cần giảm nhanh lãi suất huy động, cơ cấu lại các nguồn vốn cũng như kỳ hạn cho vay. Tuy nhiên, khi lãi suất huy động giảm quá sâu, người dân sẽ không nghĩ tới việc đem tiền nhàn rỗi tới gửi ngân hàng nữa. Mặc dù hiện nay thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào nhưng nếu tình trạng này kéo dài cũng sẽ kéo theo những thách thức tiềm ẩn.
Hiện nay trong hệ thống ngân hàng có tình trạng hơi thừa thanh khoản song các ngân hàng cho rằng đây chỉ là dư thừa tạm thời. “Mức lãi suất bây giờ đã khá ổn, lãi suất mà giảm hơn nữa người gửi tiền sẽ không tập trung gửi vào ngân hàng. Xu thế lãi suất cơ bản giảm, sẽ kéo theo lãi suất cho vay, huy động giảm theo”- ông Trần Hữu Định, Phó giám đốc Agribank Phú Yên nói.
Quan điểm của chính sách điều hành thị trường là hướng dòng tiền này vào sản xuất - kinh doanh. Tiền nhàn rỗi có thể đi vào kênh chứng khoán hoặc bất động sản, với điều kiện các nhà đầu tư cần xác định đầu tư theo trung hạn. Với ngân hàng, việc giảm mạnh lãi suất cũng nhằm sớm đưa nhanh đồng vốn tới các doanh nghiệp, dự án làm ăn hiệu quả nên rất cần sự chia sẻ của cả người gửi tiền và doanh nghiệp. Phía các doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả thì mới vay được vốn ngân hàng.r
NGUYỄN QUANG