Thứ Sáu, 29/11/2024 15:37 CH
Những “rào cản” khiến người dân ngại vay vốn
Thứ Sáu, 09/01/2009 14:30 CH

Những quy định chặt chẽ của ngân hàng, nhiều rủi ro trong làm ăn...là những rào cản khiến người dân chưa tiếp cận nhiều với các nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. 

 

von-1090109.jpg

Hộ nghèo đang làm thủ tục vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Phú Yên  - Ảnh: Đ.PHÚ

 

VAY 3 NĂM CHO DỰ ÁN 6 NĂM

 

Nhận 2 ha đất rừng vào năm 2003, ông Lê Mẫn ở thôn 3 xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) vay Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) 15 triệu đồng, cùng với số vốn tích góp của gia đình ông đầu tư trồng rừng. Số cây rừng được hơn hai năm tuổi chưa kịp thu hoạch thì đợt bão năm 2005 đã làm gãy đổ gần hết. Ông Mẫn cặm cụi trồng lại. Qua tín chấp của Hội Nông dân, ông Mẫn vay tiếp Ngân hàng Chính sách xã hội 7 triệu đồng để đầu tư vào rừng. “Mức giá hiện nay cho mỗi tấn keo lá tràm thành phẩm khoảng 700.000 đồng. Với nghề trồng rừng, không thể tính lấy công làm lãi như trồng lúa vì khi thu hoạch phải tính đến trả vốn cho ngân hàng, cho các khoản vay của bạn bè, người thân để đầu tư cho rừng sau nhiều năm. Khó khăn của nghề trồng rừng là các ngân hàng chỉ cho vay trong thời hạn 2 – 3 năm, trong khi phải sau 5 – 6 năm mới có thể thu hoạch” – ông Mẫn cho biết.

 

Nhiều hộ trồng rừng ở các huyện miền núi Phú Yên thường ví von “làm nghề trồng rừng giống đem tiền đặt trên núi, đêm nằm ngủ không yên”, lúc nào trong họ cũng canh cánh nỗi lo thiên tai, hoạn nạn, kể cả đến kỳ thu hoạch cũng lo cháy rừng. Ông Nguyễn Văn Lực ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) có 3 ha rừng, cho rằng: Dân không dám vay nhiều, vì đầu tư vào rừng tương đối lớn, trong khi thời hạn cho vay ngắn nên nhân dân tự xoay xở vốn, cùng đường mới đến ngân hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội có mức lãi suất thấp nhưng chỉ có thể cho vay từng đợt, phân bổ về cho từng chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh nên đôi khi có thể vay vốn thì cơ hội làm ăn đã qua. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm của các hội, đoàn thể không dồi dào, thời hạn vay cũng không kéo dài nên nhiều hộ có phương án phát triển kinh tế dài hơi thường xuyên gặp bế tắc về nguồn vốn. Theo Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, chính sách từ Trung ương đã quy định thời hạn cho vay không kéo dài, vì đây là nguồn vốn hỗ trợ nông dân, lãi suất thấp nên cần quay vòng vốn nhanh để nhiều hộ dân được tiếp cận vốn, chưa thể tính đến dự án có kéo dài hay không.

 

CẢN NGẠI TỪ NHIỀU PHÍA

 

Gia đình bà Lê Thị Tâm, xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) đầu tư nuôi vịt lấy trứng được hai năm thì xảy ra dịch cúm gia cầm, đàn vịt gần 1.000 con đành bán đổ bán tháo chịu lỗ 12 triệu đồng. Mấy tháng sau, bà vay tiếp 10 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Đông Hòa để gầy dựng lại đàn vịt. Hiện nay, không vì dịch cúm, đàn vịt của bà cũng tan tác, từ 1.000 con chỉ còn 300 con, bởi giá thức ăn cho gia cầm tăng đến chóng mặt.  Bà Tâm nói: “Lúc này lãi suất ngân hàng có thể chấp nhận được nhưng chi phí cho thức ăn, thuốc phòng chống dịch bệnh lại quá cao nên không dám vay. Dù những ngày giáp Tết Nguyên đán giá thịt gia cầm có thể tăng đến mấy cũng không thể bù đắp đủ chi phí nuôi”.

 

Chấp nhận vay vốn làm ăn cũng là điều khó của nông dân khi lãi mẹ đẻ lãi con, người chăn nuôi lúc nào cũng lo rủi ro như thời tiết chuyển, dịch bệnh...

 

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hòa, cho biết, số hộ vay 10 – 20 triệu đồng từ ngân hàng ở địa phương này khá phổ biến, có nhiều hộ vay với số vốn lên đến 50 triệu đồng. Đến nay, tổng dư nợ hội đứng ra tín chấp để hội viên vay từ hai “kênh” vốn của Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 70 tỉ đồng. Nhiều nông dân vay vốn đã tạo được cơ hội làm ăn, nhưng số vốn vay hạn chế, thời hạn ngắn, nên đôi khi họ không dám làm hồ sơ xin vay, sợ không trả được nợ, trong khi những nghề họ định làm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, đại diện Agribank Đông Hòa lại khẳng định: Vốn đang có dấu hiệu bão hòa trong dân. Vì nông dân được tiếp cận nhiều vốn vay, lãi suất thấp.

 

Thông thường, một dự án phát triển kinh tế sẽ không cho vay hai kênh tín dụng khác nhau nhằm tránh chồng chéo. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân gặp cảnh dự án khá lớn, vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội lãi suất thấp nhưng không vay được nhiều (tùy vào địa phương được giải ngân nguồn vốn), khi làm tiếp hồ sơ để vay tiếp vốn tại Agribank lại không được vì chồng dự án. Những khó khăn đó khiến nông dân trở nên ít mặn mà với chuyện vay vốn làm ăn. Vì vậy, dù được vay vốn ở ngân hàng nào đi nữa với lãi suất thấp, hồ sơ được thẩm định nhanh, số vốn vay có thể giải quyết được dự án, mới thu hút được người nông dân mạnh dạn đầu tư và vươn lên làm giàu.

  

ĐẮC PHÚ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek