Thứ Tư, 02/10/2024 17:34 CH
Đầu tư cho miền Trung
Thứ Sáu, 09/01/2009 07:37 SA

Trong những ngày đầu năm 2009, thật bất ngờ, hầu hết các tỉnh miền Trung ngập chìm trong mưa lũ. Các cơn mưa trái mùa diễn ra liên tục, lượng mưa lớn khiến hàng chục ngàn ha lúa đông xuân vừa xuống giống mất trắng; nhiều người thiệt mạng; hàng ngàn gia đình đối diện với khó khăn trong khi Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đang đến gần. Rất nhiều nước mắt đã chảy...

 

nuoc-song-ba090109.jpg

Hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ vào mùa mưa nhưng sẽ thiếu nước vào mùa khô do thượng nguồn bị cạn kiệt  - Ảnh: N.T

 

Theo các nhà chuyên môn, trong suốt hàng chục năm qua, chưa bao giờ khu vực miền Trung lại xuất hiện lũ muộn như năm nay. Điều đặc biệt là ở một số địa phương có hiện tượng lũ muộn chồng lên... lũ muộn khiến lượng lúa giống dự trữ hoàn toàn cạn kiệt.

 

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng do lũ muộn gây ra trong những ngày qua đã phải chỉ đạo các địa phương trong tỉnh mở cuộc “săn lùng” lúa giống đến tận các làng, các xóm; đồng thời khẩn cấp kiến nghị Trung ương hỗ trợ lúa giống.

 

Thực tế ở nhiều nơi, để đảm bảo vụ lúa đông-xuân, bà con nông dân đã phải mang hàng ngàn tấn lúa để dành ăn dần ra làm... lúa giống mặc dù họ biết sẽ phải đối diện với tình trạng đói giáp hạt và vụ mùa tới năng suất sẽ thấp, chất lượng hạt gạo kém.

 

Thiên tai là “chuyện ông trời”, nhưng nếu hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn ở khu vực miền Trung không bị tàn phá dữ dội trong nhiều năm qua thì chắc chắn một lượng nước mưa khổng lồ sẽ được lưu giữ bên dưới hệ thống sinh thái rừng và mạch nước ngầm, dòng chảy sẽ chậm lại, thiệt hại sẽ giảm rõ rệt. Rừng đã bị tàn phá không thương tiếc và không ít người giàu lên trông thấy, nhà cao cửa rộng, trong khi biết bao người phải gánh chịu hậu quả thảm khốc, mất nhà mất cửa, thiệt hại nhân mạng do nạn phá rừng.

 

Với địa hình đặc thù có độ dốc cao, khác hẳn với khu vực đồng bằng sông Cửu Long trải dài với vùng hạ lưu rộng lớn nên những cơn lũ ở khu vực miền Trung diễn biến nhanh, gây thiệt hại lớn. Cơn lũ diễn ra cuối năm 1999 đã chia cắt hoàn toàn khu vực miền Trung là một điển hình. Chỉ sau một đêm mưa lũ, cả dải đất miền Trung dài dằng dặc đã chìm sâu trong nước lũ, hàng trăm người thiệt mạng, thiệt hại ước tính hàng ngàn tỉ đồng... Thế nhưng, sau đúng một thập niên mòn mỏi đợi chờ, vẫn chưa có một chiến lược toàn diện nào nhằm hạn chế thiệt hại do lũ gây ra.

Như một đòi hỏi tất yếu, rừng phải được phục hồi bởi rừng là “lá chắn” hữu hiệu nhất đối với các cơn mưa lũ đổ về từ thượng nguồn. Việc quy hoạch và xây dựng các đập nước, các hồ chứa thủy điện cũng phải được tính toán khoa học hơn nhằm hạn chế tình trạng xâm phạm dòng chảy tự nhiên, gây biến đổi sinh thái. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc đối với tình trạng khai thác cát, đá trên các dòng sông gây xói lở nghiêm trọng. Mặt khác, công tác dự báo cũng cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn để góp phần giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực miền Trung.

 

TÔ ĐÌNH TUÂN - (SGGP)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek