Thứ Bảy, 30/11/2024 17:55 CH
Tạo đột phá trong huy động, sử dụng vốn đầu tư xã hội
Thứ Ba, 23/12/2008 14:30 CH

Năm 2009, Phú Yên phấn đấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 40,1% so với năm trước nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP 13,5%. Chỉ ra “địa chỉ” các nguồn huy động vốn đầu tư xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Hiến cho biết:

 

Cau-An-Hai-1-081223.gif

Công trình xây dựng cầu An Hải (huyện Tuy An) - một trong những dự án huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: D.T.X

 

Kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua đã thể hiện quyết tâm đạt mức tăng trưởng GDP 13,5%, là mức phấn đấu cao của tỉnh ta. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu quan trọng này, nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có vai trò rất quan trọng, phải huy động được từ 8.000 - 8.500 tỉ đồng. Trên cơ sở tính toán cân đối các nguồn đầu tư, chúng tôi dự tính khả năng huy động vốn đầu tư phát triển xã hội của tỉnh có thể đạt 8.370 tỉ đồng, bao gồm các nguồn như sau: Vốn đầu tư huy động tại địa phương 3.226 tỉ đồng, chiếm 38,5%, trong đó từ ngân sách do tỉnh quản lý 906 tỉ đồng, của các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh 40 tỉ đồng, của dân và doanh nghiệp ngoài nhà nước 2.200 tỉ đồng. Vốn đầu tư của các bộ, ngành Trung ương quản lý đầu tư trên địa bàn tỉnh khoảng 700 tỉ đồng, chiếm 8,3%. Vốn đầu tư của ODA, NGO: 244 tỉ đồng, chiếm gần 3%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 4.200 tỉ đồng, chiếm trên 50%.

 

Như vậy so với năm trước, nguồn vốn đầu tư huy động năm 2009 sẽ tăng 40,1%, trong đó các nguồn tăng cao nhất là vốn FDI tăng hơn 2 lần (năm vừa qua đạt 1.950 tỉ đồng), vốn ODA và NGO tăng 22%, vốn ngân sách do tỉnh quản lý tăng 16,7%, vốn đầu tư trong dân và doanh nghiệp ngoài nhà nước tại địa phương tăng 16,2%, nguồn vốn từ các bộ, ngành trung ương đầu tư tại tỉnh giảm 30%.

 

* Vốn FDI chiếm vị trí rất quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư xã hội của tỉnh. Song có một thực tế là nguồn vốn này thường giải ngân chậm. Làm thế nào để thúc đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn này?

 

- Năm vừa qua, vốn FDI chỉ chiếm 32,6% trong tổng vốn đầu tư xã hội của tỉnh. Năm 2009, nguồn vốn này chiếm trên 50% trong chỉ tiêu huy động vốn đầu tư xã hội. Đó là chúng ta dựa vào các dự án FDI có quy mô lớn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư như dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (1,7 tỉ USD), dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên (4,3 tỉ USD) và dự án KCN hóa dầu Hòa Tâm. Để giải ngân nguồn vốn FDI quan trọng này, về phía tỉnh, chúng ta phải sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Công việc này tùy thuộc vào tiến độ thực hiện công tác đền bù thu hồi đất, hỗ trợ di dời, tái định cư. Hiện nay, các công việc đó đang được các ngành và địa phương tiến hành khẩn trương, nếu chúng ta làm tốt phần việc thuộc trách nhiệm của mình thì khả năng huy động nguồn vốn FDI còn tăng cao hơn nữa.

 

* Trong nguồn vốn đầu tư tại chỗ, huy động vốn của dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm phần lớn. Đâu là giải pháp để huy động nguồn vốn này?

 

- Trong số những giải pháp chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, chúng tôi có nhấn mạnh đến giải pháp cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư. Đây là những giải pháp nhằm huy động tối đa vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế, tham gia phát triển hạ tầng với hình thức đầu tư phù hợp như BOT, BTO, BT. Chúng tôi tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương của Chính phủ và điều kiện thực tế của tỉnh; hoàn thiện chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên; nghiên cứu xây dựng các chính sách về hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào của các dự án nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục chứng nhận đầu tư. Qua chủ trương khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, dự báo năm 2009 sẽ có 300 doanh nghiệp được thành lập với vốn đăng ký 1.250 tỉ đồng.

 

* Do giá cả vật liệu xây dựng biến động, nên năm qua có nhiều công trình, dự án không bảo đảm tiến độ, làm cho hiệu quả đầu tư không cao. Theo ông, cần có những biện pháp gì để khắc phục tồn tại trên nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư?

 

- Ngoài nguyên nhân khách quan về biến động giá cả các mặt hành xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, tồn tại trong đầu tư xây dựng cơ bản còn có nguyên nhân chủ quan từ các chủ đầu tư, sự phối hợp giữa các sở ngành liên quan trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Do vậy trong chỉ đạo, điều hành quản lý dự án, các chủ đầu tư và cơ quan chức năng cần quan tâm điều chỉnh giá, hợp đồng xây dựng để giải ngân vốn cho nhà thầu kịp thời, thúc đẩy tiến độ thi công công trình, dự án. Một điểm lưu ý là công tác chuẩn bị dự án đầu tư mất nhiều thời gian do hồ sơ không bảo đảm yêu cầu, phải mất thời gian chỉnh sửa nhiều lần. Vì vậy, cần chú trọng lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm, nhân lực để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư, thanh kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án.

 

* Xin cám ơn ông!

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek