Theo đánh giá của Chi cục Thú y Phú Yên, trong đợt 2 tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, nếu như tỉ lệ tiêm mũi 1 ở vịt đạt 98,5% thì mũi 2 chỉ đạt 48%. Nguyên nhân là một số người nuôi vịt tơ chưa thực sự quan tâm đến việc tiêm phòng, và một lượng vịt tơ sau khi tiêm mũi 1 đã bị giết thịt hoặc chuyển đến nơi khác.
Một điểm chăn nuôi vịt đẻ ở Đồng Xuân - Ảnh: H.NAM |
MŨI 1 THUẬN LỢI
Đối với gà > 5 tuần tuổi, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đạt 99%, trong đó có 7 huyện, thành phố tiêm phòng đạt tỉ lệ 100%, riêng huyện Tây Hòa chỉ đạt 96%.
Kết quả tiêm phòng cúm gia cầm đợt II/2008 ở các đàn vịt, TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa là hai địa phương đạt tỉ lệ 100%. Người chăn nuôi vịt ở hai địa phương trên rất quan tâm đến vấn đề phòng bệnh. Bà Nguyễn Thị Kim Bích, một người nuôi vịt trên 10 năm, chủ đàn vịt 5.200 con ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) nói: “Tôi nuôi đàn vịt đẻ 1.500 con và mới nuôi thêm 3.700 con vịt tơ. Số vịt tơ này để bổ sung vô đàn vịt đẻ. Đến đợt tiêm phòng, dù có cho vịt chạy đồng ở xa, tôi cũng cố gắng đưa về địa phương tiêm phòng”. Bà Bích nhận thức rằng việc tiêm phòng cúm gia cầm không chỉ giữ cho đàn vịt sạch bệnh mà quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe cho người. Còn ông Nguyễn Văn Nhẫn, một chủ vịt ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) nói: “Đàn vịt đẻ của tôi tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm gia cầm. Bỏ ra gần 100 triệu đồng mới có đàn vịt, nếu không tiêm phòng, lỡ xảy ra dịch bệnh thì “ôm” nợ…”.
Theo thống kê của Chi cục Thú y Phú Yên, trong đợt 2 tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho vịt, có 48 xã, phường, thị trấn và trại chăn nuôi đạt tỉ lệ 100%; còn 6 xã là Hòa Thành, Hòa Vinh, Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa), tỉ lệ tiêm phòng đạt từ 93-99%. Nguyên nhân là một số đàn vịt tiêm phòng bổ sung đợt I/2008 đến nay chưa đủ thời gian tiêm đợt II. Số đàn vịt này được hai trạm thú y Đông Hòa và Tây Hòa chủ động tiêm bổ sung sau khi đúng thời gian quy định về khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2.
Ông Trương Văn Bình, Trưởng trạm Thú y huyện Tây Hòa cho biết: “Việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm không chỉ theo con số thống kê từ đầu năm mà theo số gà vịt hiện có”. Ông Bình phân tích, số lượng đàn vịt của các hộ nuôi biến động từng tháng; có người chăn nuôi bán xả đàn vịt, có người mua hoặc ấp nở gầy đàn. Do đó khi tiêm phòng phải thống kê con số hiện có để tiếp nhận vắc xin, tiêm đúng liều và đủ số lượng. Trường hợp người nuôi mới mua đàn vịt hoặc ấp nở gầy đàn và mới tiêm phòng mũi 1, chưa đủ thời gian tiêm phòng mũi 2 thì cán bộ thú y xã mở sổ theo dõi cụ thể, tránh để sót.
MŨI 2 KHÓ KHĂN
Theo đánh giá của Chi cục Thú y Phú Yên, một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm mũi 2 còn thấp, chỉ chiếm 48%, là có một số vịt sau khi tiêm phòng mũi 1 đã được bán hoặc chuyển đi nơi khác.
Hiện nay, có nhiều người nuôi vịt tơ dưới 5 tuần tuổi với số lượng tương đối lớn để bán trong dịp Tết. Toàn tỉnh có 15.150 con vịt dưới 5 tuần tuổi, tập trung ở các huyện Tuy An, Tây Hòa và Đông Hòa. Huyện Tuy An là địa phương có số lượng vịt dưới 5 tuần tuổi lớn nhất, với 10.950 con, trong đó xã An Mỹ có 6.800 con, An Ninh Tây: 2.350 con, An Cư: 1.800 con… Một số người nuôi vịt tơ chưa thực sự quan tâm đến việc tiêm phòng. Để quản lý chặt chẽ số vịt chưa tiêm phòng mũi 2, bà Đỗ Thị Đậu, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên cho biết: “Đối với các địa phương có tỉ lệ tiêm phòng mũi 2 ở vịt chưa cao, Chi cục Thú y đề nghị thành lập các tổ giám sát, có biện pháp quản lý các hộ chăn nuôi đã vận chuyển vịt đi nơi khác”.
Sau khi tiêm phòng đợt II/2008, Chi cục Thú y lấy 900 mẫu huyết thanh vịt, gà xét nghiệm.Với các đàn vịt có tỉ lệ bảo hộ thấp < 70%, Chi cục Thú y đề nghị các địa phương tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục trong đợt tiêm phòng sau.
MẠNH HOÀI