Thứ Sáu, 04/10/2024 08:26 SA
“Khoảng trống” giữa ngân hàng và nông dân
Thứ Sáu, 12/12/2008 07:25 SA

Nhiều nông dân sau khi vay vốn sản xuất, vì lý do khách quan như thiên tai, thị trường biến động...đã không còn vốn làm ăn. Họ có nhu cầu lớn về vốn để sản xuất tiếp và trả nợ cũ, nhưng theo quy định, ngân hàng không thể cho vay. Đây thực sự là một “khoảng trống” không dễ xóa bỏ?    

 

vay-tieu-dung-2-081212.jpg
Khách hàng giao dịch tại Agribank TP Tuy Hòa   – Ảnh: N.QUANG

 

Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Chi nhánh Agribank tại Phú Yên khẳng định: “Không thiếu vốn cho sản xuất nông nghiệp và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhà nông; cụ thể ngân hàng sẽ dành 70% - 75% vốn kinh doanh của chi nhánh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn”.

Để vay 10 triệu đồng làm vốn đầu tư trồng 3 sào hoa lay ơn bán vào dịp Tết Nguyên đán, ông Trần Ngọc Chánh ở thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) phải cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) TP Tuy Hòa. Tuy nhiên, sau hai đợt lũ vừa qua, nước ngập đã khiến  80% củ hoa của ông Chánh bị thối rễ và bây giờ số vốn vay ở ngân hàng thật sự trở thành một gánh nặng đối với gia đình ông. “Định cải tạo đất trồng các loại rau ngắn ngày mong gỡ gạc lại mất mát do lũ lụt gây ra. Ngặt nỗi tìm đâu ra tiền mua phân, thuốc, hạt giống. Vay nóng bên ngoài thì lãi suất cao quá, còn vay tín chấp thông qua Hội Nông dân xã thì phải thành lập tổ, tốn nhiều thời gian, trễ thời vụ mất. Trông chờ thu nhập mấy tháng cuối năm coi như không còn” – ông Chánh than thở.

 

Hộ bà B. T. N ở thôn 2, xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) cũng lao đao không kém. Để cải thiện cuộc sống gia đình, đầu năm 2007 bà N vay 20 triệu đồng tại Agribank huyện Đông Hòa để xây dựng chuồng trại nuôi heo. Để vay được số tiền trên bà N phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.500m2 đất thổ cư và nhà ở cho Agribank Đông Hòa. Lứa heo đầu tiên chuẩn bị xuất chuồng, đợt dịch tai xanh hoành hành khiến giá heo hơi rớt thê thảm. Bà N cho biết: “10 con heo thịt xuất bán lứa đầu tiên tôi lỗ gần 10 triệu đồng. Từ đó đến nay tôi chỉ nuôi cầm chừng 2 – 3 con vì “đứt” vốn, chuồng trại đành bỏ trống”. Dự đoán thời điểm cuối năm sức tiêu thụ trên thị trường tăng lên, dù lãi suất ngân hàng vẫn còn cao nhưng tháng 9 vừa rồi bà N làm đơn xin gia nhập tổ vay vốn của Hội Nông dân xã để vay 10 triệu đồng bằng hình thức tín chấp để chăn nuôi gà, vịt. Thế nhưng, kế hoạch chăn nuôi của bà lại bị “ách” lại vì Agribank Đông Hòa không cho vay. Theo bà N, bà không được Agribank xem xét cho vay là do còn nợ 20 triệu đồng đã vay trước đó vẫn chưa trả, nay muốn vay mới thì phải trả hết nợ cũ. Bà N buồn rầu nói: “Bây giờ chuồng trại bỏ trống, “sổ đỏ” thì “treo” ở ngân hàng không biết khi nào chuộc lại”.

 

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hòa, cho biết địa phương này hiện có trên 4.700 hộ nông dân vay vốn bằng hình thức tín chấp thông qua nghị quyết liên tịch giữa Agribank và Hội Nông dân với số tiền 54 tỉ đồng, giảm 760 triệu đồng và  350 hộ so với đầu năm 2008. Một trong những nguyên nhân khiến số hộ vay giảm là do  nhiều nông dân còn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

 

Một cán bộ của Agribank nói: “Nhu cầu vay vốn sản xuất của hầu hết nông dân là hoàn toàn chính đáng và hệ thống Agribank sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, có những trường hợp có “nhu cầu ảo”. Quá trình thẩm định của cán bộ ngân hàng cho thấy nhiều trường hợp nông dân chỉ kêu suông, họ chưa chuẩn bị kế hoạch đầu tư thiết thực mà vẫn đặt vấn đề vay vốn. Đúng là họ có nhu cầu vay nhưng nguyện vọng vay cao hơn nhiều so với nhu cầu vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, số vốn còn lại dự định vào việc khác, ví dụ như tiêu dùng. Đối với những trường hợp này, chúng tôi nhận thấy khả năng trả nợ của khách hàng là không thuyết phục, do đó phải điều tiết số tiền cho vay ở mức hợp lý”.

 

Nhiều ý kiến cho rằng tâm lý trông chờ, sự thụ động của không ít nông dân đã khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư sản xuất. Hều hết các ngân hàng căn cứ vào tài sản thế chấp, mục đích sử dụng đồng vốn để quyết định ký hợp đồng tín dụng cho khách hàng. Nếu nông dân đưa ra được những hoạch định kinh tế khả thi thì ngân hàng có thể đáp ứng.

 

VÂN NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek