Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình và sáng kiến thành công tại các địa phương trong quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa. Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến của các đại biểu, chuyên gia lĩnh vực môi trường về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.
ÔNG LẠI ĐỨC NGÂN, PHÓ PHÒNG KIỂM SOÁT TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN, HẢI ĐẢO (CỤC BIỂN VÀ HẢI ĐẢO, BỘ TN&MT): Biến nhận thức thành ý thức tự giác
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km, với 114 cửa sông đổ ra biển, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa, Trường Sa. Vùng biển Việt Nam có diện tích gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm khoảng 30% diện tích biển Đông và đã góp phần to lớn trong việc phát triển các ngành kinh tế biển.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế nhưng không làm suy thoái các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái của biển, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế biển đã kéo theo nhiều sức ép, ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển, ven biển.
Để giảm thiểu rác thải nhựa hiệu quả, các địa phương ven biển cần tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trên biển. Mặt khác, các địa phương cần đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền, nhất là từ các lưu vực sông. Tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm về khai thác tài nguyên, môi trường biển.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về ý thức khai thác bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần biểu dương, khen thưởng, vinh danh kịp thời những tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
ÔNG NGUYỄN AN PHÚ, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TN&MT: Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa
Phú Yên có đường bờ biển dài gần 190km, với 4 đầm vịnh, 16 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và nhiều hệ sinh thái biển đặc sắc, phong phú. Đây chính là mục tiêu và cũng là động lực để tỉnh tham gia Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Bộ TN&MT phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện từ năm 2020-2025.
Đối với dự án này, đến nay tỉnh đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần. Các mô hình đều đạt hiệu quả cao, đặc biệt là sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư tạo nên những chuyển biến tích cực ban đầu, làm tiền đề và tạo động lực cho các hoạt động phân loại, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn…
Để tiếp tục triển khai thành công chương trình giảm nhựa, việc tạo kết nối, gắn kết giữa các bên liên quan, các tổ chức quốc tế với địa phương là rất quan trọng. Sự gắn kết này sẽ góp phần hỗ trợ nguồn lực để cải thiện hệ thống thu gom, triển khai các mô hình và sáng kiến địa phương cùng nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến các nhóm kinh doanh dịch vụ du lịch, hàng quán ăn uống, chuỗi siêu thị, nhà hàng hay chợ dân sinh… nhằm giảm thiểu một cách triệt để đồ nhựa dùng một lần.
Tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp tránh tái nhiễm tại các khu vực điểm nóng về rác thải, rác thải nhựa, nhất là rác thải nhựa đại dương, đầm vịnh, vùng ven biển. Tỉnh cũng đang triển khai các hoạt động vận động ngư dân mang rác về bờ cả hai trường hợp nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo trong công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng trong thời gian tới.
BÀ NGUYỄN THỊ DIỆU THÚY, GIÁM ĐỐC DỰ ÁN GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG TẠI VIỆT NAM: Tiếp tục đồng hành cùng địa phương
Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam được triển khai tại 10 địa phương trong cả nước. Đến nay, Phú Yên đã thực hiện thành công nhiều mô hình thí điểm về bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần.
Các mô hình đạt hiệu quả cao như Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử về các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa ở các địa phương ven biển, nhất là đầm vịnh; Trường học không rác; Phân loại rác và xử lý rác trong cộng đồng bằng thùng ủ; Vận động ngư dân mang rác vào bờ; Ngư dân nuôi trồng thủy sản vịnh Vũng Rô tham gia hưởng ứng thu gom chất thải từ nuôi trồng thủy sản; Xóa các điểm nóng và cải thiện môi trường tại khu vực Hòn Yến; Chiến dịch làm sạch biển Phú Yên; Làm túi từ lưới đánh cá cũ; Giảm thiểu rác thải nhựa ở siêu thị, trung tâm thương mại; Quản lý rác thải tại TP Tuy Hòa…
Chính các nỗ lực tổng thể từ các bên liên quan đã tạo động lực cho dự án tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa. Dự án kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển; bảo tồn đa dạng sinh học môi trường biển; nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về mối liên quan giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường và sức khỏe; nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải, rác thải nhựa đại dương.
BÀ ĐÀO THỊ KIM CHI, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỞ TN&MT): Tiến tới nói không với túi ni lông
Dự án giảm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam triển khai tại Phú Yên đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Dự án không chỉ góp phần hỗ trợ nguồn lực để cải thiện hệ thống thu gom, thí điểm các mô hình và sáng kiến địa phương mà còn giúp kết nối các bên liên quan vì nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Dự án còn giúp người dân thay đổi hành vi, dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần.
Mục tiêu đến năm 2025 theo kế hoạch quản lý rác thải nhựa của tỉnh là nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng; giảm được 50% tổng lượng rác thải nhựa phát thải ra biển và đại dương; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; giảm thiểu, thu gom, xử lý 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ; 80% khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Để đạt được những mục tiêu này, Phú Yên mong muốn dự án tiếp tục thúc đẩy công tác cải thiện và mở rộng hệ thống thu gom trên địa bàn tỉnh; tập trung mô hình thí điểm phân loại rác và xử lý rác sau phân loại; nghiên cứu và thí điểm việc áp dụng chính sách giảm, tiến tới nói không với túi ni lông tại chuỗi siêu thị và hệ thống trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.
Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam được triển khai tại 10 địa phương trong cả nước. Đến nay, Phú Yên đã thực hiện thành công nhiều mô hình thí điểm về bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần. |
ANH NGỌC (ghi)