Sở NN&PTNT đang tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị hiện trường trồng rừng và các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, nhằm đảm bảo mùa trồng rừng mới đạt hiệu quả cao.
Kiểm tra cơ sở sản xuất giống cây trồng
Chi cục Kiểm lâm vừa lập đoàn công tác kiểm tra kết quả sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024. Mục đích là nâng cao việc quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; kịp thời xử lý, chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp không đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Theo Chi cục Kiểm lâm, trong đợt kiểm tra lần này, đoàn công tác kiểm tra 18 cơ sở sản xuất giống tại các huyện Tuy An, Sông Hinh, Tây Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa và TX Đông Hòa. Toàn tỉnh hiện có 43 vườn cây giống keo lai và 4 vườn (keo lá tràm, keo tai tượng, keo lá liềm) giống đầu dòng được công nhận, còn hạn sử dụng trong năm 2024.
Đoàn kiểm tra đánh giá giống cây trồng lâm nghiệp, được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở về giống cây trồng lâm nghiệp. Đối với cây giống trong bình mô, cơ sở phải sản xuất từ giống được công nhận, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây mầm mô. Đối với hom giống, cành ghép, mắt ghép, cơ sở sản xuất phải lấy từ vườn cây đầu dòng, cây trội được công nhận còn thời hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về hom giống, cành ghép, mắt ghép. Đối với lô cây giống, cơ sở sản xuất phải lấy từ cây trong bình mô hoặc giống được thu hái từ nguồn giống đã được công nhận, còn thời hạn sử dụng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây giống.
Ông Huỳnh Ngọc Hân, chủ cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tại xã An Định, huyện Tuy An cho biết, cơ sở của ông trồng cây giống nhiều năm qua và luôn tuân thủ các quy định của các cơ quan chức năng. Hiện cơ sở của ông Hân có 800.000 cây giống, đã xuất bán 400.000 cây, đảm bảo chất lượng, phục vụ nhu cầu của chủ rừng.
“Công tác kiểm tra được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định; đảm bảo chính xác khách quan, trung thực, hiệu quả, đạt mục đích đề ra. Dựa vào kết quả kiểm tra, chúng tôi kết luận những cơ sở sản xuất thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, những cơ sở còn thiếu sót. Từ đó, chúng tôi đề xuất biện pháp khắc phục thiếu sót trong công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu trồng rừng hằng năm của ngành Lâm nghiệp”, ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết.
Sẵn sàng cho mùa trồng rừng mới
Để chuẩn bị cho mùa trồng rừng mới, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; các doanh nghiệp trồng rừng; đơn vị kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố đã sớm có kế hoạch, báo cáo kết quả chuẩn bị hiện trường trồng rừng.
Theo đó, diện tích trồng rừng toàn tỉnh trong năm 2024 gần 4.468,8ha; trong đó, trồng rừng thay thế hơn 88,4ha, trồng rừng đặc dụng hơn 39,5ha, trồng rừng phòng hộ hơn 5,8ha, trồng rừng sản xuất hơn 43ha. Diện tích trồng mới rừng sản xuất hơn 140,8ha; trồng lại rừng sản xuất, phòng hộ của các công ty, các ban quản lý hơn 1.718ha; trồng mới và trồng lại rừng sản xuất của hộ gia đình hơn 2.521,5ha.
Hiện nay, các ban quản lý rừng, công ty trồng rừng trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị hiện trường trồng rừng thông qua việc phát dọn thực bì, cuốc hố, hợp đồng mua cây giống để tiến hành trồng rừng năm 2024 trong thời gian tới, đảm bảo đúng mùa vụ trồng rừng và theo các hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân, công tác chuẩn bị trồng rừng cũng đã được triển khai cơ bản như: phát dọn thực bì, cuốc hố, mua cây giống để trồng rừng mới và trồng lại rừng sau khai thác theo đúng quy định.
Cây giống sử dụng trồng rừng trong năm 2024 chủ yếu là keo lai, bạch đàn… Ngoài ra, một số đơn vị còn sử dụng sao đen, giáng hương, lim xanh, giổi xanh, dầu rái (Đồng Xuân); gõ đỏ (Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai); quế, giổi (Sơn Hòa); thủy tùng, giáng hương, giổi hạt, trâm trái, huỳnh đàn, xoan đào, gáo vàng, gù hương, ươi (Công ty TNHH Đô Thị Xanh Phú Yên).
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hầu hết cây giống các đơn vị chuẩn bị để trồng rừng được mua từ các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định, đảm bảo chất lượng cây con phục vụ trồng rừng năm 2024.
“Qua kiểm tra, các đơn vị trồng rừng chủ động chọn giống cây trồng có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng theo Nghị định 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ và các tiêu chuẩn Việt Nam về các loại cây trồng, đồng thời tranh thủ mùa vụ trồng rừng triển khai trồng theo kế hoạch đã đăng ký, đảm bảo diện tích trồng rừng năm 2024 đạt kế hoạch”, ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
Hiện nay, Hạt Kiểm lâm phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp chủ động thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình trồng rừng mới và trồng lại sau khai thác năm 2024 đảm bảo hoàn thành theo chỉ tiêu, kế hoạch đầu năm đề ra.
Tiếp diễn hiện tượng khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có sự chủ động tăng cường, kết quả đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 125 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 56 vụ, tương ứng 30,9% so với cùng thời điểm năm 2023). Tuy số vụ vi phạm giảm hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn xảy ra hiện tượng khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng dẫn đến giảm diện tích rừng.
Nguyên nhân là do địa bàn rừng rộng, lực lượng kiểm lâm viên mỏng, mặc dù đã rất cố gắng bám sát địa bàn nhưng phương thức hoạt động của các đối tượng vi phạm tinh vi nên vẫn còn xảy ra các vụ vi phạm phá rừng, khai thác gỗ trái phép, khai thác gỗ, đốt than ở các địa bàn do Ban Quản lý rừng Krông Trai, các ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, Sông Cầu, Đồng Xuân và Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả quản lý.
Chi cục Kiểm lâm đã chuyển xử lý hình sự 15 vụ, xử lý hành chính 120 vụ, tịch thu 94,692m3 gỗ các loại, phạt tiền và bán tang vật tịch thu hơn 1 tỉ đồng.
Hiện nay, lực lượng quản lý bảo vệ rừng tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng và giá trị của rừng. Theo thống kê công tác tuyên truyền trực tiếp là 325 lượt/8.121 người tham gia; phối hợp đài truyền thanh phát loa tuyên truyền 1.833 lượt về công tác bảo vệ rừng và các văn bản về Luật Lâm nghiệp; 1.216 hộ gia đình sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; tuyên truyền lưu động bằng loa 66 lượt; phát 10.260 tờ rơi tuyên truyền.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp UBND xã, chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng 1.873 đợt/3.553 lượt, nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng.
TRẦN NGÔ |
NGÔ NHẬT