Thực hiện Đề án xây dựng vùng cây ăn trái gắn với chế biến hàng hóa, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành được các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Sau hơn 2 năm triển khai, hiện diện tích cây trái toàn tỉnh ước đạt 7.210ha, tăng 43ha (0,6%); sản lượng 52.500 tấn, tăng 13.430 tấn (37,8%) so với năm 2021.
Hình thành vùng chuyên canh
Theo Sở NN&PTNT, Đề án xây dựng vùng cây ăn trái gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030 (gọi tắt là đề án) đã làm thay đổi cách thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong phát triển cây ăn trái; thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân trong phát triển kinh tế vườn, cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái, hình thành các vùng chuyên canh.
Tại huyện Sông Hinh, nếu như trước đây người dân chỉ tập trung trồng tiêu, sắn, mía, thì những năm gần đây, được sự định hướng, vận động, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân đã từng bước chuyển sang trồng các loại cây ăn trái. Đến nay, huyện miền núi này đã hình thành các vùng trồng cây ăn trái chất lượng cao, với tổng diện tích gần 1.800ha, sản lượng đạt 20.000 tấn.
Bà Lý Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Huyện đã xây dựng nhiều mô hình trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao tại 11 xã, thị trấn; đặc biệt là cây sầu riêng. Hiện diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện trên 600ha, gồm các giống chất lượng như Ri6, Mongthong, Musaking.
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ phát triển gần 75ha cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư trồng một số loại cây ăn trái có múi và các loại cây trồng khác như: nhãn, mít thái, ổi, bơ, xoài…
Tương tự, với định hướng và chính sách hỗ trợ phù hợp, diện tích cây ăn trái huyện Phú Hòa đã tăng lên gần 1.200ha, hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung như: khóm, mãng cầu, mít… tại các xã Hòa Quang Bắc, Hòa Định Tây, Hòa Hội.
Theo ông Võ Đăng Duy, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Hòa, thực hiện đề án, các xã tăng cường chuyển sang trồng cây ăn trái. Nhiều giống chất lượng được đưa vào trồng, giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác được nâng lên kéo theo thu nhập, đời sống người dân cũng tăng so với trước đây.
Ông Nguyễn Minh Thân ở thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang Bắc, phấn khởi nói: “Năm 2018, khi thấy một số gia đình trồng cây ăn trái phát triển thuận lợi, tôi quyết định chuyển 1,5ha đất trồng keo sang trồng mít. Bình quân, 1 cây mít sẽ cho thu hoạch khoảng 30-40 trái, mỗi trái nặng từ 5-20kg, bán với giá 12.000-15.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu nhập hơn 350 triệu đồng”.
Hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu
Đánh giá tại hội nghị tổng kết sản xuất trồng trọt năm 2023, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Việc triển khai thực hiện đề án đã thúc đẩy người dân mạnh dạn chuyển đổi trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao trên các vùng đất có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Sản phẩm từ cây ăn trái đem lại thu nhập cao, góp phần giải quyết khó khăn, nâng cao kinh tế hộ cho người trồng, cung cấp sản phẩm xanh, sạch và an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện diện tích cây ăn trái vẫn còn nhỏ lẻ, một số diện tích trồng ở xa, trên đồi núi, đi lại khó khăn; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh thấp; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nên phần lớn sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh chưa có đầu ra ổn định.
Để mở rộng vùng trồng cây ăn trái chất lượng cao, ngành Nông nghiệp đã có văn bản đề nghị xây dựng chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt và được UBND tỉnh thống nhất, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12 tới. Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã và đang tiếp tục hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu.
Theo ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, hằng năm, huyện chỉ đạo phòng NN&PTNT sử dụng kinh phí khuyến nông và các nguồn vốn đầu tư khác để cung ứng cây giống, mở rộng diện tích trồng, hỗ trợ hệ thống tưới, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật…
“Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các mô hình trồng cây ăn trái theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu. Cùng với đó, huyện sẽ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây ăn trái tập trung, xây dựng thương hiệu, kết hợp với du lịch sinh thái để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ từ nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân”, ông Huy cho hay.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Tỉnh đã hỗ trợ và xây dựng được 5 thương hiệu cây ăn trái, trong đó có 4 nhãn hiệu tập thể (khóm Đồng Din, bơ Sơn Thành, dưa hấu Hòa Hội, dừa xiêm Đa Lộc) và 1 nhãn hiệu thông thường (mãng cầu dai Ngọc Sơn); kiểm tra, cấp mã số 4 vùng trồng xuất khẩu đối với sản phẩm sầu riêng và 1 mã vùng trồng nội địa đối với sản phẩm dưa hấu; hướng dẫn đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh với 19 sản phẩm cây ăn trái đạt OCOP 3-4 sao.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục xét công nhận một số sản phẩm từ cây ăn trái. Tất cả sản phẩm đạt chất lượng OCOP sẽ được đưa lên wesite thương mại điện tử của tỉnh để giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để người tiêu dùng cả nước biết đến.
Mục tiêu đề án đến năm 2025, tập trung phát triển diện tích cây ăn trái khoảng 8.000ha và đạt 10.000ha vào năm 2030; phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và tạo vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến. Đồng thời tạo liên kết bền vững giữa các tổ chức với hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái. |
NGỌC HÂN