Thứ Sáu, 20/09/2024 05:24 SA
Chủ động ngăn chặn, phòng ngừa dịch tả heo châu Phi
Thứ Năm, 18/07/2024 10:18 SA

Cán bộ thú y kiểm tra, sát trùng một xe vận chuyển heo nhập tỉnh. Ảnh: THỦY TIÊN

Dịch tả heo châu Phi đang bùng phát ở nhiều tỉnh thành và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này lây nhiễm vào đàn heo của tỉnh, ngành Thú y đang tăng cường kiểm soát việc mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật trên địa bàn. Người chăn nuôi cũng cần chủ động theo dõi, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.

 

Tăng cường kiểm soát

 

Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện trên 660 ổ dịch tả heo châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố; buộc tiêu hủy trên 42.400 con, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Bộ này cũng nhận định, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.

 

Tại Phú Yên, tình hình chăn nuôi đang ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, với những điều kiện bất lợi về thời tiết, cộng với dịch tả heo châu Phi đang bùng phát nên có nhiều nguy cơ dịch bệnh này phát sinh và lây nhiễm vào tỉnh.

 

Theo số liệu thống kê từ ngành Thú y, trong tuần qua, toàn tỉnh đã nhập về hơn 2.100 con heo; lũy kế từ đầu năm đến nay nhập hơn 93.200 con heo để chăn nuôi và hơn 570 con để giết mổ. Việc nhập heo về tỉnh diễn ra thường xuyên và liên tục với số lượng khoảng 3.900 con mỗi tuần. Vì vậy, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, công tác kiểm soát nguồn bệnh từ bên ngoài vào phải được siết chặt.

 

Để ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi lây nhiễm vào tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật nhập vào tỉnh. Tại Trạm Kiểm dịch động vật Hảo Sơn (TX Đông Hòa), đơn vị đang duy trì kiểm soát 24/24 giờ mỗi ngày, đảm bảo toàn bộ động vật vận chuyển qua trạm đều được kiểm tra chặt chẽ, không để động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, không có giấy tờ được quá cảnh hoặc nhập vào tỉnh.

 

Ngoài ra, hiện nay trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị, thành phố cũng phối hợp lực lượng chức năng tại địa phương tập trung kiểm tra việc xuất nhập heo vào địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc nhập động vật không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, làm lây lan dịch bệnh.

 

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên đàn heo của huyện, đơn vị này tập trung kiểm tra việc mua bán, xuất nhập heo và các vật nuôi khác trên các tuyến đường bộ từ các tỉnh giáp ranh về địa bàn và công tác giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các điểm giết mổ, mua bán động vật tập trung.

 

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm cho biết: Chi cục cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng trình tự, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y; kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

 

Ngoài ra, trong tuần qua, chi cục đã tổ chức kiểm tra 46 điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Công tác này sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao ý thức vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ và đảm bảo chất lượng thịt đưa ra thị trường.

 

Lực lượng thú y theo dõi, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn heo ở huyện Phú Hòa. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

 

Chủ động phòng dịch

 

Cùng với những nỗ lực của cơ quan chức năng, để ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi hiệu quả, người chăn nuôi phải chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi của mình, nhất là việc tiêm phòng.

 

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa, ngoài việc tăng cường kiểm soát, trạm đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn áp dụng các biện pháp phòng dịch cho vật nuôi. Tuy nhiên, vì tại địa phương từng xảy ra trường hợp heo chết sau khi tiêm phòng vắc xin dịch tả heo châu Phi nên hiện nay người dân vẫn ngại tiêm vắc xin này cho heo.

 

Ông Lê Hùng Vương ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) cho biết: Đàn heo của gia đình tôi hiện có hơn 20 con heo giống và heo thịt. Gia đình chủ động trong công tác phòng dịch vì mỗi lần dính phải dịch bệnh là trắng tay. Tôi đang áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như kiểm soát con giống từ lúc nhập vào, vệ sinh sát trùng chuồng trại theo định kỳ hằng tuần, kiểm soát nguồn thức ăn và nước uống hằng ngày…

 

Đối với việc tiêm phòng vắc xin, gia đình tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch bệnh thông thường như dịch tả heo, tụ huyết trùng… Riêng vắc xin dịch tả heo châu Phi, gia đình vẫn chưa tiêm vì ngại xảy ra chuyện tương tự như lần trước.

 

Đây cũng là những lo ngại của rất nhiều người nuôi heo hiện nay, vì thế việc vận động người dân tiêm phòng vắc xin dịch tả heo châu Phi đang gặp nhiều khó khăn. Tính đến nay, toàn tỉnh chỉ mới tiêm được khoảng 300 liều vắc xin dịch tả heo châu Phi cho đàn heo khoảng 148.000 con.

 

“Hiện nay, vắc xin dịch tả heo châu Phi đã được trạm chăn nuôi và thú y các địa phương cung cấp, đảm bảo về nguồn gốc và thuận tiện để người dân tiêm phòng cho vật nuôi. Đồng thời loại vắc xin này cũng đã được nhiều trại chăn nuôi lớn và người chăn nuôi ở các tỉnh thành trong cả nước tiêm phòng, nên bà con không phải lo ngại khi tiêm cho vật nuôi. Trong tình hình dịch tả heo châu Phi hiện nay thì việc tiêm phòng vắc xin ngừa dịch bệnh này sẽ giúp công tác phòng dịch đạt hiệu quả tối ưu nhất”, ông Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ: Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực địa phương xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; thống kê chính xác tổng đàn heo và số lượng đàn heo thịt đã được tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, trên cơ sở đó phê duyệt kế hoạch, ưu tiên bố trí kinh phí mua vắc xin tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm.

 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở NN&PTNT, UBND các cấp thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý. Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành địa phương bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi giai đoạn 2020-2025. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, các đơn vị có liên quan phối hợp lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông tăng cường kiểm soát, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường…

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek