Thứ Ba, 26/11/2024 05:54 SA
Đồng hành, nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp
Thứ Sáu, 19/07/2024 07:03 SA

Đại diện nhà đầu tư nêu vướng mắc về thủ tục triển khai dự án trên địa bàn tỉnh tại hội nghị Gặp mặt, đối thoại nhà đầu tư, doanh nghiệp năm 2024. Ảnh: NHƯ THANH

Nền kinh tế đang có xu hướng phục hồi tích cực nhưng thách thức, khó khăn vẫn còn lớn. Để gỡ điểm nghẽn, tạo đà cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi sản xuất, kinh doanh, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.

 

Tập trung chỉ đạo

 

Theo Sở KH&ĐT, thời gian qua, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) được tỉnh tập trung chỉ đạo. UBND tỉnh đã ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2024-2030 nhằm cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, DN tiếp cận, tìm hiểu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược để thu hút dự án theo định hướng các quy hoạch đã được phê duyệt.

 

Điển hình như Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với ghi nhớ hợp tác về việc phát triển các giải pháp năng lượng, Công ty CP Hydro Xanh Minh Thạch D&L với Dự án nhà máy sản xuất hydro - amoniac xanh tại KKT Nam Phú Yên với sản lượng khoảng 45.000-55.000 tấn hydro/năm hoặc 250.000-300.000 tấn amoniac/năm… Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 11 dự án, với tổng vốn đầu tư 2.451,4 tỉ đồng, điều chỉnh chủ trương đầu tư 14 dự án.

 

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung chỉ đạo. Các chỉ số cải cách hành chính cao hơn so với năm trước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 có cải thiện, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố (đạt 66,28 điểm, tăng 1,48 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2022). Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) xếp vị thứ 52/63 tỉnh, thành phố (tăng 11 bậc so với năm 2022)...

 

UBND tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ đối với các tổ chức đại diện cho cộng đồng DN và doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Hiệp hội DN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh thể hiện được vai trò đại diện của mình, là cầu nối giữa cộng đồng DN với các cơ quan, chính quyền của tỉnh; có nhiều đóng góp nhất định trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

 

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Toàn tỉnh có 3.685 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 75.181 tỉ đồng. Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong 5 tháng đầu năm đạt 16.930 tỉ đồng (trong đó DN FDI đạt 1.533 tỉ đồng), nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.252 tỉ đồng.

 

Số lao động làm việc trong các DN trên địa bàn tỉnh là 69.786 người (5.089 lao động làm việc trong các DN FDI). Tiền lương bình quân của người lao động đang làm việc tại các DN trong nước là 9,8 triệu đồng/người/tháng, DN FDI là 23,2 triệu đồng/người/tháng.

 

Còn nhiều vướng mắc

 

Vừa qua, tại hội nghị Gặp mặt, đối thoại nhà đầu tư, DN năm 2024 do UBND tỉnh tổ chức, các nhà đầu tư, DN đã đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan. Trong đó, đa số DN đề cập đến các điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục của dự án.

 

Ông Cao Văn Tâm, đại diện Công ty CP Everland Phú Yên, nhà đầu tư Dự án khu nghỉ dưỡng Vũng Lắm (TX Sông Cầu) cho biết: Hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án như chủ trương đầu tư, quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng rừng… cơ bản hoàn thành. Nhà đầu tư đã thực hiện xong công tác giải phóng toàn bộ khu B (trên cù lao Ông Xá). Riêng khu A (trên đất liền) mới giải phóng 10% diện tích mặt bằng.

 

Vướng mắc lớn nhất là các hộ dân yêu cầu mức giá đền bù quá cao (bằng với giá đất ở), không phù hợp với dự án du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó có gia đình không hợp tác, cản trở quá trình thực hiện dự án. Nhà đầu tư rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ để dự án được triển khai thuận lợi.

 

Trong khi đó, theo ông Đào Văn Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai, các dự án khai thác khoáng sản hiện nay không giải phóng được mặt bằng dẫn đến chậm thực hiện. Đồng thời, giá thành vật liệu xây dựng thông thường tăng cao so với các địa phương lân cận cũng là điểm khó đối với các DN xây dựng, sản xuất bê tông thương phẩm.

 

Liên quan đến công tác cải cách hành chính, ông Trần Bá Dũng, Phó Chủ tịch Hội DN huyện Tây Hòa cho biết: Bộ phận một cửa của các địa phương gần như đang bị quá tải. Chúng ta cần áp dụng cơ chế “một cửa một lần”, giải quyết rốt ráo các thủ tục hành chính, tránh tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần. Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa về chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

 

Cùng vào cuộc

 

Trước những phản ánh giá khoáng sản, cụ thể là vật liệu xây dựng thông thường tại Phú Yên cao hơn so với các tỉnh lân cận, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chính quyền địa phương đã xử lý nhiều về nội dung này nhằm tạo sự thông suốt và cạnh tranh lành mạnh, mục tiêu là không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ; không để có nhiều giá. Nếu để xảy ra tình trạng nhiều giá sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, buôn gian bán lận… Đối với các kiến nghị khác của nhà đầu tư và DN, các sở, ngành, địa phương cần giải quyết hoặc có câu trả lời xác đáng.

 

Theo ông Võ Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, thị xã tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn. Địa phương chủ động rà soát, khắc phục ngay các điểm nghẽn trong thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính. Thị xã cũng chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết về đất đai, thủ tục..., nhằm mời gọi đầu tư để hình thành các DN có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, đặc biệt là các dự án du lịch. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, địa phương thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ nhà đầu tư.

 

Cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ DN trong giải quyết các vướng mắc liên quan đến tín dụng, chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, bà Đỗ Thị Bích Diệu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết: Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của ngành nhằm hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân; đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ngành Ngân hàng tập trung thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong hoạt động.

 

Cùng với đó, các đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho người dân, DN hiểu về cơ chế, chính sách, chủ trương của Nhà nước, của ngành để DN và người dân dễ dàng tiếp cận, hiểu, nắm rõ chính sách, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn, dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo nhiều thách thức, tác động toàn diện trên nhiều lĩnh vực; trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư, DN. Quan điểm của tỉnh là luôn đồng hành cùng DN, xem thành công của DN cũng chính là thành công của tỉnh. DN là tế bào của nền kinh tế, là nguồn lực, động lực tăng trưởng kinh tế. UBND tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho nhà đầu tư, DN hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

 

NHƯ THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek