Thời gian qua, hoạt động ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả, giúp chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến tận thôn, buôn, khu phố. Qua đó góp phần tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, trao đổi với hộ vay và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn về các chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai. Ảnh: LÊ HẢO |
Chuyển vốn đến tay người nghèo
Tháng 5 vừa qua, bà Trần Thị Gái ở thôn Phước Hòa (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) được giải ngân 70 triệu đồng vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Trước đó, vào năm 2019, bà cũng vay vốn này với số tiền 50 triệu đồng. Theo bà Gái, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giúp ích rất nhiều cho gia đình bà.
“Cách đây 5 năm, với số vốn vay 50 triệu đồng, tôi mua 2 con bò về nuôi. Bò lớn đẻ ra bê con; con cái trong nhà lập gia đình, tôi cho mỗi đứa 2 con bê để làm vốn. Đến khi trả hết nợ cho ngân hàng, bò vẫn còn trong chuồng, tôi để nuôi tiếp. Mới đây, tôi tiếp tục vay để đầu tư trồng keo. Chưa kể, năm 2022, gia đình còn được giải ngân 20 triệu đồng vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để làm nhà tiêu hợp vệ sinh”, bà Gái cho hay.
Không riêng gia đình bà Gái, những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Điều này có được là nhờ hoạt động ủy thác cho vay của NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo văn bản liên tịch được ký kết với NHCSXH Phú Yên, thực hiện các nội dung công việc nhận ủy thác, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và NHCSXH về các chương trình tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng, nâng cao trách nhiệm sử dụng vốn vay, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, trả lãi đúng kỳ hạn…
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cũng chỉ đạo bình xét công khai, dân chủ, kịp thời, đúng đối tượng của từng chương trình tín dụng; nâng cao trách nhiệm của hội đoàn thể cấp xã trong tham gia sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn, giám sát bình xét cho vay, giám sát phiên giao dịch xã, kiểm tra sử dụng vốn vay…
Phối hợp với cơ quan khuyến nông và các ngành liên quan lồng ghép công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật với việc cho vay vốn, giúp hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, tăng năng suất cây trồng vật nuôi.
Phối hợp tham mưu xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hằng năm, giúp chủ động nguồn vốn cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Định kỳ tổ chức họp giao ban nhằm đánh giá kết quả, chất lượng hoạt động ủy thác...
Tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở
Bà Đặng Thị Âu, Phó Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số khâu tác nghiệp cho các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo các nguyên tắc chính là: bình xét dân chủ, công khai; vốn giải ngân trực tiếp đến người vay tại xã, phường, thị trấn thông qua hoạt động tại điểm giao dịch xã, nhằm tiết giảm tối đa chi phí cho người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được với dịch vụ tài chính tín dụng, trong khi vẫn tiết kiệm được chi phí quản lý cho ngân sách nhà nước.
5 tháng đầu năm nay, NHCSXH Phú Yên đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách, với tổng số tiền 926 tỉ đồng, 24.906 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể đến 31/5/2024 là 4.586 tỉ đồng, với 92.012 hộ vay, 2.253 tổ, chiếm 99,85% tổng dư nợ. |
Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thì cho rằng, việc thực hiện tốt những nội dung công việc nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ góp phần chuyển tải vốn nhanh chóng, thuận tiện đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác mà còn có tác động lớn tới công tác tuyên truyền, tập hợp hội viên, phụ nữ vào hội và xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Đồng thời góp phần nâng cao năng lực tổ chức điều hành và phối hợp của đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ cơ sở.
Còn theo anh Lương Minh Tùng, Bí thư Tỉnh đoàn, công tác phối hợp với NHCSXH và thực hiện ủy thác đã giúp cho nội dung hoạt động của đoàn được phong phú, thiết thực hơn. Vai trò của đoàn thanh niên trong sự nghiệp giảm nghèo và phát triển KT-XH ở địa phương càng được khẳng định. Kiến thức, năng lực quản lý, điều hành hoạt động quản lý tài chính, tín dụng ngân hàng của các cấp bộ đoàn cũng được nâng lên rõ rệt.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động ủy thác, NHCSXH Phú Yên kiến nghị các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo tổ chức hội ở cơ sở thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ ủy thác theo văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác đã ký kết; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ tín dụng, nâng cao năng lực quản lý nguồn vốn.
Đồng thời chú trọng kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, tình hình sử dụng vốn của người vay, qua đó góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách…
LÊ HẢO