Thứ Bảy, 05/10/2024 10:16 SA
Cá mú chết sạch ở Tuy An:
Người nuôi cá trắng tay
Thứ Ba, 25/11/2008 07:01 SA

Toàn bộ cá mú của người dân nuôi ở làng biển Phú Lương, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) đã bị chết sạch do nước lũ tràn về gây ngọt hóa. Những người nuôi cá mú ở khu vực này trở nên trắng tay, đổ nợ; trong khi vùng biển này đã bị ô nhiễm trầm trọng do cá chết không được thu gom.

 

ca-mu2-081125.jpg

Người nuôi cá mú ở An Ninh Đông vớt cá chết lên bờ

 

CÁ CHẾT TRẮNG LỒNG, NGƯỜI NUÔI TRẮNG TAY

 

Qua thống kê ban đầu, có khoảng 78.000 con cá mú, cá hồng với sản lượng dự ước trên 62 tấn của 128 hộ nuôi ở hai xã An Hải, An Ninh Đông (huyện Tuy An) thả nuôi ở cửa biển Lễ Thịnh và An Hải bị chết sạch do bị sốc nước ngọt, tổng thiệt hại hơn 4,3 tỉ đồng.

Nhiều người nuôi cá mú ở làng biển Phú Lương, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) vẫn chưa hết bàng hoàng khi toàn bộ cá mú trong các lồng nuôi ở dưới dòng nước gần cửa biển Lễ Thịnh thuộc xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) bị chết sạch. Những người dân nuôi cá ở đây cho biết, suốt gần nửa tháng qua, mưa nhiều, nước ngọt đổ về cửa biển An Hải và Lễ Thịnh, trong khi hai cửa biển này bị bồi lấp nên đã gây tình trạng ngọt hóa ở các vùng nước trong đầm Ô Loan, gây cá bị sốc và chết. Ông Đinh Minh Thụy, một người dân địa phương, cho biết: “Cứ vào tháng 11 hằng năm, những ngư dân ở Phú Lương thả nuôi cá mú. Vào thời điểm này, toàn bộ số lượng cá mú thả nuôi năm trước đều là cá thành phẩm, mỗi con nặng 0,8- 1,3kg. Nhiều người chưa kịp bán, nay cá đã chết toàn bộ… Riêng gia đình tôi nuôi khoảng 1.300 con đã chết sạch, thiệt hại chừng 120 triệu đồng”.

 

Thiệt hại nặng ở Phú Lương là gia đình ông Hà Kiệm. Trước đây, ông Kiệm cùng bốn người con là Hà Xuân Ngôn, Hà Xuân Vương, Hà Xuân Tầm, Hà Thị Kim Hương nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, do tôm hùm bị dịch bệnh kéo dài, năm nay, gia đình ông chuyển sang thả nuôi 20 lồng cá mú với số lượng khoảng 8.000 con. Theo ông Kiệm, chi phí giống, thức ăn nuôi cá mú thành phẩm khoảng 30 triệu/1.000 con, chưa tính chi phí đầu tư lồng nuôi, công chăm sóc… Gia đình ông Kiệm đã chi phí trong vụ nuôi này khoảng 240 triệu đồng nhưng cá đã chết sạch, giờ trở nên trắng tay. Ông Kiệm nói đầy chua xót: “Vào tháng 6-7, người ta mua cá mú loại một với giá 170.000 đồng/kg nhưng không có cá bán. Còn vào mùa mưa lũ hiện nay, tất cả các hộ dân muốn bán hết số lượng cá nuôi nhưng chẳng có tư thương nào đến hỏi mua. Hơn nữa, giá cá chỉ còn 120.000 đồng/kg, nhưng chủ yếu là để bán chợ với số lượng rất ít. Do thị trường tiêu thụ cá quá khó khăn, chúng tôi đành trữ cá nuôi trong lồng, không ngờ nước lũ đã tràn về làm cá chết sạch”.

 

Trong những ngày qua, ông Trần Văn Công, Trưởng thôn Phú Lương, đến từng hộ dân hỏi thăm, thống kê thiệt hại. Ông Công kể vanh vách từng hộ có thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Đó là hộ ông Trương Văn Vương, Lê Văn Tư, Lê Văn Sáu, Nguyễn Văn Tĩnh… Trong số những hộ dân ở Phú Lương thiệt hại do cá mú chết, hộ ông Nguyễn Lanh bị thiệt hại nặng nhất, nợ nần chồng chất. “Số vốn liếng gia đình dành dụm từ những vụ nuôi cá mú, vay ngân hàng 20 triệu đồng và mượn bà con 10 triệu đầu tư hết vào vụ nuôi năm nay. Không ngờ, gia đình trắng tay trong vụ nuôi này vì cá mú chết sạch do nước cửa sông bị ngọt hóa. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ những lồng cá mú. Vậy mà…” - ông Lãnh thở dài.

 

Theo ông Trần Văn Công, Trưởng thôn Phú Lương, trong suốt 11 vụ nuôi trước đây, nước ở vùng cửa biển Lễ Thịnh chưa bao giờ bị ngọt hóa kéo dài gần nửa tháng. Khi trời mưa kéo từ ngày 14 đến ngày 24/11, hầu hết người dân địa phương đều nghĩ rằng nước sẽ rút nhanh, đâu ngờ nước ngọt nhiều đến như vậy. Mãi đến ngày 22/11, người dân  ngửi thấy nước ở gần khu vực cửa biển bốc mùi hôi thối, mới xuống kéo thử lồng lên thì ai nấy đều rụng rời cả tay chân khi nhìn thấy cá trong lồng chết trắng.  

            

Lúc này, nhiều hộ kéo lồng lên bán đổ bán tháo, vớt vát được đồng nào hay đồng đấy. Nhiều lồng chết lâu ngày nên họ bỏ mặc dưới sông. Ông Trần Sáu, Phó phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Tuy An, cho biết nguyên nhân vùng cửa biển An Hải, Lễ Thịnh bị ngọt hóa là do cửa biển An Hải bị bồi lấp nên toàn bộ lượng nước từ thượng nguồn đổ về chỉ thoát ra ở cửa biển Lễ Thịnh. Hơn nữa, người nuôi cá mú ở hai xã An Ninh Đông và An Hải không thể di chuyển lồng, bè ra ngoài vì sóng lớn, cửa biển cạn, nên thiệt hại xảy ra là điều không thể tránh khỏi”.

 

ca-mu-081125.jpg

Vớt cá chết trong lồng nuôi ở An Ninh Đông (Tuy An)

 

VÙNG NUÔI CÁ BỊ Ô NHIỄM TRẦM TRỌNG

 

Cá mú chết trắng trong lồng nhưng người nuôi hoàn toàn không thu gom để tiêu hủy. Do vậy, xác cá bị phân hủy dần trong môi trường nước gây hôi thối nồng nặc. Trong khi đó, vùng nuôi cá mú này nằm sát ngay khu dân cư. Hàng ngày, người dân ở đây đành phải cam chịu hít thở không khí ô nhiễm bốc lên từ vùng nước nuôi cá mú ở gần cửa Lễ Thịnh. Anh Đinh Mịnh Thụy, một ngư dân nuôi cá mú, cho biết: “Lồng nuôi cá mú nằm ken dày, được neo chằng sâu dưới đáy nước. Và khi cá bắt đầu bị chết, trời vẫn mưa, nước lũ chảy mạnh, đục ngầu, nên bà con không thể lặn đưa tất cả lồng cá vào bờ để xử lý. Bây giờ, cá chết 2 – 3 ngày dẫn đến nước ở vùng nuôi cá bị thối và ngứa. Do vậy, chẳng ai dám lặn xuống nước để vớt xác cá…”

 

Vùng nước lợ ở gần cửa Lễ Thịnh vốn rất trong, sạch, có thể nuôi được nhiều loại hải sản. Tuy nhiên, hiện nay vùng nước ở đây bị đục, ngọt hóa, ô nhiễm do lũ về thoát chậm qua cửa biển bị bồi lấp. Theo ông Trần Văn Công, Trưởng thôn Phú Lương, cá chết, môi trường nước ô nhiễm nghiêm trọng như vậy, nhưng ngư dân cũng đành bất lực đứng nhìn chứ chưa có giải pháp nào để xử lý! Hiện có một số người dân có biểu hiện đau đầu khi liên tục hít phải mùi thối từ nước. Khoảng 70.000 con cá mú chết dưới đáy lồng, nếu không tiêu hủy sẽ gây hôi thối trong thời gian tương đối dài. Do vậy, các ngành chức năng tỉnh Phú Yên, huyện Tuy An cần sớm kiểm tra nguồn nước để có biện pháp giúp đỡ ngư dân xử lý triệt để ô nhiễm, trả lại môi trường trong sạch cho vùng nước nuôi trồng thủy sản và khu dân cư ở thôn Phú Lương. Đồng thời tiếp tục kiểm tra nắm chắc số hộ có số lượng cá mú bị chết để báo cáo cho  UBND huyện Tuy An, UBND tỉnh Phú Yên xem xét và có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân”.

 

Sẽ xem xét hỗ trợ người nuôi cá

 

Ông Trần Sáu, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tuy An, cho biết: “Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tuy An sẽ trực tiếp kiểm tra số hộ có số lượng cá mú bị chết trong đợt mưa lũ năm nay để báo cáo cho  UBND huyện, UBND tỉnh Phú Yên xem xét, có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi.

 

Trong năm 2007, cá mú nuôi ở vùng cửa biển xã An Hải, huyện Tuy An cũng bị chết hàng loạt do nước ngọt hóa. Sau đó, UBND tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ 3.000 đồng/con cá giống cho các hộ bị thiệt hại mất trắng từ 50 con trở lên; hỗ trợ tối đa cho mỗi hộ bị thiệt hại không quá 1,5 triệu đồng, tương đương 500 con/10 lồng nuôi”.

 

ĐỨC THÔNG- NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek