Thứ Bảy, 05/10/2024 10:22 SA
Làng nghề chiếu cói An Cư (huyện Tuy An):
Dân nỗ lực giữ nghề
Thứ Hai, 24/11/2008 18:00 CH

Trong khi dự án Khôi phục nghề chiếu cói ở xã An Cư chưa mang lại hiệu quả, sản phẩm làng chiếu gặp nhiều khó khăn và thách thức trong khâu tiêu thụ, nhiều người dân vẫn nỗ lực bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống.

 

chieu1-081124.jpg

Dệt chiếu ở làng nghề An Cư  – Ảnh: D.T.XUÂN

 

Chị Phạm Thị Kim Thanh, một người có thâm niên 25 năm theo nghề dệt chiếu ở xã An Cư, cho hay: “Tôi đan chiếu từ năm 12 tuổi. Trong nhà từ bà đến mẹ, chị và các em, ai cũng biết đan lát, dệt chiếu. Tuy An có đến mười mấy xã, nhưng chỉ mỗi An Cư làm nghề chiếu, nếu để mất nghề đi thì tiếc lắm. Riêng nhà mình, từ hồi nào tới giờ vẫn giữ nghề”. Ở làng chiếu cói An Cư, gia đình chị Thanh là một trong số ít hộ có đông nhân khẩu tham gia nghề và rất tâm huyết với nghề.

Ở cùng thôn với chị Thanh, anh Phạm Kim Thành và chị Nguyễn Thị Mỹ hàng chục năm nay vẫn bền bỉ với nghề, dù anh, chị cũng nhiều tâm sự: Vật giá thứ gì cũng lên, chỉ có chiếu thì không. Một trong những động lực khiến anh, chị giữ nghề là nghề chiếu sống được, giải quyết được công lao động nhàn rỗi.

 

An Cư còn có rất đông trẻ vị thành niên biết dệt chiếu, thậm chí dệt rất giỏi. Bởi vậy, người dân xã này coi đây chính là nguồn nhân lực tiếp nối và bảo tồn nghề.  Em Lê Thị Tuyết Trinh, một thành viên nhí của làng nghề, nói: “Con thích làm chiếu lắm. Nhờ có chiếu mà mẹ con con có thu nhập, lo cho cuộc sống”.

 

Biết được thu nhập hiện thời của bà con làng chiếu mới thấy nỗ lực bảo tồn nghề của họ rất lớn. Ông Nguyễn Hai, Chi hội trưởng Chi hội làng nghề chiếu cói An Cư, đưa phép tính thế này: “Mỗi ngày 2 nhân khẩu làng nghề, dệt 2 đôi chiếu bán với giá 100.000 đồng, trừ chi phí hết 60.000 đồng, còn lại mỗi người chỉ kiếm 20.000 đồng. Thu nhập như vậy không bằng thợ hồ và cắt lúa mướn”. Đến làng chiếu An Cư bây giờ không còn thấy cảnh xe lam vào ra tấp nập để lấy hàng như thời ăn nên làm ra của làng chiếu này, thay vào đó là từng đoàn phụ nữ đạp xe vào TP Tuy Hòa, tỏa đi các xã vùng ven để rao bán chiếu. Mỗi chuyến đi chan đầy mồ hôi và cả những hiểm nguy. Tôi được nghe kể, trong số những người phụ nữ chở chiếu An Cư đi bán, có người do chở hàng cồng kềnh, quá khổ đã bị xe lớn quẹt, phải nằm viện điều trị. Lại có người một ngày đạp xe ròng rã kiếm chưa đầy 30.000 đồng…

 

Nghề chiếu bấp bênh khiến đàn ông trong làng nóng ruột phá bỏ gần 2ha cây lát để trồng lúa, nhưng phụï nữ thì không như thế. Ngày ngày, họ vẫn cần mẫn cho “ra lò” hàng trăm đôi chiếu, dù chỉ bán cầm chừng. Ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã An Cư, tính toán: “Nếu tính mức thu nhập trên địa bàn xã An Cư, người làng chiếu tuy rất vất vả nhưng đời sống ổn định hơn. Ngoài làm ruộng lúa, họ có thêm thu nhập từ nghề chiếu – điều mà các địa phương khác không có. Bởi vậy, khi phát hiện người dân chặt bỏ gần 2ha trong tổng số 25ha lát, chúng tôi đã nghiêm cấm, đồng thời giải thích, vận động để bà con hiểu. Hiện nay, An Cư vẫn tiếp tục vận động bà con chăm sóc cây lát, duy trì làng nghề chiếu. Chúng tôi cũng kiến nghị lên Sở Công Thương, đề nghị cho làm mô hình nhỏ, tập hợp 5-7 người để nâng chất lượng sản phẩm, tìm mẫu mã phù hợp với thị trường, bán có giá hơn thì chắc là người dân thuận theo thôi”.

 

Tuy nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng đề xuất. Tại làng nghề chiếu cói An Cư, đã từng có dự án Khôi phục và phát triển làng nghề, do Trung tâm Khuyến công Phú Yên chủ công, nhưng đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Dự án đã hỗ trợ người làng nghề 107 máy chẻ lát và máy xe trân bằng mô tơ điện, nhưng đến nay toàn làng nghề còn đến 243 hộ chưa có máy để làm nghề. Ông Nguyễn Hai, Chi hội trưởng Chi hội làng nghề chiếu cói An Cư, nói lên ao ước của người trong nghề: “Qua tham quan mô hình ở Đồng Tháp, tui thấy họ dùng toàn bằng máy móc, còn làng nghề mình toàn làm thủ công, lạc hậu quá nên người làng nghề không vươn lên được cũng phải. Mình làm 5 giờ mới được đôi chiếu, trong khi người ta 1 giờ làm được tới 4 đôi. Tôi cùng với một người khác trong làng định mua 3 cái máy làm chiếu, nhưng hỏi ra giá tới 150 triệu đồng lận, nên đành thôi…”

 

Trước những chiếu nhựa, chiếu gỗ, chiếu hơi trong nước cũng như nhập từ Trung Quốc… với mẫu mã phong phú, tràn ngập thị trường như hiện nay, rõ ràng chiếu cói An Cư kém sức cạnh tranh rõ rệt. Tuy vậy, nhiều người làm nghề vẫn lạc quan cho rằng: Chiếu An Cư có giá bình dân, phù hợp với mức sống của người dân trong tỉnh, nếu được hỗ trợ đến nơi đến chốn thì vẫn có thể phát triển làng nghề được. Bám vào niềm tin đó, đến nay dù trời mưa hay nắng, An Cư vẫn đều tiếng dệt. Chị em dệt để có chiếu chở đi bán, dệt vì thói quen muốn sử dụng sản phẩm của làng và dệt để mong chờ một sự tác động mạnh hơn từ ngành chức năng trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chiếu An Cư.

 

 

LỆ HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek