Thời gian qua, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) liên tục đầu tư vào hoạt động sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh; đồng thời thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, đãi ngộ cho nông dân trồng mía.
Tổng vốn đầu tư lên đến 103 triệu USD
Từ một nhà máy sản xuất đường với công suất ban đầu 2.500 tấn mía cây/ngày vào vụ 2001-2002, đến nay, KCP đã mở rộng công suất Nhà máy đường Sơn Hòa lên 10.000 tấn mía cây/ngày. Công ty đã đầu tư, đưa vào vận hành dự án Điện sinh khối công suất 30MW và nâng công suất Nhà máy đường Đồng Xuân lên 1.000 tấn mía cây/ngày. Tính đến thời điểm này, tổng vốn đầu tư của công ty tại Phú Yên lên đến 103 triệu USD.
Trong suốt 22 năm qua, KCP đã thu mua 15,3 triệu tấn mía nguyên liệu, sản xuất 1,6 triệu tấn đường, chi trả 17.306 tỉ đồng tiền mua mía cho bà con nông dân, đầu tư 3.348 tỉ đồng vào vùng nguyên liệu, nộp 1.119 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước và đóng góp 69 tỉ đồng vào chương trình phát triển nông thôn và các hoạt động xã hội từ thiện. |
Ông K.V.S.R.Subbaiah, Tổng giám đốc KCP cho biết: KCP đã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các dự án và vươn lên top đầu trong ngành công nghiệp mía đường ở Việt Nam về sản lượng, chất lượng, uy tín, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty thực hiện các chính sách đãi ngộ cho nông dân, phát triển vùng nguyên liệu trên 20.000ha.
Đặc biệt trong những năm ngành sản xuất mía đường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, dịch bệnh, tác động của thị trường…, KCP cố gắng huy động nguồn lực, kinh nghiệm để đứng vững với bà con nông dân, hỗ trợ canh tác mía bền vững. Trong 3 vụ ép vừa qua, nông dân trồng mía của tỉnh đã hưởng lợi trên 104 tỉ đồng thông qua các chính sách hỗ trợ không hoàn lại cho mía trồng mới, hệ thống tưới tiêu, hỗ trợ lãi suất… từ công ty.
Trong 22 năm qua, KCP đã thu mua 15,3 triệu tấn mía nguyên liệu, sản xuất 1,6 triệu tấn đường, chi trả 17.306 tỉ đồng tiền mua mía cho bà con nông dân, đầu tư 3.348 tỉ đồng vào vùng nguyên liệu, nộp 1.119 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước, đóng góp 69 tỉ đồng vào chương trình phát triển nông thôn và các hoạt động xã hội từ thiện. Hoạt động của KCP đã tạo nguồn thu nhập chính cho khoảng 10.000 hộ nông dân và 700 lao động trực tiếp cũng như mang lại lợi ích gián tiếp cho hàng nghìn hộ nông dân làm dịch vụ nông nghiệp, vận chuyển.
Theo ông Ngô Tấn Thích ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, gia đình ông canh tác khoảng 9ha mía và ký hợp đồng với KCP từ năm 2001. Nhờ cây mía và chính sách tốt từ KCP nên kinh tế gia đình ông cải thiện rất nhiều. Trong canh tác, gia đình cũng được đầu tư máy bơm dầu từ công ty để bơm nước tưới và các chính sách hỗ trợ không hoàn lại. Sắp tới, ông tiếp tục đăng ký đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt từ KCP để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.
Đảm bảo lợi ích công nhân, nông dân
Trong vụ ép 2022-2023, KCP đã mua mía với giá 1,3 triệu đồng/tấn mía tại ruộng cho 10 chữ đường (CCS), ép được 1,26 triệu tấn mía cây. Vụ ép 2023-2024, KCP tiếp tục có những chính sách đầu tư đãi ngộ cho bà con nông dân, ước tính khoảng 60 tỉ đồng; đầu tư 430 tỉ đồng cho vùng nguyên liệu với diện tích 23.000ha.
Ngoài đầu tư 2 máy thu hoạch mía mang lại hiệu quả, KCP còn đầu tư để thu hoạch mía bằng máy thu hoạch liên hợp trong niên vụ mới; đồng thời thực hiện các dự án như: Nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu và cồn thực phẩm với công suất 60.000 lít/ngày; mở rộng, nâng công suất Nhà máy điện sinh khối lên 60MW; mở rộng, nâng công suất các nhà máy đường lên 16.000 tấn mía cây/ngày…
Ngoài ra, KCP còn phối hợp Viện Nghiên cứu mía đường Bến Cát khảo nghiệm và nhân rộng các giống mía mới, có kế hoạch tập huấn cho 3.000 lượt nông dân/năm để cập nhật kỹ thuật canh tác mía mới nhất.
“Với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, KCP tiếp tục đóng góp cho hoạt động xã hội từ thiện và phát triển nông thôn lên mức 5%; đảm bảo các chính sách phúc lợi xã hội cho công nhân viên với tỉ lệ 15% tổng vốn điều lệ của công ty với số tiền hỗ trợ khoảng 11 tỉ đồng/năm”, ông K.V.S.R.Subbaiah cho biết thêm.
Tại huyện Sơn Hòa, vụ mía 2022-2023, KCP đã thu mua, đưa vào chế biến trên 910.000 tấn mía nguyên liệu, chiếm 91,6% sản lượng mía toàn huyện. Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho hay: Từ ngày chính thức đi vào hoạt động cho đến nay, KCP luôn vượt qua những khó khăn, thách thức; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân trong huyện phát triển, giải quyết đầu ra ổn định cho cây mía và phát triển vùng nguyên liệu mía, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
UBND huyện Sơn Hòa đã kiến nghị KCP tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ về các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao; chủ động phối hợp với địa phương thực hiện các chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
KCP liên kết với nông dân, các tổ chức đại diện của nông dân ký kết hợp đồng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để KCP đầu tư công nghệ chế biến sau mía đường như phân vi sinh, điện… theo kế hoạch của công ty.
ĐỒNG CHÍ LÊ TẤN HỔ, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH: Đa dạng hóa sản phẩm theo hướng bền vững
Thời gian tới, KCP cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để ổn định, phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu; nghiên cứu bổ sung các giống mía mới chịu hạn, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Công ty đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy sản xuất ethanol nhằm tận dụng các phụ phẩm, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường; tiếp tục đầu tư, nâng công suất các nhà máy đường.
Bên cạnh đó, KCP nghiên cứu, tiếp cận nhiều nguồn phân bón có chất lượng từ các thương hiệu uy tín trong nước để giảm chi phí canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng cây mía, đáp ứng yêu cầu tăng năng suất bình quân từ 75-85 tấn/ha theo đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh; phối hợp với địa phương duy trì, thực hiện nhiều hơn các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là khu vực miền núi.
ÔNG NGUYỄN VĂN LỘC, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI MÍA ĐƯỜNG VIỆT NAM: Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường
Trong ngành đường Việt Nam, KCP đang dẫn đầu về năng lực cạnh tranh và chuỗi liên kết sản xuất mía đường.
Với những cơ hội, thách thức đan xen liên quan đến môi trường cạnh tranh, biến đổi khí hậu…, KCP phải phát huy năng lực để bảo đảm năng suất mía đường; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nắm bắt, áp dụng các công cụ sản xuất, xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại phù hợp hợp tác quốc tế; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất. KCP tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường, bảo đảm lợi ích người dân trồng mía. |
VÕ PHÊ