Chủ Nhật, 24/11/2024 16:03 CH
Hiệu quả máy gắp mía loại bỏ tạp chất
Thứ Tư, 24/01/2024 07:00 SA

Ông Trương Văn Thạch chia sẻ với nông dân và Hội đồng Khoa học của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Ban Điều hành mía đường xã Sơn Phước về cách lắp đặt đầu máy gắp mía bằng con lăn và dây dù. Ảnh: VÕ PHÊ

Đó là sáng kiến của nông dân Trương Văn Thạch (thôn Tân Bình, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) được đưa vào sử dụng đầu tháng 1/2024. Ông Thạch đã nghiên cứu thay đầu máy gắp mía bằng bánh răng sang đầu máy gắp bằng con lăn và dây dù để loại bỏ hoàn toàn tạp chất, đất, đá… lẫn trong mía.

 

Kiểm soát tạp chất

 

Theo Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP), thay vì bốc mía bằng tay, nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư máy gắp mía từ niên vụ 2021-2022 để giảm nhân công. Tuy nhiên, do nông dân quản lý không tốt quá trình máy vận hành nên mía đưa về nhà máy trộn lẫn nhiều tạp chất, ảnh hưởng máy móc, dây chuyền ép mía của công ty.

 

Là nông dân trồng mía từ nhiều năm nay và luôn cố gắng để sản xuất hiệu quả, mới đây, ông Trương Văn Thạch đã nghiên cứu lắp đặt đầu máy gắp có thể loại bỏ tạp chất lẫn trong mía. Năm 2022, ông Thạch mua máy xúc/đào đất và đầu máy gắp mía với tổng chi phí 800 triệu đồng. Phần đầu của máy gắp mía này có cấu tạo hai bên là hai bánh răng nên khi gắp các bó mía thường gắp sâu vào đất làm lẫn nhiều đất, đá.

 

Ông Trương Văn Thạch cho biết: Đầu tháng 1/2024, khi có thông tin KCP khuyến cáo loại trừ tạp chất, đất, đá trong mía, tôi đã nghiên cứu, thay thế những chiếc bánh răng ở đầu máy gắp bằng hai con lăn, kết hợp với một sợi dây dù (dài 3m) móc vào hai đầu con lăn, từ đó đầu máy có thể gắp, thả mía dễ dàng. Sử dụng đầu máy gắp bằng con lăn và dây dù, mía đưa về nhà máy đã loại bỏ hoàn toàn tạp chất, đất, đá.

 

Chiếc máy gắp mía bằng con lăn và dây dù của ông Thạch có thể gắp đưa lên xe từ 20-35 bó mía, trọng lượng khoảng 300-500kg bỏ. Theo tính toán của ông Thạch, trước đây, bốc mía lên xe cần 12-14 nhân công, thực hiện trong khoảng 4 tiếng mới xong một xe mía 25-27 tấn. Khi bốc mía bằng máy có đầu gắp mới này, nhân công và thời gian thực hiện đều giảm phân nửa. Giải pháp này còn có lợi trong thời điểm nhân công thu hoạch mía ngày càng ít như hiện nay.

 

“Tôi thiết kế, rồi nhờ thợ cơ khí cắt thiết bị. Nếu nông dân nào đã có máy gắp mía, muốn thiết kế lại đầu gắp, tôi sẵn sàng phối hợp, chia sẻ cách làm”, ông Thạch nói.

 

Ông G.Suresh Naidu, Giám đốc nguyên liệu của KCP cho hay: Nông dân trong vùng mía của KCP đã có hơn 70 máy gắp mía. Trong hai niên vụ gần đây, mía của nông dân đưa về nhà máy xen lẫn nhiều đất, đá. Công ty luôn ủng hộ việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch để hạ giá thành sản xuất, tuy nhiên cần có giải pháp kiểm soát ngay tại đồng ruộng để hạn chế tối đa tạp chất trong mía trước khi đưa về nhà máy.

 

Nông dân Trương Văn Thạch là người đầu tiên nghiên cứu ra đầu máy gắp mía mới, được Hội đồng Khoa học của KCP và Ban Điều hành mía đường xã Sơn Phước giám sát, công nhận sáng tạo thành công, cho phép đưa vào sử dụng. Công ty đã thưởng cho ông Thạch 10 triệu đồng.

 

Khuyến khích cải tiến, áp dụng cơ giới hóa

 

Sau khi thấy ông Trương Văn Thạch sáng chế thành công đầu máy gắp mía bằng con lăn và dây dù, nông dân Phạm Ngọc Huệ (cùng thôn Tân Bình, xã Sơn Phước) là người thứ hai mạnh dạn áp dụng thiết bị này. Ông cũng được KCP khen thưởng 5 triệu đồng. Ông Huệ chia sẻ: Tôi đã bắt tay hoàn thiện đầu máy gắp bằng dây dù và con lăn như máy ông Thạch, nhưng máy của tôi có thêm một số cải tiến là có thể thay đổi thiết bị để tăng hoặc giảm trọng lượng mía gắp tại ruộng.

 

Ngoài sử dụng máy gắp phục vụ công tác thu hoạch mía của gia đình, ông Thạch, ông Huệ còn nhận thu hoạch, bốc mía cho bà con tại địa phương. Nếu nhận gom, bốc mía lên xe thì giá 75.000-80.000 đồng/tấn mía tại ruộng; còn vừa chặt, vừa gom, bốc mía lên xe thì 200.000 đồng/tấn. Bà Nguyễn Thị Tín (xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) bày tỏ: Tôi trồng khoảng 10ha mía. Tôi thấy máy gắp mía do ông Thạch, ông Huệ thiết kế mang lại hiệu quả cao, nhất là hạn chế được tạp chất theo yêu cầu của nhà máy, ít tốn nhân công và thời gian thu hoạch.

 

Theo ông La Thanh Phục, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Điều hành mía đường xã Sơn Phước, bà con trồng mía trên địa bàn xã luôn có ý thức cải tiến, áp dụng các biện pháp trồng, làm đất, thu hoạch… hiệu quả. Mấy năm nay, nhiều nông dân trong xã đi lao động ở các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên nên nhân công thu hoạch mía khan hiếm. Từ thực tế đó, nông dân trồng mía tự mày mò, đầu tư máy móc để thay thế nhân công, giảm chi phí thu hoạch mía. Hiện tại, riêng xã Sơn phước đã có gần 10 máy gắp mía.

 

Đáng mừng là trong xã có hai nông dân vừa sáng tạo thành công đầu máy gắp loại bỏ tạp chất trong mía và sẵn sàng hướng dẫn cho nông dân khác khi có nhu cầu. Mong muốn của địa phương là KCP quan tâm về việc ứng dụng máy móc, hỗ trợ cách làm và có những chính sách tốt về giá thu mua… để nông dân trồng mía hiệu quả, tạo thu nhập ổn định. 

 

Việt Nam mở cửa hội nhập ngành Mía đường từ ngày 1/1/2020. Để đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay, yêu cầu đặt ra cho KCP là phải tổ chức sản xuất, kiểm soát mía từ trên đồng ruộng về đến nhà máy. Một trong những vấn đề quan trọng là áp dụng cơ giới hóa để hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. KCP khuyến khích nông dân tiếp tục cải tiến, đầu tư, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nhằm tăng hiệu quả.

 

Ông G.Suresh Naidu, Giám đc nguyên liu KCP

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek