Triển khai dự án Cao tốc Bắc - Nam, các địa phương phải di dời 299 trụ điện cao, trung và hạ thế. Đến nay, huyện Tây Hòa cơ bản hoàn thành di dời lưới điện; huyện Phú Hòa đạt 76%. Các địa phương khác vẫn đang tổ chức di dời, đạt khoảng 7% khối lượng. Việc chậm di dời hạ tầng kỹ thuật đang gây khó cho công tác thi công, ảnh hưởng tiến độ của dự án.
Vừa làm vừa chờ
Tại vị trí đường nhánh từ quốc lộ 1 vào đường cao tốc, đoạn qua xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu (thuộc gói thầu 12-XL, dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh), các đơn vị vừa thi công vừa chờ di dời lưới điện.
Đây là tuyến đường đấu nối, cũng là đường công vụ để vận chuyển thiết bị, máy móc, vật liệu xây dựng thi công dự án Cao tốc Bắc - Nam. Theo thiết kế, đường nhánh này có 2 cống thoát nước. Hiện đã thi công xong 1 cống, cống còn lại phải chờ di dời trụ điện hạ thế mới thi công.
Vị trí nút giao giữa tuyến đường đấu nối với cao tốc Bắc - Nam, một trụ điện 110kV nằm ngay tim đường cao tốc cần được di dời nhường chỗ cho thi công.
Ông Phạm Toàn Thắng, Chỉ huy trưởng gói thầu 12-XL cho biết: Vị trí này có khối lượng đào đắp rất lớn; khi thi công phải sử dụng nhiều máy móc, thiết bị chuyên dụng. Nếu khoảng cách không đảm bảo sẽ có nguy cơ phóng điện, mất an toàn. Do vậy, chúng tôi chỉ thi công tại các khu vực an toàn; những vị trí còn vướng phải chờ di dời xong trụ điện mới tiếp tục thực hiện.
Cách đó không xa, vị trí mố trụ 04 của cầu vượt Km36+180, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc - Trung - Nam đang huy động lực lượng khoan trụ bằng phương pháp khoan thủ công. Nguyên nhân là vị trí này nằm ngay dưới lưới điện cao thế nên không đưa thiết bị khoan chuyên dụng vào được.
Phương pháp khoan thủ công mất thời gian, kém hiệu quả, nhưng lại là giải pháp duy nhất mà đơn vị có thể áp dụng. Thế nhưng, ngay cả khi cọc T04 có khoan xong thì cũng không thể lao dầm vì độ cao an toàn dưới đường dây điện cao thế không cho phép.
Theo Ban Quản lý Dự án 85, dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh có 424 vị trí lưới điện trung và hạ thế phải di dời. Hiện tỉnh Bình Định đã thi công xong móng cột đường điện 110kV và 220kV, đang tiến hành dựng cột và kéo dây; tỉnh Phú Yên đang lựa chọn nhà thầu di dời hạ tầng kỹ thuật lưới điện trong phạm vi thi công.
Còn theo Ban Quản lý Dự án 7, dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong hiện có 14 vị trí đang vướng đường dây, trụ điện, gây không ít khó khăn cho việc thi công.
Ưu tiên an toàn thi công
Ông Đinh Phú Tuấn, Chỉ huy trưởng Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc - Trung - Nam cho biết: Đơn vị được giao thi công 5 cầu vượt thuộc gói thầu 12-XL. Trong đó, 4 cây cầu có khối lượng lớn hơn đều đạt và vượt tiến độ. Riêng việc thi công cây cầu tại vị trí Km36+180 đang giậm chân tại chỗ vì vướng lưới điện 110KV.
Theo kế hoạch, cầu Km36+180 sẽ phải hoàn thành cọc khoan nhồi từ tháng 7/2023. Do vướng lưới điện nên chúng tôi phải liên tục điều chỉnh, tổ chức lại phương án thi công; vừa làm vừa chờ di dời lưới điện nên tiến độ chậm và phát sinh nhiều chi phí.
Mặc dù tiến độ thi công đang gấp rút, nhưng việc đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng vô cùng quan trọng, cần được đặc biệt lưu ý.
Ông Trần Hoài Thanh, tư vấn giám sát trưởng gói thầu XL-12 cho hay: Việc tổ chức thi công dưới đường dây điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn; nhất là trong điều kiện thời tiết thường xuyên xuất hiện mưa dông, sấm sét. Chúng tôi phải tăng cường kỹ sư giám sát, ứng trực thường xuyên trên công trường để hỗ trợ, cảnh báo; đồng thời lựa chọn thời điểm thi công thích hợp, an toàn. Mặc dù phải chạy đua để hoàn thành tiến độ, nhưng việc đảm bảo an toàn cho công nhân, tài sản vẫn cần được ưu tiên hàng đầu.
Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Hiện các đơn vị đang tập trung di dời các đường dây trung, hạ thế; dự kiến đến 31/12 hoàn thành. Đối với các mố cầu là đường găng tiến độ có vướng hạ tầng kỹ thuật lưới điện, địa phương sẽ thực hiện phương án di dời và làm cáp ngầm để đảm bảo an toàn.
Riêng đường dây 110kV và 220kV, TX Sông Cầu phấn đấu hoàn thành trong quý I/2024. Đến nay đã bàn giao mặt bằng các vị trí trụ mới cho đơn vị thi công đào hố móng, nhưng do thời tiết mưa liên tục nên việc di dời gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Sở GT-VT cũng liên tục yêu cầu các địa phương có hạ tầng lưới điện phải sớm hoàn thành lựa chọn đơn vị xây lắp, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo kịp tiến độ dự án. “Các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để đăng ký thời gian cắt, đóng điện phục vụ công tác di dời đường dây, lưới điện.
Trên cơ sở này, Sở GT-VT tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án Cao tốc Bắc - Nam”, Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Phương Đông nhấn mạnh.
NGÔ XUÂN