Thứ Sáu, 29/11/2024 00:38 SA
Để du lịch vượt lên
Chủ Nhật, 03/12/2023 07:00 SA

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, bền vững, hiệu quả cao, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử.

 

Lập quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng tại các khu di tích, danh thắng quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cấp thiết để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trong ảnh: Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện

 

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị phát triển du lịch Việt Nam được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước mới đây. Những ý kiến, đề xuất, kiến nghị giải pháp của các cơ quan chức năng, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch rất tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn, cho thấy quyết tâm cao trong việc phát triển đột phá ngành Du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần đi sau nhưng phải vượt lên trước.

 

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Đảng, Chính phủ đã ban hành những nghị quyết, chương trình, kế hoạch xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm, quyết liệt, tập trung triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bám sát thực tiễn, ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030; Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

 

Đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

 

Đồ họa: TRẦN QUỚI

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả ngành Du lịch đạt được trong bối cảnh phục hồi và phát triển sau khi bị tác động của đại dịch COVID-19. Thủ tướng cho rằng, những kết quả này là khá tích cực cả về phát triển nguồn lực, sản phẩm và đóng góp với nền kinh tế - xã hội. Điều đó giúp ngành Du lịch tự tin để phát triển, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.

 

“Nếu chúng ta có chính sách, chủ trương đúng, tổ chức thực hiện tốt thì hiệu quả mang lại rất cao”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

 

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh để tiếp tục phát triển thời gian tới. Đó là hệ thống chính trị đất nước ổn định; an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững.

 

Vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ với cả năm phương thức (đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải) và đang phát triển theo hướng tăng cường liên kết. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả núi, rừng, biển và sông; nền văn hóa dân tộc phong phú, đặc sắc; người dân hiền hậu, mến khách, cần cù, linh hoạt, sáng tạo. Chuyển đổi số được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực...

 

Phương châm đặt ra với ngành Du lịch là: “Sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện, đơn giản - giá cả cạnh tranh - môi trường vệ sinh sạch, đẹp - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Các cấp, ngành, địa phương đặt mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

 

Thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng là một trong những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để tiếp tục phát triển du lịch thời gian tới. Trong ảnh: Danh thắng Hòn Yến ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Ảnh: HUỲNH LÊ VIỄN DUY

 

Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch

 

Triển khai thực hiện Nghị quyết 82 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 212, xác định các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời phân công, phân nhiệm các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

 

Theo đó, kế hoạch đề ra 7 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Phú Yên. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia.

 

Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

 

Hầu hết giải pháp, nhiệm vụ yêu cầu thực hiện thường xuyên, trong đó có những nhiệm vụ UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương thực hiện có thời hạn. Cụ thể là việc cơ cấu lại thị trường, định hướng và phát triển thị trường du lịch tiềm năng, thế mạnh; xây dựng đề án Phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề án tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Phú Yên; lập quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng tại các khu di tích, danh thắng quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt đã được phân cấp… phải hoàn tất trong năm 2024.

 

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Nghị quyết 82 của Chính phủ và Kế hoạch 212 của UBND tỉnh đề cập đó là hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ phát triển hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch; tăng tần suất bay, chính sách ưu đãi giá vé; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thúc đẩy các dự án du lịch đưa vào hoạt động; hướng dẫn, triển khai các gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; triển khai áp dụng giá bán lẻ điện ưu tiên đối với nhóm khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch…

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, huy động các nguồn lực và sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, hội đoàn thể, đơn vị, địa phương.

 

“Các sở, ngành, đơn vị, địa phương bám sát các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch của trung ương, của tỉnh và điều kiện thực tế của địa phương để triển khai phù hợp, có hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Sở VH-TT&DL với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh…, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian đến”, đồng chí Đào Mỹ nói.

  

TRN QUI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek