Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những giải pháp góp phần thu hút đầu tư, tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp các doanh nghiệp đến từ Đức để tìm hiểu, đặt vấn đề đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NHƯ THANH |
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên xung quanh các giải pháp nâng cao chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết:
- Trong 10 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy “sức khỏe” doanh nghiệp đáng báo động. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, từ sản phẩm điện tử, may mặc, đồ gỗ cho đến thủy hải sản…
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, không đầu tư mới, cắt giảm lao động tăng lên. Kết quả là chúng ta phải lo xử lý một bộ phận lớn người lao động mất việc. Điều này còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc bảo đảm đời sống của những người lao động có việc làm.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tối màu này thì nền kinh tế vẫn có những tín hiệu đáng mừng. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp phải cùng nhau vượt khó, từng bước phục hồi kinh tế.
Trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. VCCI tiếp tục chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Đậu Anh Tuấn |
* Ông đánh giá như thế nào về chỉ số PCI của Phú Yên thời gian qua?
- Kết quả PCI năm 2022 cho thấy những thay đổi, chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành kinh tế của tỉnh. Nhiều lĩnh vực được cải thiện, chỉ số thành phần tăng nhiều hơn chỉ số thành phần giảm. Một số chỉ số tăng vượt bậc như: chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng 28 bậc, chỉ số tính minh bạch tăng 25. Cộng đồng doanh nghiệp đã có những phản ánh tích cực về nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh.
Các doanh nghiệp đánh giá cao thủ tục hành chính dành cho họ, đặc biệt là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Các mô hình một cửa và một cửa liên thông hiện đại giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thời gian, công sức; tạo tính công khai minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, vị trí chỉ số PCI của Phú Yên trong bảng xếp hạng toàn quốc chưa cao. Phú Yên vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý khắc phục như: chi phí không chính thức, chỉ số gia nhập thị trường... Các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn về thuế, giải phóng mặt bằng…
* Theo ông, những vấn đề tồn tại hiện nay sẽ ảnh hưởng gì đến việc thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh?
- Chỉ số PCI là một kênh thông tin rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định, phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành. PCI phản ánh môi trường đầu tư và kinh doanh của từng địa phương một cách khách quan và trung thực; phản ánh được tất cả ưu điểm và nhược điểm trong việc điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương cấp tỉnh.
Các chỉ số này cũng thể hiện đầy đủ các đặc điểm nhỏ nhất trong kinh tế của một địa phương, từ môi trường đầu tư cho tới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này chi phối rất lớn đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Chỉ số PCI tại địa phương xếp loại tốt sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chính xác, hiệu quả hơn. Theo đó, các địa phương có thể thu hút được nhiều dự án đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân. Địa phương thu hút đầu tư tốt, sẽ góp phần tạo ra môi trường, thị trường cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
* Vậy Phú Yên cần có những giải pháp gì để nâng chỉ số này?
- Cải thiện PCI là làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hài lòng. Xếp hạng chỉ số PCI là động lực để các tỉnh, thành phố ở thứ hạng thấp hơn nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư để có thể phát triển địa phương nhiều hơn trong tương lai.
Việc tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng trong tiếp cận các chính sách giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất. Trong ảnh: Một doanh nghiệp gỗ hoạt động trên địa bàn TX Sông Cầu. Ảnh: NHƯ THANH |
Tuy nhiên, địa phương cần xem đây là công cụ của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải là mục tiêu. Từ các chỉ số PCI, cơ quan quản lý sẽ lấy được các thông tin cần thiết để kịp thời xây dựng, điều chỉnh các giải pháp điều hành phù hợp.
Chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm trong các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, ví dụ như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, thanh tra môi trường, thuế, phòng cháy chữa cháy... Chính vì thế, Phú Yên cần phải triển khai các giải pháp để bắt kịp xu hướng này.
Phú Yên không phải là tỉnh đi nhanh, sớm trong xếp hạng chỉ số PCI, nhưng tỉnh sẽ có lợi thế để bước đi vững chắc. Để nâng cao chỉ số này, đòi hỏi phải có sự phối hợp toàn diện của các cơ quan, ban ngành, địa phương.
Lúc này, tinh thần đồng hành, hỗ trợ của chính quyền các địa phương đang và sẽ mang lại những hiệu ứng rất lớn, có thể tạo thêm động lực thúc đẩy để gia tăng niềm tin giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn. Chính quyền cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm và cần đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp tiến xa hơn.
Chúng ta cần chuyển tư duy tích cực sang chủ động. Chính quyền không chỉ hỗ trợ, hợp tác khi các nhà đầu tư đến mà cần phải chủ động đối thoại, săn tìm nhà đầu tư mới đến địa phương. Các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát để giải quyết dứt điểm, có hiệu quả những vướng mắc, vấn đề đã được các doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp theo chuyên đề, lĩnh vực cụ thể; tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ tối đa trong khuôn khổ quy định của pháp luật để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đội ngũ cán bộ thực thi công vụ cần tạo lập văn hóa hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh để xây dựng lòng tin với doanh nghiệp. Điều quan trọng nữa là Phú Yên cần rút ngắn quá trình từ chính sách đến thực thi, thủ tục hành chính nhanh, gọn, minh bạch hơn.
* Xin cảm ơn ông!
NHƯ THANH (thực hiện)