Thời điểm này, các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất hàng hóa, thực phẩm trong tỉnh đã bắt tay chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Chuẩn bị nguồn hàng
Không chỉ chăm chút 3 thùng mắm cá cơm chuẩn bị ra nước đầu để bán trong mùa tết năm nay, bà Nguyễn Thị Mến (xã An Phú, TP Tuy Hòa) còn liên hệ với cơ sở cung cấp chai, bì, hộp giấy… để đặt, nhận hàng vào đầu tháng tới.
Theo bà Mến, năm ngoái, cơ sở bán khoảng 3.000 lít mắm các loại, giá từ 20.000-150.000 đồng/lít, trong đó chủ yếu là mắm loại một, loại hai. Để phục vụ mùa tết năm nay, gia đình chuẩn bị 3 thùng mắm. Nhưng để mắm không đậm màu và thơm đậm vị thì nửa tháng nữa mới chiết mắm. Gia đình chủ động liên hệ với các bạn hàng cũ nắm số lượng để chuẩn bị trước.
Cũng rộn ràng chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết, chị Trần Thị Mỹ Lệ (xã An Mỹ, huyện Tuy An) tranh thủ những ngày nắng tráng bánh tráng. Chị Lệ cho biết: Bánh tráng ngon không chỉ phụ thuộc vào chất lượng gạo mà còn có yếu tố thời tiết, nếu trời nắng đẹp thì bánh phơi được khô, thơm hơn và giữ được lâu. Gia đình có lò sấy, có bánh sấy nhưng nhiều khách hàng chuộng bánh phơi nắng hơn.
Do đó mỗi ngày, tôi chuẩn bị mọi thứ để có thể tráng bánh dự trữ, kịp bán tết. “Tết năm ngoái, giá bánh tráng 130.000-150.000/100 bánh, nhưng năm nay giá cao hơn, dự tính khoảng 200.000 đồng/100 bánh, vì giá gạo hiện đã 15.000-17.000 đồng/kg”, chị Lệ nói thêm.
Tương tự các cơ sở sản xuất khác, chị Kiều Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất hạt mắc ca sấy khô, tẩm gia vị ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cũng dự trữ, sơ chế, bảo quản hạt tươi, hạt sấy thô để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Chị Hạnh chia sẻ: Hạt mắc ca thu hoạch mỗi năm một lần. Để có hàng bán quanh năm, chúng tôi thu gom về dự trữ và bảo quản. Nhu cầu loại hạt này cũng gia tăng trong dịp tết nên cơ sở chuẩn bị từ sớm mới đủ cung cấp.
Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm
Nhiều người cho rằng, với sự đa dạng của hàng hóa, thực phẩm bán trên thị trường thì việc tin dùng sản phẩm sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm làm tại địa phương sẽ có độ tin cậy hơn. Vì vậy, các cơ sở cần chú trọng, đảm bảo các tiêu chí về sản xuất, bảo quản, an toàn thực phẩm…, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, lợi ích người tiêu dùng và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại khác.
Phú Yên hiện có hơn 20 làng nghề truyền thống, trong đó có 17 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, còn lại là các làng nghề thuần nông nghiệp; đa số sản xuất theo mô hình nhỏ, hộ gia đình. Ngoài làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình tự đầu tư, sản xuất thực phẩm, hàng hóa cung ứng ra thị trường.
Tết Nguyên đán được xem là mùa cao điểm cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm các loại. Vậy nên trong dịp này, hầu hết các cơ sở đều tập trung chuẩn bị nguồn cung, làm mới bao bì, nhãn mác, chú trọng chất lượng để sản phẩm thu hút người dùng và có lượng tiêu thụ tốt hơn.
Theo ông Võ Văn Thân (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa), gia đình nhiều năm làm rượu tằm và chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, nhãn mác mới để sản phẩm ngày một chất lượng hơn. Đặc biệt trong mỗi dịp tết, lượng khách hàng sẽ nhiều, nếu sản phẩm không chất lượng thì khó giữ chân khách hàng.
Theo Sở Công Thương, đơn vị luôn tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất tuân thủ quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Đồng thời, sở thường xuyên tổ chức, phối hợp với các đơn vị kiểm tra các cơ sở trên địa bàn. Trong những mùa mua sắm cao điểm như lễ, tết, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân, cơ sở sản xuất, yêu cầu cung cấp ra thị trường sản phẩm có chất lượng tốt.
“Sở Công Thương mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư trang thiết bị, hoàn thiện quy trình sản xuất tiên tiến, lựa chọn kỹ lưỡng chất liệu, nguyên liệu đầu vào… để sản phẩm làm ra được người tiêu dùng đón nhận, từ đó nâng uy tín thương hiệu, tạo niềm tin cho người dùng”, ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.
VÕ PHÊ