Thứ Bảy, 23/11/2024 13:54 CH
Bảo tồn làng nghề truyền thống trước nguy cơ mai một
Thứ Sáu, 24/11/2023 16:00 CH

Thời gian qua, các ngành chức năng, địa phương nỗ lực bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi… làm cho một số nghề truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí có nguy cơ mai một.

 

Hội đồng kiểm tra, đánh giá thực tế tại làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Ảnh: NGỌC HÂN

 

Giá trị và thách thức

 

Làng nghề chiếu cói Phú Hòa, phường Hòa Hiệp Trung và làng nghề chiếu cói Thọ Lâm, phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) từng nổi tiếng khắp vùng với sản phẩm chiếu thủ công bền, đẹp. Khác hẳn sự nhộn nhịp ngày trước, bây giờ không còn nghe tiếng kẽo kẹt của khung dệt ở làng nghề chiếu cói.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, dù các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng nhiều hộ sản xuất ở 2 làng nghề chiếu cói đã chuyển sang làm việc khác. Sản phẩm làm ra không đồng nhất về chất lượng, thị trường tiêu thụ hẹp, công lao động và thu nhập từ sản phẩm làm ra thấp nên lao động chính làng nghề đã chuyển đổi nghề khác có thu nhập cao hơn.

 

“Hiện làng nghề chiếu cói Phú Hòa chỉ còn 8/158 hộ tham gia sản xuất, chủ yếu trồng cói để làm thành phẩm lát khô bán lại cho các đơn vị dệt chiếu cói; còn làng nghề chiếu cói Thọ Lâm hiện không còn lao động hoạt động trong làng nghề”, ông Hồng cho biết.

 

Năm 2007, làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) được UBND tỉnh công nhận, qua đó nâng cao vị thế làng nghề, tăng thu nhập cho người dân, góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, làng nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một, hiện chỉ có 8 hộ theo nghề.

 

Bà Nguyễn Thị Xanh, một trong những hộ nhiều năm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn Mỹ Thạnh Tây chia sẻ: “Giá trị kinh tế không cao, đầu ra bấp bênh nên người dân khó duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm, đành chuyển đổi canh tác để tăng thu nhập. Tôi vẫn cố bám trụ với nghề, muốn níu giữ nét truyền thống của quê hương. Hy vọng sắp tới, nghề này sẽ được khôi phục”.

 

Cần hướng đi bền vững

 

Vừa qua, Hội đồng xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh (gọi tắt là hội đồng) kiểm tra thực tế và xét thông qua 2 hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống năm 2023 gồm: làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) và làng nghề nước mắm Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa).

 

Dệt thổ cẩm tại thôn Xí Thoại là một trong những nghề thủ công lâu đời. Đặc thù làng nghề là sử dụng nguyên liệu chỉ len nhiều màu sắc, khung dệt, máy may, máy vắt sổ… tạo nên những sản phẩm mang nét đặc trưng riêng. Để bảo tồn làng nghề, Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại được thành lập với nhiệm vụ đưa sản phẩm truyền thống làng nghề ra thị trường bằng con đường OCOP.

 

Chị La Thị Nhung, Chi hội trưởng Nông dân thôn Xí Thoại chia sẻ: “Hiện nay, thế hệ trẻ hầu như không biết dệt, không thích dệt thổ cẩm. Chúng tôi đã cố gắng dạy nghề ngay trong gia đình hoặc trong thôn, buôn để các chị em biết dệt. Đến nay, làng nghề có 40/192 hộ hoạt động sản xuất, tạo ra các sản phẩm mang nét đặc trưng riêng như: túi đựng điện thoại, khăn choàng cổ, túi đựng phụ kiện… được tiêu thụ tại các điểm du lịch trong tỉnh”.

 

Bà Trần Thị Nguyệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Hòa cho biết: “Công tác gìn giữ, bảo tồn làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập luôn được địa phương quan tâm. Toàn huyện hiện có 5 làng nghề truyền thống được công nhận. Để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề theo quy định tại Nghị định 52 của Chính phủ”.

 

Hiện toàn tỉnh có 20 làng nghề truyền thống. Bên cạnh một số nghề bị mai một và dần thất truyền thì cũng có nhiều làng nghề, nghề truyền thống đã chủ động tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường.

 

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng việc phát triển làng nghề tại các địa phương hiện gặp nhiều khó khăn như: cơ sở sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, chỉ ở quy mô hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các cơ sở trong quá trình sản xuất, việc tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được đẩy mạnh. Từ đó dẫn đến việc người làm nghề chỉ làm vì đam mê, vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông mà không tính đến chuyện mở rộng quy mô hay cải tiến mặt hàng truyền thống để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh nỗ lực khôi phục, bảo tồn 10 làng nghề có nguy cơ mai một; ít nhất 10 sản phẩm làng nghề tham gia Chương trình OCOP và được gắn sao, đồng thời xây dựng thương hiệu 5 làng nghề…

 

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek