Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản có mối quan hệ với nhiều ngành kinh tế khác. Do đó nếu thị trường bất động sản hoạt động an toàn, bền vững sẽ tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian qua, khi thị trường này gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt các biện pháp, thành lập tổ tháo gỡ khó khăn và đã có chuyển biến tích cực.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến 30/9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỉ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong số đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. Trong 9 tháng của năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng cao hơn tỉ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, lên tới 21,86%.
Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở.
Cụ thể, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu, đã giải ngân được 29.679 tỉ đồng cho hơn 53.000 cá nhân, hộ gia đình tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn. Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của chương trình là 6.276 tỉ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng triển khai 5 chương trình cho vay liên quan tới bất động sản với tổng dư nợ 27.005 tỉ đồng chiếm 8,71% trên tổng dư nợ các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội trên 240.000 khách hàng đang vay vốn.
Đối với chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33/NQ-CP, đến nay trên cơ sở danh mục dự án đủ điều kiện tham gia chương trình của 22 UBND các tỉnh, thành phố, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho 3 dự án với số tiền giải ngân đến nay là 105 tỉ đồng. Tuy nhiên, thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận sau khi thực hiện nhiều giải pháp, thị trường này đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, nếu thị trường được hanh thông sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị về vấn đề lãi suất, hạn mức tín dụng của ngân hàng thương mại, cũng như điều kiện tiếp cận tín dụng, thời hạn tiếp cận tín dụng…
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Do đó, thời gian tới ngành Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản và từ đó sẽ có các giải pháp để chia sẻ cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng với đó là các văn bản dưới luật.
Thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, nếu thị trường được hanh thông sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế |
Theo TTXVN