Để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác bảo vệ rừng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật lâm nghiệp.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, các chủ rừng tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những khuyết điểm, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian qua. Thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm các quy định của Nhà nước về lâm nghiệp (tại khoản 2 Điều 102 Luật Lâm nghiệp năm 2017); tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đối với những diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, đặc biệt các điểm nóng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Xem xét kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định…
Sở NN&PTNT phối hợp và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt phương án giao rừng, cho thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân đối với các diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các hạt kiểm lâm, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng có liên quan tổ chức rút kinh nghiệm những tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian qua. Tổ chức kiểm tra các tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng (đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý hiếm), các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các ban quản lý rừng tổ chức quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp và diện tích rừng đã giao; phối hợp cơ quan Tài nguyên môi trường lập phương án giao đất, quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng hồ sơ quản lý toàn bộ diện tích đất, rừng thuộc ban quản lý theo đúng quy định…
Công an tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm, quân đội và chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, các đường dây khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, mua bán đất rừng trái phép theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm có hiệu quả các vụ án hủy hoại rừng; vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng; vi phạm về quản lý lâm sản còn tồn và phát sinh mới; xử lý trách nhiệm chủ rừng, các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép ở địa phương quản lý nhưng thiếu trách nhiệm, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Bộ CHQS tỉnh, Cơ sở giáo dục bắt buộc A1 (đơn vị được Nhà nước giao rừng) chủ động tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp với lực lượng kiểm lâm, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế, kế hoạch phối hợp tuyên truyền, giáo dục, trao đổi thông tin, tập huấn, diễn tập trong hoạt động bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. Xây dựng lực lượng, tổ đội thường trực phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác trái pháp luật trên lâm phận được giao đúng theo quy định pháp luật.
(PYP)