Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đã tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp cho các khoản vay mới, đồng thời tiếp tục điều chỉnh giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu để kích cầu tín dụng.
Lãi vay đồng loạt giảm
VietinBank vừa công bố gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỉ đồng với lãi suất từ 5,9%/năm nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những tháng cuối năm 2023. Lãi suất này áp dụng cho các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng VND, phát sinh mới từ nay đến hết 31/12/2023; dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ lần đầu vay vốn tại VietinBank hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua. Khi dư nợ càng tăng thì lãi suất sẽ được giảm tương ứng. Theo đại diện VietinBank, chính sách này nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều thách thức, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trước đó, Agribank cũng công bố giảm lãi suất cho vay từ ngày 1/11 đến hết 31/12/2023 để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19. Cụ thể, trong 2 tháng cuối năm nay, Agribank sẽ điều chỉnh lãi suất đối với dư nợ hiện hữu của các khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng về tối đa đến mức sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank, trong đó sẽ có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3-4%.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, đây là lần thứ 7 liên tiếp Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giúp khách hàng giảm thiểu chi phí vốn để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình tín dụng lãi suất thấp, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi…”, ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết.
Không riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong những tháng cuối năm. Theo đó, tại Sacombank, ngân hàng này dành 12.000 tỉ đồng cho vay vốn phục vụ sản suất kinh doanh ngắn hạn, với lãi suất từ 6%/năm dành cho khách hàng cá nhân và lãi suất từ 5%/năm cho khách hàng doanh nghiệp. HDBank thì triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng dành riêng cho doanh ngiệp mới vay, lãi suất từ 6,4%/năm, áp dụng đến 31/12/2023. Ngân hàng này còn chấp nhận tỉ lệ cho vay cao dựa trên tài sản bảo đảm, phương án bảo đảm vốn vay đa dạng…
Mạnh dạn cung ứng vốn
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, thời gian qua, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn khôi phục sản xuất kinh doanh. Hiện tất cả các ngân hàng thương mại đều thực hiện đúng quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh đã giảm khoảng 0,5-5%.
Giám đốc một ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa cho biết, lãi suất huy động liên tục giảm trong những tháng qua, thậm chí bằng với mức đáy của giai đoạn COVID-19 đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Hiện ngân hàng cũng đón đầu nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dịp cuối năm nên tung ra nhiều gói ưu đãi lãi suất để kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn đến đâu còn tùy thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, mặc dù mặt bằng lãi suất đã xuống thấp nhưng mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn ì ạch. Theo số liệu từ Cục Thống kê, ước đến cuối tháng 10/2023, tổng dư nợ cho vay ở Phú Yên là 47.685 tỉ đồng, tăng 4,9% so với cuối năm 2022; thấp hơn mức tăng trưởng 6,81% của toàn quốc và thấp hơn mức 10,35% của cùng kỳ năm 2022.
Nhân chuyến công tác mới đây tại Phú Yên, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng: Tỉnh Phú Yên có quy mô kinh tế còn nhỏ, doanh nghiệp còn khó khăn nên rất cần sự đầu tư, hỗ trợ về nguồn vốn để phát triển. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đang quá thấp, có thể nói là thuộc nhóm thấp nhất cả nước nên ngành Ngân hàng Phú Yên càng phải nỗ lực hơn nữa. Mặc dù việc cung ứng vốn còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế chứ không thể đẩy vốn một cách ồ ạt nhưng các ngân hàng phải mạnh dạn cho vay tại địa phương, không chỉ chú trọng cho vay sản xuất, kinh doanh mà còn phải quan tâm đến cho vay tiêu dùng. Bởi có cầu thì mới có cung, có tiêu dùng thì mới kích thích được sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Cho vay trước hết là thể hiện trách nhiệm đối với nền kinh tế, với các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; ngân hàng không thể huy động nơi này để cho vay nơi khác mà phải mạnh dạn cho vay tại địa phương.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú |
LÊ HẢO