Chủ Nhật, 06/10/2024 11:32 SA
Các quỹ tín dụng nhân dân:
Chèo chống” với biến động lãi suất
Thứ Sáu, 07/11/2008 14:30 CH

Các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Phú Yên ngày càng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do thị trường tín dụng biến động liên tục, sự cạnh tranh gay gắt từ phía các ngân hàng thương mại. Trước sự biến động lãi suất trên thị trường tiền tệ hiện nay, các quỹ tín dụng càng ra sức “chèo chống” để tồn tại.

 

chau-thanh-081107.jpg

Nhân viên Quỹ tín dụng nhân dân Châu Thành giải ngân vốn cho thành viên vay  - Ảnh: Q.THUẦN

 

GẮNG GƯỢNG TRƯỚC SỨC ÉP CẠNH TRANH

 

Hiện tổng dư nợ cho vay của bốn quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Phú Yên đạt 9,8 tỉ đồng với trên 1.000 hộ vay, giảm 694 triệu đồng so với đầu năm, trong khi nguồn vốn huy động tại chỗ chưa đến 8 tỉ đồng. Nguồn vốn bị hạn chế nên mức vay tại các quỹ tín dụng nhân dân thường từ 10 triệu đồng/hộ trở xuống.

Theo nhận định của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, chưa bao giờ các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Phú Yên gặp khó khăn như hiện nay. So với các ngân hàng thương mại, các quỹ tín dụng nhân dân “yếu thế” hơn nhiều do cơ sở vật chất hạn chế, trình độ đội ngũ cán bộ tín dụng chưa cao, chưa quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nên chưa tạo ra sự tăng tốc trong thị trường tín dụng đầy sôi động. Hiện nay, các quỹ tín dụng nhân dân chịu sức ép rất lớn về cạnh tranh thị phần tín dụng, phải “chèo chống” vất vả trước mặt bằng lãi suất cao, nhất là trong việc huy động vốn đầu vào để duy trì hoạt động cho vay hỗ trợ đối với các thành viên của mình. Bà Diệp Thị Phượng, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Châu Thành (TP Tuy Hòa), cho biết: “Trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng chúng tôi có tới 8 phòng giao dịch của sáu ngân hàng thương mại cùng tham gia thị trường tín dụng. Trong cuộc cạnh tranh này, ưu thế thuộc về các ngân hàng vì quy mô lớn, địa bàn rộng. Có khách hàng chỉ thấy lãi suất chênh nhau 0,01- 0,02%/tháng, ngay lập tức rút tiền trước kỳ hạn từ quỹ tín dụng để đem gửi ở ngân hàng. Để sống được trên thị trường buộc chúng tôi phải đưa ra mức lãi suất huy động cao hơn các ngân hàng một chút. Thế nhưng, hiện dư nợ cho vay tại Quỹ tín dụng nhân dân Châu Thành cũng chỉ đạt 2,4 tỉ đồng, giảm 800 triệu đồng so với năm 2007, vốn huy động đạt 2,1 tỉ đồng, giảm 10%”. Tình trạng “chảy” vốn cũng diễn ra tại quỹ tín dụng nhân dân các xã Hòa Trị, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa). 

 

“LIỆU CƠM GẮP MẮM”

 

Hiện lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố còn 12%/năm, cán cân cung - cầu tiền tệ, tính thanh khoản không còn căng thẳng. Do đó, lãi suất trên thị trường tín dụng có chiều hướng giảm dần, đang ở mức huy động vốn dưới 16%/năm, cho vay tối đa không quá 18%/năm. Mặc dù lãi suất đã “hạ nhiệt” nhưng với đặc thù của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, các quỹ tín dụng nhân dân cũng biết “liệu cơm, gắp mắm”, tiếp tục thực hiện một số giải pháp để cố gắng vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động là một kênh vốn tín dụng trong nội bộ cộng đồng dân cư.

 

Tận dụng ưu thế bằng những món vay nhỏ, lẻ, thủ tục đơn giản, thời gian làm việc linh hoạt, cán bộ tín dụng là người tiếp xúc hàng ngày với khách hàng nên giám sát được việc sử dụng vốn vay, quá trình luân chuyển vốn. Hơn nữa việc tính toán cho vay sát với nhu cầu vay vốn, mục đích, chu kỳ sản xuất, kinh doanh nên các quỹ tín dụng bảo đảm thu nợ kịp thời, hạn chế được rất nhiều rủi ro trong tín dụng. Các quỹ tín dụng đã chủ động trong việc cho vay, thường xuyên bám sát định hướng phát triển kinh tế tại địa phương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng kinh doanh, dịch vụ để có kế hoạch đầu tư cho vay đúng hướng, giúp thành viên phát huy được hiệu quả vốn vay... Ông Đỗ Minh Đô, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân xã Hòa Thắng (Phú Hòa) cho biết: “Mặc dù có khó khăn về huy động vốn nhưng chúng tôi cũng rất cố gắng trong việc cung cấp tín dụng cho các thành viên của mình. Việc giải ngân cho vay bình quân khoảng 5 - 10 triệu đồng/hộ. Hiện trong tổng dư nợ 1,02 tỉ đồng, dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp chiếm đến 92%, còn lại 8% cho vay kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ”.  

 

Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị yêu cầu các quỹ tín dụng nhân dân điều chỉnh kịp thời cơ cấu, tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng nguồn vốn, trình độ quản lý của mình; tăng cường quản lý vốn khả dụng, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn bảo đảm khả năng chi trả, khả năng thanh toán.

 

QUANG THUẦN

 

Quỹ tín dụng cũng “bội thực” vốn

 

Trong số bốn quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động trên địa bàn Phú Yên duy chỉ có Quỹ tín dụng Chí Thạnh (huyện Tuy An) có nguồn vốn kinh doanh dồi dào nhất. Không chỉ đủ vốn cho các thành viên vay , hiện quỹ tín dụng này xảy ra tình trạng “bội thực” vốn huy động hàng trăm triệu đồng. Đây là kết quả của việc thực hiện hàng loạt chính sách lãi suất linh hoạt nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong mỗi thành viên của quỹ và trong khu vực dân cư. Ông Triệu Khải, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Chí Thạnh, cho biết: “Dư nợ cho vay đạt 3,1 tỉ đồng, không tăng so với đầu năm. Trong khi nguồn vốn huy động tại chỗ đang dư 600 triệu đồng phải cho Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương vay lại”.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek