Chủ Nhật, 06/10/2024 13:33 CH
Việt Nam sẽ có 20 tuyến đường cao tốc
Thứ Năm, 06/11/2008 15:53 CH

Theo bản Quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo vừa được trình Chính phủ, mạng đường bộ cao tốc quốc gia gồm 20 tuyến với tổng chiều dài 5.873 km.

 

cao toc-081106.jpg
Mô hình cao tốc Láng - Hòa Lạc sau khi hoàn thành.
Phát biểu tại hội thảo về Chiến lược Đầu tư và phát triển mạng lưới đường cao tốc tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Giao thông vận tải tổ chức sáng 6/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ  đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.

 

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Giao thông vận tải đã trình và sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định và phê duyệt Qui hoạch hệ thống đường cao tốc Việt Nam.

 

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, mục tiêu của việc xây dựng hệ thống đường cao tốc này là nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia của Việt Nam, định ra tiến trình xây dựng các giai đoạn từng kỳ 10 năm (đến 2020 và sau 2020), định hướng cho những năm tiếp theo và được điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

 

Bên cạnh đó, hệ thống cũng bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao, trong đó tập trung xây dựng tuyến cao tốc Bắc Nam, ưu tiên các tuyến đường cao tốc hướng tâm nối các thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), các tuyến vành đai và các tuyến ra các cảng biển lớn; tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực, quốc tế; góp phần giải quyết ách tắc giao thông, trước hết tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 

Theo Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức, trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 của đất nước, phát triển kinh tế của 3 vùng kinh tế trọng điểm và nhu cầu vận tải cùng các quy hoạch có liên quan, Quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc quốc gia gồm 20 tuyến với tổng chiều dài 5.873 km gồm:

 

1 - Tuyến cao tốc Bắc – Nam: Gồm có 02 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.262 km. Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, chiều dài khoảng 1.941 km; Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.321 km.

 

2- Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc: Gồm 06 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 969 km, cụ thể các tuyến như sau:  Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh, dài 130; Hà Nội - Hải Phòng, dài 105 km; Hà Nội - Việt Trì – Lào Cai, dài 264 km; Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái, dài 294 km; Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), dài 90 km; Láng - Hoà Lạc – Hoà Bình, dài 56 km; Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, dài 160 km.

 

3- Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Gồm 03 tuyến với tổng chiều dài 264 km, cụ thể các tuyến như sau: Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) – Hương Sơn (Hà Tĩnh), dài 34 km; Cam Lộ (Quảng Trị) – Lao Bảo (Quảng Trị), dài 70 km; Quy Nhơn (Bình Định) – PleiKu (Gia Lai), dài 160 km.

 

4- Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam: Gồm 06 tuyến với tổng chiều dài 834 km, cụ thể như sau: Biên Hoà (Đồng Nai) - Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), dài 76 km; Dầu Giây (Đồng Nai) - Đà Lạt (Lâm Đồng), dài 209 km; Tp. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước), dài 69 km; Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh), dài 55 km; Châu Đốc (An Giang) – Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 200 km; Hà Tiên – Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, dài 225 km; Cần Thơ – Cà Mau, dài 150 km.

 

5- Hệ thống đường vành đai cao tốc tại TP. Hà Nội và TP.  Hồ Chí Minh: TP.  Hà Nội: Vành đai 3, dài 56 km; Vành đai 4, dài 125 km; TP. Hồ Chí Minh: Vành đai 3, dài 83 km (Đường vành đai 5 TP. Hà Nội, vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh với chức năng nối các đô thị vệ tinh của 2 TP. trong tương lai sẽ được xem xét, điều chỉnh trong quá trình thực hiện).

 

Để đảm bảo vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, các nguồn vốn sẽ được huy động gồm vốn ngân sách nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình...; vốn do các nhà đầu tư huy động để đầu tư xây dựng theo các hình thức BOT, BTO, BT, hợp tác nhà nước – tư nhân (PPP)...

 

Cũng theo Thứ trưởng Đức, Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tạo vốn để đầu tư mạng đường bộ cao tốc, theo hướng khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Đối với các dự án cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng có khả năng hoàn vốn thấp, không có nhà đầu tư tham gia, Bộ Giao thông vận tải chủ động tìm nguồn vốn để thực hiện.

 

Theo ông Simon Ellis, chuyên gia cao cấp về giao thông của WB, kinh nghiệm ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy với mỗi 1% mức tăng trưởng GDP thì cần có khoản đầu tư vào hạ tầng giao thông tương đương 1/4%-1/3% của  GDP, nghĩa là với mức tăng trưởng GDP từ 6 - 8%/năm như Việt Nam hiện nay đòi hỏi một khoản đầu tư vào hạ tầng giao thông là 1.5-2.7% GDP hoặc khoảng 1.0-1.8 tỉ USD.

 

Theo VNM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek