Thứ Hai, 25/11/2024 15:19 CH
Đồng hành cùng doanh nghiệp để khơi dòng tín dụng
Thứ Hai, 23/10/2023 07:10 SA

Các doanh nghiệp đang tính toán lại chi phí sản xuất kinh doanh trước những tác động bất lợi của nền kinh tế. Ảnh: LÊ HẢO

9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Phú Yên thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước và so với mặt bằng chung cả nước. Nguyên nhân do đâu?

 

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Phú Yên cho biết:

 

- Tính đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 47.175 tỉ đồng, tăng 1.724 tỉ đồng, tức tăng 3,79% so với đầu năm 2023. So với dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 15% thì chỉ hoàn thành khoảng 25% kế hoạch.

 

Mức tăng này khá thấp, bởi cùng kỳ năm ngoái, tổng dư nợ tín dụng ở Phú Yên tăng trưởng 10%. Còn so với mặt bằng chung, 9 tháng đầu năm, cả nước tăng trưởng tín dụng 6,92% thì mức tăng trưởng của Phú Yên chỉ bằng khoảng 50%.

 

Ông Trần Văn Trí

* Được biết, 9 tháng đầu năm nay, NHNN Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khơi thông dòng vốn tín dụng. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những giải pháp này?

 

- Dự báo năm 2023 tiếp tục có những khó khăn nhất định, vì vậy, từ đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp.

 

Đầu tiên là đảm bảo khả năng thanh toán của toàn hệ thống để giải bài toán room tín dụng đặt ra vào giai đoạn cuối năm ngoái. 9 tháng đầu năm nay, NHNN đã xử lý vấn đề này rất tốt, nguồn vốn trên thị trường dồi dào. Nhưng nghịch lý là tăng trưởng không được như kỳ vọng.

 

Bên cạnh vấn đề nguồn vốn, NHNN cũng rất quyết liệt trong việc hạ mặt bằng lãi suất. Cụ thể là từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2%. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh cũng đã giảm đáng kể. Trong đó, lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh giảm khoảng 0,5-5%. Theo tôi, đây là mức giảm khá lớn. Nếu nhìn vào chi phí vốn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì đây là đòn bẩy, là động lực nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

 

Bên cạnh các giải pháp nói trên, NHNN còn đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng hỗ trợ. Ngoài chương trình tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ xuất nhập khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, NHNN còn có những gói tín dụng đặc thù như gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 với số tiền hỗ trợ lên đến 40.000 tỉ đồng; gói cam kết của các ngân hàng cho vay ưu đãi lĩnh vực lâm, thủy sản 15.000 tỉ đồng… Những gói hỗ trợ này được NHNN chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt.

 

Thêm vào đó, Thông tư 02 với nội dung cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp các doanh nghiệp có kế hoạch trả nợ hợp lý, hiệu quả hơn. Khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ, khách hàng không bị chuyển nợ hiện hữu sang nợ xấu, nợ quá hạn nên có thể tiếp cận với các khoản tín dụng mới.

 

* Mặc dù NHNN đã triển khai một loạt giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng tỉ lệ tăng trưởng tín dụng ở Phú Yên vẫn thấp hơn mặt bằng chung. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

 

- Việc tăng trưởng dư nợ ở Phú Yên thấp không nằm ngoài xu hướng tăng trưởng tương đối thấp của cả nước trong năm nay. Tuy nhiên, ở Phú Yên có tính đặc thù hơn. Mặc dù NHNN chi nhánh Phú Yên cũng triển khai đầy đủ, quyết liệt các chủ trương, quyết sách của NHNN Việt Nam trên địa bàn tỉnh nhưng tăng trưởng dư nợ vẫn khá thấp. Nguyên nhân có thể kể đến như sau:

 

Độ trễ tác động của dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài đến hôm nay. Cuộc xung đột Nga - Ukraina góp thêm vào, làm đứt gãy chuỗi cung cầu. Cụ thể, mức cầu cho xuất khẩu giảm, vì sức mua của các nước trên thế giới giảm. Tăng trưởng kinh tế của các nước chậm đi, và đâu đó có dấu hiệu chững lại. Ở chiều nhập khẩu, vì tác động nói trên mà chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng cao dẫn tới chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đẩy lên cao.

 

Đối với trong nước, cầu đầu tư và tiêu dùng cùng giảm. Doanh nghiệp đứng trước bài toán là duy trì hoạt động sản xuất lúc này có đảm bảo được việc thu hồi vốn và có lợi nhuận tích lũy hay không. Sau khi tính toán, nhiều doanh nghiệp không có đủ tiềm lực phát triển sản xuất kinh doanh thì tạm dừng hoặc đóng cửa. Đối với các doanh nghiệp vẫn còn có thể sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, họ đắn đo trước những điều kiện bất lợi của nền kinh tế nên giảm việc đi vay, thậm chí hoàn trả các khoản vốn đã vay.

 

Với những tác động bất lợi nêu trên, sức khỏe của các doanh nghiệp không được đảm bảo. Họ không tìm được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả để chứng minh cho ngân hàng, tài sản thế chấp cũng đã cạn kiệt. Vì vậy, doanh nghiệp không còn đủ điều kiện ở góc độ tài sản đảm bảo để tiếp cận vốn vay.

 

9 tháng đầu năm nay, nguồn vốn trên thị trường dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng không được như kỳ vọng. Ảnh: LÊ HẢO

 

* Doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng khó. Vậy theo ông, ngành Ngân hàng cần làm gì trong những tháng còn lại của năm 2023 để chữa bệnh “thừa tiền”?

 

- Giải pháp tiên quyết lúc này là đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng hành là cùng tháo gỡ để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tạo môi trường kinh doanh tốt, qua đó, hoạt động của ngân hàng, nhất là việc cung ứng vốn và các dịch vụ đi kèm sẽ được thúc đẩy, hiệu quả kinh doanh tăng lên.

 

Một số giải pháp có thể làm ngay là tiếp tục nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp. Về thủ tục hành chính, các ngân hàng phải tiết giảm tối đa thủ tục vay vốn, chủ động tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Bởi cán bộ ngân hàng là những người được đào tạo khá bài bản về kinh tế, ngoài công việc kinh doanh tiền tệ thì họ sẽ có mức độ am hiểu nhất định về nền kinh tế, có thể hỗ trợ, kết nối, giúp khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh tốt hơn. Doanh nghiệp cần chủ động tương tác, nêu lên những khó khăn, vướng mắc của mình để ngân hàng biết cách hỗ trợ.

 

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ tích cực chuyển đổi số để giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí đi lại khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

 

Ngành Ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo quy chế phối hợp đã ký kết với các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm. Theo đó, các đơn vị trong ngành tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng với chi phí hợp lý. Các hội, hiệp hội doanh nghiệp làm đầu mối thông tin nhu cầu vay vốn, những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp để hệ thống ngân hàng tìm cách tháo gỡ. Ngược lại, các tổ chức tín dụng chủ động cung cấp thông tin về vốn và các dịch vụ để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Đây là cách làm hết sức tích cực, chủ động, được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Thời gian tới, NHNN chi nhánh Phú Yên còn yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các chỉ đạo của ngành, tập trung triển khai các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31; gói cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói cho vay hỗ trợ lâm, thủy sản; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Qua đó giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là tiếp cận với các khoản vay mới.

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek