Thứ Ba, 01/10/2024 20:40 CH
Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường
Thứ Bảy, 21/10/2023 07:00 SA

Công ty CP An Hưng nỗ lực ổn định được đơn hàng, đảm bảo việc làm cho công nhân. Ảnh: NHƯ THANH

Trong những tháng cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp cho biết đang nỗ lực phát huy nội lực, tận dụng từng cơ hội để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh.

 

Đơn hàng giảm mạnh

 

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian tới, thách thức, khó khăn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trong đó, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với suy giảm tăng trưởng của các đối tác thương mại. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam, dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn cả ở đầu ra và đầu vào.

 

Quý IV hằng năm luôn được các doanh nghiệp xác định là thời gian nước rút để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đề ra cho cả năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, lạm phát cùng với xung đột ở một số khu vực… khiến thu nhập, sức mua của thị trường toàn cầu giảm sút rõ rệt.

 

Chia sẻ từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Hà Hùng Vĩ, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Thành (TX Đông Hòa) cho hay, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đều gặp khó khăn. Hiện nay, công ty chủ yếu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội thất để xuất sang châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường này gần như đóng băng, chúng tôi không tìm được khách hàng mới. Công ty đang nỗ lực điều chỉnh lao động, giờ làm, chỉ duy trì sản xuất những đơn hàng đã ký trước đó.

 

Sản xuất, xuất khẩu thủy hải sản gặp khó như hiện nay là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lo lắng không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2023, ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải (Khu công nghiệp Hòa Hiệp, TX Đông Hòa) chia sẻ: Công ty chuyên xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương và các loại hải sản khác đã chế biến sang thị trường châu Âu. Hiện các đơn hàng ngày càng trì trệ. Từ nay đến cuối năm, công ty sẽ xuất 6 container với khoảng 300 tấn sản phẩm đi các nước Mỹ, Trung Quốc, châu Âu. Dự kiến, chúng tôi chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra trong năm 2023.

 

Một doanh nghiệp sản xuất thủy hải sản ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp, TX Đông Hòa. Ảnh: NHƯ THANH

 

Nỗ lực tìm kiếm cơ hội

 

Bức tranh kinh doanh những tháng cuối năm vẫn là những mảng sáng - tối đan xen. Tùy từng ngành nghề và lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp thua lỗ phải thu hẹp sản xuất, tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn có những doanh nghiệp vượt khó, đảm bảo tình hình sản xuất kinh doanh.

 

Không quá rầm rộ trong sản xuất, song Công ty CP An Hưng vẫn ổn định được đơn hàng, đảm bảo việc làm cho công nhân trong những tháng vừa qua. Bà Bùi Thị Kim Son, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty CP An Hưng cho biết: Với điều kiện là doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới, công ty đã tận dụng mọi nguồn lực để không bị đứt gãy dây chuyền sản xuất. Dù đơn hàng không dồi dào như 2 năm trước nhưng công ty vẫn có những khách hàng nhất định. Điều này giúp công ty thu hồi được vốn và tiếp tục bổ sung nguyên phụ liệu, duy trì việc làm cho công nhân.

 

Cũng theo bà Son, trước những ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai cũng như khủng hoảng năng lượng, ngoài việc chủ động đưa ra nhiều phương án duy trì sản xuất, công ty đã mạnh mẽ đầu tư xây dựng môi trường làm việc theo yêu cầu tiêu chuẩn về nhà máy xanh, giảm khí thải ô nhiễm. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, công ty đã có những đơn hàng mới.

 

Trong khi đó, song song với việc ổn định sản xuất cũng như đời sống người lao động, Công ty CP Bá Hải cũng tìm kiếm những công nghệ mới để áp dụng vào hoạt động. Ông Lê Văn Hồng cho biết: Việc áp dụng những phương pháp kỹ thuật tiên tiến trong quản lý chất lượng sẽ tăng giá trị cho các sản phẩm thủy hải sản Việt Nam nói chung, sản phẩm cá ngừ đại dương nói riêng. Chúng tôi đang tiếp cận để học hỏi kỹ thuật bảo quản độ tươi của cá từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh đó, công ty cũng từng bước đổi mới, áp dụng các công nghệ chế biến hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng đối với thủy sản xuất khẩu để có thể tiếp cận khách hàng quốc tế lớn. Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn trong thời gian tới.

 

ĐỒNG CHÍ HỒ THỊ NGUYÊN THẢO, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Ổn định sản xuất, kinh doanh 

 

Trong 9 tháng đầu năm, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Các doanh nghiệp đã đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 1.786 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 69.780 lao động. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đạt các mục tiêu sản xuất của năm, nhiều địa phương, sở, ngành đã tổ chức đối thoại, làm việc với các doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các cấp, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt các giải pháp để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân.

 

Vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền cũng như đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

 

ÔNG NGUYỄN TẤN THUẦN, PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH: Tận dụng mọi cơ chế để thích ứng 

 

Theo tôi, doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tự chủ và phản ứng linh hoạt trước hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như lãnh đạo doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, có tầm nhìn và đánh giá đúng về xu hướng thị trường; tiết giảm chi phí bên cạnh việc chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường mới, gia tăng kết quả sản xuất, kinh doanh. Việc chủ động tìm kiếm, hợp tác với đối tác nước ngoài cũng là một gợi ý đáng quan tâm nhằm tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quốc tế với độ mở và năng lực cạnh tranh rất cao.

 

Mỗi đơn vị phải xác định rõ mục tiêu, biết cách xây dựng thương hiệu cũng như có chiến lược phù hợp bên cạnh việc tìm hiểu rõ, tận dụng tốt những sự trợ giúp từ các cấp, ngành. Gần đây, các chính sách miễn, giảm thuế, phí đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận, nhưng vẫn cần được thực thi có hiệu quả và kịp thời hơn. Doanh nghiệp cũng phải chủ động tận dụng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ bên cạnh việc liên kết, hợp tác chặt chẽ để tạo thành chuỗi giá trị cung ứng trong nước.

 

HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek