Thứ Hai, 25/11/2024 16:21 CH
Kỹ năng kém làm giảm cơ hội xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp
Chủ Nhật, 22/10/2023 14:19 CH

Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp tại triển lãm kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác châu Âu. Ảnh: Vietnam+

Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

 

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu qua các nền tảng Thương mại Điện tử cho Việt Nam còn một số hạn chế, đó là rào cản về văn hóa, ngoại ngữ cũng như hiểu biết về các quy tắc hoạt động của thương mại điện tử tạo nên thách thức lớn cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu xuyên biên giới.

 

Thiếu kỹ năng để tiếp cận khách hàng

 

Thông tin tại Tọa đàm "Thúc đẩy xuất khẩu qua Thương mại Điện tử", do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 19/10, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho hay, trong nhiều năm qua, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam giao dịch qua Alibaba đã có nhiều thay đổi rõ nét.

 

Đơn cử như, như giá cả khá cạnh tranh, sản phẩm và mẫu mã đa dạng, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như chất lượng sản phẩm của Việt Nam không hề kém cạnh so với những nhà cung cấp khác...

 

Tuy vậy, đại diện Alibaba cũng chỉ ra một số rào cản về ngôn ngữ (giao tiếp bằng tiếng Anh) khiến nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại trong việc thương thuyết với khách hàng trong thương mại điện tử.

 

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về thời gian, hoặc là thiếu những kỹ năng về marketing, sử dụng các công cụ tiếp thị trên sàn dẫn đến việc chưa phát huy, sử dụng những công cụ kỹ thuật số mà Alibaba cung cấp để tiếp cận khách hàng nhiều hơn, tiếp đến là hạn chế về logistics, do vậy, như sản phẩm không đảm bảo về thời gian và tiến độ giao hàng ảnh hưởng đến giao dịch…

 

“Ở góc độ là một nhà cung ứng những giải pháp cho nền tảng Thương mại Điện tử, Alibaba thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động về đào tạo, hỗ trợ cho khách hàng, tư vấn, từ đó giúp doanh nghiệp vượt qua những hạn chế và phát huy lợi thế, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Phương Uyên chia sẻ.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Chuyển đổi Số trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến Thương mại), Bộ Công Thương đánh giá, mỗi một thị trường đều có những quy định riêng, những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm riêng nên doanh nghiệp phải nắm được tất cả những quy định này.

 

Ông cũng chỉ ra một số rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được hết các cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử, như việc nhiều doanh nghiệp không nắm được thông tin về thị trường, không nắm được những yếu tố tâm lý của người tiêu dùng đối với những thị trường mục tiêu dẫn đến những khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đó.

 

Ngoài những chi phí liên quan đến việc phân phối, sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp còn phải gánh thêm những chi phí liên quan marketing, chi phí lưu kho hàng, chi phí vận tải…

 

“Đối với những doanh nghiệp lớn, khi họ đã có những kinh nghiệm tham gia vào các sàn Thương mại Điện tử lâu năm thì họ sẽ tối ưu hóa những chi phí này. Nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ, mới tham gia vào thị trường Thương mại Điện tử xuyên biên giới thì họ cần phải có những đơn vị tư vấn hỗ trợ họ trong việc tối ưu hóa những chi phí này”, ông Nguyễn Thành Dương nêu ý kiến.

 

Từ đánh giá trên, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp cần nắm rõ những quy trình vận hành logistics trong Thương mại Điện tử xuyên biên giới, những phương án bảo quản hàng hóa hiệu quả, tính toán được phương án logistics để giá cả cạnh tranh so với những doanh nghiệp có cùng những sản phẩm đó trên thị trường.

 

Thành công từ việc xây dựng thương hiệu

 

Theo đánh giá, thị trường Thương mại Điện tử tại Việt Nam đứng tốp 3 khu vực Đông Nam Á. Nếu như năm 2022, doanh số bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 16,4 tỉ USD, Kinh tế Số Việt Nam đạt gần 23 tỉ USD, dự kiến năm 2025, con số này có thể đạt 49 tỉ USD. Vì vậy, để khai thác hết các tiềm năng trong lĩnh vực này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt được các xu hướng kinh doanh mới và chuyên nghiệp hơn.

 

Ứng dụng chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Vietnam+

 

Bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sáng tạo Đông Dương, thay vì như trước đây, Đông Dương thường đi những cuộc hỗ trợ, những cuộc triển lãm ở nước ngoài, mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều chi phí thì bây giờ khi đến với Thương mại Điện tử, doanh nghiệp và sản phẩm của công ty được tiếp cận với khách hàng nhanh hơn và khách hàng có thể mua sản phẩm của Đông Dương đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới.

 

“Khi khách hàng không nhìn được trực tiếp sản phẩm thì phải thể hiện làm sao để qua hình ảnh, khách hàng có thể hiểu được về sản phẩm, hiểu được về chất lượng của sản phẩm và qua hình ảnh, khách hàng họ có thể yên tâm là doanh nghiệp có đầy đủ các năng lực sản xuất, có đầy đủ các chứng chỉ, chứng nhận mà tất cả các khách hàng ở thực tế có thể yêu cầu”, bà nói.

 

Mặt khác, về phần chuyên môn và nghiệp vụ, theo chia sẻ của bà Tâm, bộ phận kinh doanh cũng phải trau dồi kinh nghiệm và đào tạo rất nhiều qua các buổi huấn luyện, các buổi đào tạo về kỹ năng bán hàng, kỹ năng marketing, về ngôn ngữ. Ngoài ra, Đông Dương còn phát triển về phần xây dựng hình ảnh thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm ở trên tất cả các nền tảng để khách hàng có thể tìm kiếm Công ty dễ hơn.

 

Có thể thấy, xu hướng thị trường liên tục thay đổi, vì vậy, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty Trách nhiệm hữu hạn Alibaba.com Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ những người, những doanh nghiệp thành công đi trước, đồng thời trang những kỹ năng về việc là sử dụng những công cụ marketing mà các nền tảng thương mại điện tử đang cung cấp.

 

Tận dụng thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu là hướng đi hiệu quả, giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Về phía cơ quan chức năng, Cục Xúc tiến Thương mại đã và đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với những sàn Thương mại Điện tử giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được những thị trường quốc tế và khách hàng quốc tế.

 

Cùng với đó, hướng tới việc xây dựng những gian hàng chung, những Gian hàng quốc gia Việt Nam tại các sàn Thương mại Điệnt ử lớn trên thế giới để có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hình ảnh sản phẩm của họ tới những khách hàng quốc tế hiện nay.

 

“Cục sẽ tổ chức những hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại các địa phương trên toàn quốc để họ có thể hiểu rõ hơn về cách thức mà có thể kinh doanh trên môi trường số, những phương thức Chuyển đổi Số trong hoạt động mà xúc tiến thương mại, những kỹ năng kinh doanh trên nền tảng Thương mại Điện tử”, ông Nguyễn Thành Dương cho hay.

 

Theo Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek